MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐBQH: Ở đô thị tiến tới thanh toán không tiền mặt, nhiều đồng bào khó khăn miền núi đã lâu "không thấy mặt đồng tiền"

08-11-2021 - 19:39 PM | Xã hội

ĐBQH: Ở đô thị tiến tới thanh toán không tiền mặt, nhiều đồng bào khó khăn miền núi đã lâu "không thấy mặt đồng tiền"

Nhắc lại phát biểu từ kỳ họp trước, Đại biểu Cao Thị Xuân (đoàn Thanh Hóa) tiếp tục nhấn mạnh những thách thức mà đồng bào dân tộc thiểu số, vùng núi khó khăn phải đối mặt trước những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, điều được nhiều ĐBQH chia sẻ.

Đề nghị quan tâm nhiều hơn nữa tới đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

"Tại kỳ họp trước, khi phát biểu một số vấn đề về tình hình kinh tế - xã hội, đời sống đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi, chúng tôi có so sánh một ý là khi các vùng kinh tế phát triển, các khu vực đô thị chúng ta đang thực hiện các phương thức thanh toán không sử dụng tiền mặt thì nhiều đồng bào khó khăn vùng dân tộc miền núi đã lâu không thấy mặt đồng tiền", Đại biểu Xuân cho biết.

Theo bà Xuân, làn sóng thứ tư của đại dịch COVID đã bùng lên giữa hai kỳ họp Quốc hội với mức độ tàn phá khủng khiếp mà hậu quả đã được các báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội nêu rõ. Nhiều đại biểu Quốc hội đã phân tích, đánh giá thêm giúp chúng ta nhìn nhận toàn diện, đầy đủ vấn đề.

"Một trận dịch giã đi qua thêm hàng vạn gia đình, hàng triệu người lao động ngay tại các khu vực đô thị và nhiều doanh nghiệp cũng rơi vào cảnh không còn tiền mặt. Cử tri đang trông đợi Quốc hội ban hành một nghị quyết, trong đó có những giải pháp khả thi để đạt được đồng thời 3 mục tiêu lớn là: kinh tế phục hồi mạnh mẽ, bảo đảm an sinh xã hội tốt và tiếp tục phòng chống dịch có hiệu quả", ĐBQH Cao Thị Xuân nói.

ĐBQH: Ở đô thị tiến tới thanh toán không tiền mặt, nhiều đồng bào khó khăn miền núi đã lâu không thấy mặt đồng tiền - Ảnh 1.

Đại biểu Xuân cũng "một lần nữa" kính đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm nhiều hơn nữa đến đời sống và phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ngay trước thời điểm khai mạc kỳ họp thứ hai của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1719 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của giai đoạn 2021-2030. Đại biểu Xuân đề nghị trong nghị quyết hằng năm của Quốc hội cần nêu rõ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải có trách nhiệm bảo đảm nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu kế hoạch của chương trình rất quan trọng, có ý nghĩa về chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh quốc gia.

Theo Đại biểu Xuân, Đồng bào các dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống ở những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, trong đó có nhiều khu vực có ý nghĩa trọng yếu về an ninh, quốc phòng, có vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội chung và bảo đảm chủ quyền an ninh quốc gia nói riêng.

"Kính thưa Quốc hội, các chương trình mục tiêu, những chính sách có mục tiêu, ý nghĩa tốt đẹp được Trung ương, Quốc hội, Chính phủ dành cho đồng bào chỉ có thể đạt được mục đích phát huy được hiệu quả khi đáp ứng đủ nguồn vốn triển khai kịp thời chống được thất thoát, lãng phí tiêu cực. Đất nước đang đứng trước nhiều khó khăn nhưng chúng ta không thể nợ lâu hơn nữa chương trình mục tiêu này", Đại biểu Xuân nói.

Nỗ lực để không để ai bị bỏ lại phía sau

Tập trung phát biểu về vấn đề giáo dục, Đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa – Vũng tàu) cho rằng chất lượng, hiệu quả dạy và học trực tuyến còn hạn chế, nhất là bậc tiểu học ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều hộ gia đình học sinh, sinh viên nghèo không có điều kiện trang bị điện thoại thông minh, máy tính kết nối mạng để học tập trực tuyến; hạ tầng công nghệ, đường chuyền, trang thiết bị và nguồn học liệu chưa đáp ứng được yêu cầu; giáo viên nhiều nơi chưa được tập huấn kỹ cả về công nghệ và phương pháp.

Để hạn chế tình trạng này, Đại biểu Quân nêu ra 8 giải pháp, bao gồm "kính đề nghị Chính phủ cần tiếp tục quan tâm có những chính sách hỗ trợ về trang thiết bị dạy học, cơ sở vật chất cho các học sinh, thầy cô giáo để đảm bảo việc học được hiệu quả, an toàn, nhất là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi để họ không bị bỏ lại sau lưng".

ĐBQH: Ở đô thị tiến tới thanh toán không tiền mặt, nhiều đồng bào khó khăn miền núi đã lâu không thấy mặt đồng tiền - Ảnh 2.

ĐBQH Dương Tấn Quân.

Đại biểu Đoàn Thị Hảo (đoàn Thái Nguyên) cũng nhấn mạnh đến việc vùng trung du và miền núi phía Bắc vẫn là một trong những vùng trũng của sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân còn rất nhiều khó khăn.

"Tỷ lệ hộ nghèo của vùng là 12,8%, cao nhất cả nước, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm tỷ trọng rất cao, các tỉnh miền núi Tây Bắc là 97,85%, tiếp đến là các tỉnh miền núi Đông Bắc 81,96%, các xã còn khó khăn và đặc biệt khó khăn tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi phía Bắc. Tỷ lệ xã còn khó khăn là 53,8%, xã đặc biệt khó khăn là 64,41%. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới chỉ đạt 38,18% thấp nhất trong cả nước", Đại biểu Hảo thông tin.

Tuy nhiên, vị ĐBQH đoàn Thái Nguyên cũng nhấn mạnh vùng trung du và miền núi phía Bắc là khu vực có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước, là vùng phên giậu của Tổ quốc, là an toàn khu, cái nôi của cách mạng Việt Nam.

"Trong thời kỳ kháng chiến Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã nhận định: ‘Cách mạng đã do Việt Bắc mà thành công thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi’. Chính vì vậy, việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi phía Bắc tương xứng với tiềm năng, vị trí chiến lược, vị thế lịch sử, vừa là chính sách chung, vừa là sự tri ân của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc Việt Bắc và Tây Bắc đã có nhiều cống hiến, hy sinh cho cách mạng", bà Hảo nêu.

Từ đó, vị ĐBQH đoàn Thái Nguyên đề nghị quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi phía Bắc, tăng mức hỗ trợ ngân sách nhà nước cho khu vực này, đa dạng hóa nguồn vốn huy động, kể cả vốn vay nước ngoài, Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 đã có chủ trương này.

Ngoài ra, bà Hảo cũng đề nghị quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vùng trung du và miền núi phía Bắc, trong đó ưu tiên hàng đầu các công trình có tính lan tỏa.

Linh Anh

Tổ Quốc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên