ĐBQH Phạm Quang Thanh không đi du lịch dịp Tết
Là TGĐ Tổng công ty Du lịch Hà Nội, song ĐB Phạm Quang Thanh kể Tết nhà anh vẫn rất truyền thống, chưa có khái niệm đi du lịch dịp này.
ĐBQH Phạm Quang Thanh vui vẻ nhớ lại có những năm, ngày Tết cả nhà ăn 30 cái bánh chưng và những lúc cao điểm ‘quần quật’ chạy về đón khách.
Sinh trưởng trong gia đình có cha là chính trị gia với bề dày công tác, lại là ĐBQH trẻ nhất trong đoàn ĐBQH TP.Hà Nội nhưng khi hỏi về một góc riêng tư của gia đình, ĐBQH Phạm Quang Thanh không chút ngần ngại, chia sẻ đầy hào hứng về những ngày Tết đầy ắp kỷ niệm của gia đình.
Ở tuổi 36, là Tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Hà Nội, song ĐB Phạm Quang Thanh cho hay bao năm nay Tết nhà anh vẫn rất truyền thống, chưa có khái niệm đi du lịch những ngày này.
“Tết gia đình tôi không có gì đặc biệt so với mọi nhà ở miền Bắc. Một năm có ngày Tết cũng dọn dẹp nhà cửa, thắp hương ông bà, nấu những món ăn hơi cầu kỳ. Đó là những nét truyền thống rất vui”, ĐB Quang Thanh chia sẻ.
Anh kể những năm trước, mỗi khi Tết đến, cả nhà quây quần gói đến mấy chục chiếc bánh chưng, ăn đến gần hết tháng giêng.
“Ngày xưa ăn nhiều, có khi đến 30 cái bánh chưng nhưng vài năm trở lại đây nhà tôi không còn gói nữa, phần vì bận, phần vì ăn ít đồ nếp vì sợ béo”, ĐBQH TP Hà Nội cười tươi kể.
Vẫn giữ nếp Tết truyền thống, anh bảo gia đình năm nào cũng dành mùng 1-2 đi thăm hai nhà nội, ngoại rồi thăm họ hàng ở quê đến hết mùng 3 Tết.
"Tết thăm họ hàng là chính vì mọi người ít có dịp gặp nhau. Có những cô dì, chú bác có khi cả năm chỉ gặp 1-2 lần vào những ngày giỗ chạp hoặc đợi cuối năm”.
Sáng kiến thuê hội trường cả họ gặp mặt
Dù thích Tết truyền thống nhưng dưới góc độ của người trẻ, ĐB Phạm Quang Thanh cho rằng Tết ngoài Bắc còn nặng về thủ tục, trong khi phía Nam đã thay đổi tư duy từ rất lâu rồi.
“Trong Nam mùng 1 Tết đã có gia đình nằm phơi nắng ở Vũng Tàu. Từ bé họ đã thế và thấy đây là việc rất bình thường vì quan niệm Tết là cho mình. Ngoài Bắc chưa thay đổi mạnh đến mức ấy, luôn nghĩ Tết là cho người khác”, ĐB Quang Thanh so sánh.
Chính vì quan niệm ấy nên nhiều người thấy chuyện đi du lịch ngày Tết có gì đó không đúng lắm nhưng trong Nam lại thấy rất bình thường.
“Theo tư duy cũ, hầu hết các gia đình ở miền Bắc phải đợi mùng 3 Tết hoá vàng xong mới tính đi đâu thì đi. Như năm nay nghỉ 7 ngày, xong xuôi còn có 1-2 ngày thì không có thời gian để tiêu tiền vì rất khó để sắp xếp đi chơi”, ĐB Thanh chia sẻ.
Tuy nhiên, anh cho rằng một số gia đình trẻ ở phía Bắc cũng bắt đầu thay đổi thói quen đón Tết, góp phần kích thích du lịch.
Cũng vì quan niệm Tết cho người khác nên ngoài Bắc, ngày Tết phải đi thăm nhau. Văn hoá này nhiều lúc hơi rườm rà.
“Anh phải đến nhà em, xong em phải đến nhà anh chứ không có chuyện một chiều. Nên ngày xưa tôi từng nêu ‘sáng kiến’ với gia đình rằng vào mùng 1 Tết thuê hẳn hội trường to cho anh em gặp nhau một buổi đầu xuân, đỡ phải đi lại”, ĐB Quang Thanh nhớ lại.
Nhưng đến giờ vẫn chỉ nói để cho vui chứ chưa thực hiện được.
Dẫn chứng tiếp chuyện Tết rườm rà, anh kể giờ còn có điện thoại di động, đỡ vất vả, chứ ngày xưa chỉ có máy bàn, Tết rất khổ khi cứ phải gọi điện dặn trước rằng sắp đến để chủ nhà chuẩn bị đón tiếp.
“Nhiều khi đang ở nhà khác, nghe thấy thế phải 'quần quật' chạy về đón khách”, anh Thanh vui vẻ.
Vietnamnet