MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐBQH Trần Hoàng Ngân: Cần lưu ý rằng trong tổng kim ngạch xuất khẩu, 70% đến từ các doanh nghiệp FDI

Phát biểu tại hội trường Quốc hội sáng nay, đại biểu đến từ TPHCM lưu ý về những thành tích đạt được trong xuất khẩu có vấn đề về "nội lực".

Phát biểu trước Quốc hội, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh), thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nhấn mạnh kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều diễn biến khó lường, rủi ro và đứng trước nguy cơ suy giảm. IMF đã liên tục điều chỉnh tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 3,6% xuống còn 3%.

"Trong khi đó, Kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, từ 6,2% năm 2016 lên tới 6,98% tính đến tháng 9/2019. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có nhiều tác động đến kinh tế nước ta, trong đó có cả thuận lợi và không thuận lợi", ông Ngân cho biết.

Về mặt không thuận lợi, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dẫn tới việc nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới phá giá đồng tệ. "Trong 10 tháng đầu năm 2019, chúng ta đã nhập khẩu từ Trung Quốc 62 tỷ USD, tăng 12,6%, dẫn đến nhập siêu trên 29 tỷ USD", ông Ngân cho biết.

Trong khi đó, Việt Nam là nước nhập siêu hàng hóa Trung Quốc. Điều này khiến nhập siêu tăng cao. Cùng với đó, gian lận thương mại, giả xuất xứ hàng hóa diễn biến phức tạp. Theo đó, Chính phủ cần quan tâm và ngăn chặn hiệu quả những tồn tại này.

Tuy nhiên, không thể không kể đến mặt thuận lợi. Trong bối cảnh hàng hóa Trung Quốc bị áp thuế cao tại Mỹ, hàng hóa Việt Nam có cơ hội lớn vào nền kinh tế số 1 thế giới. Thực tế, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Mỹ cũng tăng cao. Trong 10 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ 49,9 tỷ USD, tăng 26,6% so với cùng kỳ. Xuất siêu vào Mỹ của Việt Nam là 37,9 tỷ USD, một con số đang gây sự chú ý với phía Mỹ.

"Trong 4 năm qua, Việt Nam xuất siêu 19,7 tỷ USD, góp phần cải thiện cán cân thanh toán vãng lai, cánh cân thanh toán quốc tế và trăng dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng trong tổng kim ngạch xuất khẩu, 70% số đó đến từ các doanh nghiệp FDI", ông Ngân cho biết.

Trong bối cảnh nhiều nước đang đi theo chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, tạo ra nhiều rào cảnh thương mại, vị Đại biểu Quốc hội TP HCM cho rằng Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến thị trường trong nước với 96 triệu dân. "Triển khai có hiệu quả cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, tiến đến người Việt Nam thích dùng hàng Việt Nam", ông Ngân nêu quan điểm.

Từ trải nghiệm của bản thân và những người xung quanh khi sử dụng hàng Việt, Đại biểu Trần Hoàng ngân cho rằng người Việt đang chuyển hướng theo chiều tích cực với hàng hóa Việt Nam. "Tuy nhiên, chính phủ và doanh nghiệp cần chú ý đến chất lượng vào mẫu mã sản phẩm. Trong gần 10 năm qua, thu nhập của người Việt đã tăng gấp đôi lên 2.780 USD/người", ông Ngân nói.

Bên cạnh đó, ông Ngân cũng cho rằng Chính phủ, các ngành và địa phương cần triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.

Vấn đề tín dụng cũng được ông Ngân nêu ra. Theo đó, một trong những đầu vào quan trọng của tăng trưởng kinh tế là vốn, quyết định 45-50% GDP. Trong việc huy động vốn, nguồn vốn từ tín dụng là quan trọng.

"5 năm qua, với sự nỗ lực của hệ thống chính trị và quyết tâm của chính phủ, chúng ta giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát liên tiếp trong 5 năm ở mức dưới 4%. Kéo giảm bội chi, nợ công, xử lý nợ xấu, đảm bảo an ninh tài chính, tiền vệ quốc gia và an toàn ngân hàng, nhà nước giữ được niềm tin của người dân với hệ thống ngân hàng, giúp tiền vẫn được gửi tiết kiệm", ông Ngân nói.

Tính đến tháng 7/2019, Ngân hàng đã huy động được 8,2 triệu tỷ đồng, trong đó 4,7 triệu tỷ đồng là tiền gửi. Đây chính là nguồn vốn ổn định cho nền kinh tế. Đến tháng 7, dư nợ lên tới 7,8 triệu tỷ, 30% GDP. Số liệu này cho thấy kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội là ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động ngân hàng, nâng cao chất lượng tín dụng, tránh để nợ xấu quay lại.

Ngoài ra, thị trường chứng khoán cũng được ông Ngân nêu ra như một kênh cung ứng vốn quan trọng cho nền kinh tế trong trung và dài hạn. Chính vì vậy, cần tiếp tục tái cơ cấu thị trường tài chính để thị trường chứng khoán để có thể hiện thực hóa được mục tiêu này. Hiện tại, vốn hóa thị trường đã lên tới hơn 100%.

Vốn đầu tư nước ngoài giải ngân thực hiện vào nước ta liên tiếp gia tăng trong 4 năm qua. Từng năm 2016 đến tháng 10/2019 đã giải ngân 68,6 tỷ USD, đóng góp vào 23% tổng vốn đầu tư xã hội và 20% GDP. Tuy nhiên, kết quả mang lại từ FDI vẫn chưa trọn vẹn. Theo đó, ông Ngân cho rằng Chính phủ, các bộ ngành địa phương cần ưu tiên yếu tố an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường và công nghệ là những ưu tiên hàng đầu khi cấp phép đầu tư theo đúng Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên