ĐBQH: Vì sao trước đây lương công chức cũng thấp nhưng không nghỉ việc nhiều?
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (đoàn Tiền Giang).
Để giữ chân công chức, viên chức ở lại hệ thống công, Bộ Nội vụ đã đề xuất các giải pháp trong đó có cải cách tiền lương, song cũng cần đặc biệt quan tâm đến việc cải thiện môi trường làm việc, làm sao để công chức có điều kiện phát huy hết được năng lực, trình độ, sự sáng tạo của mình.
- 03-11-2022Địa phương đang xây dựng sân bay tỷ đô lớn nhất Việt Nam có tiềm năng thế nào?
- 27-10-2022Top 10 địa phương bứt phá lớn nhất trong bảng xếp hạng thu nhập bình quân 15 năm qua
- 26-10-2022Vùng kinh tế vừa có số lượng sân bay vừa có số lượng cảng biển nhiều nhất cả nước
Sáng nay (5/11), Quốc hội tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề về nội vụ. Trao đổi bên hành lang Quốc hội về phần chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trong chiều 4/11, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (đoàn Tiền Giang) đánh giá cao các đại biểu Quốc hội đã đi vào các vấn đề trọng tâm, trọng điểm đang được đông đảo công chức, viên chức quan tâm.
Bên cạnh đó, phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho thấy tư lệnh ngành nắm chắc các vấn đề đang gặp phải hiện nay và đã có kế hoạch chủ động khắc phục những bất cập. Đơn cử như tiền trợ cấp cho đối tượng công chức cơ sở chuyên trách và không chuyên trách còn nhiều điểm chưa hợp lý được quy định trong Nghị định 34 được nhiều đại biểu nêu, hiện Bộ Nội vụ đã xây dựng được kế hoạch để lấy ý kiến 63 tỉnh, thành phố, sửa đổi quy định này.
“Số lượng công chức cơ sở không chuyên trách, bán chuyên giảm đi, số lượng công việc tăng lên, trọng trách của những cán bộ này không khác gì cán bộ chuyên trách, nhưng tiền lương hỗ trợ thì lại quá thấp. Tôi hy vọng rằng những gì Bộ trưởng đã hứa sẽ sớm làm được để đáp ứng mong mỏi của cử tri cả nước", đại biểu Nguyễn Thanh Cầm nhấn mạnh.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, về giải pháp giữ chân công chức, viên chức ở lại hệ thống công, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã đề xuất nhiều giải pháp như cải cách tiền lương, song cũng cần đặc biệt quan tâm đến việc cải thiện môi trường làm việc, làm sao để công chức có điều kiện phát huy hết được năng lực, trình độ, sự sáng tạo của mình.
“Chúng ta cần giải pháp đồng bộ, trong đó có cải thiện môi trường làm việc, cải tiến cách thức tuyển dụng, bồi dưỡng, phân công nhiệm vụ, đánh giá thi đua khen thưởng cho đến cải cách tiền lương, làm sao để công chức làm việc trong môi trường công cảm thấy xứng đáng với những gì mà họ cống hiến. Phải tạo ra được môi trường làm việc thực sự dân chủ, thân thiện để công chức dám làm, dám chịu trách nhiệm trước những việc mới, việc khó, đáp ứng kỳ vọng của người dân cả nước. Nếu thực hiện được đồng bộ những giải pháp này sẽ giải quyết được căn cơ nhất hiện tượng cán bộ công chức nghỉ việc, thôi việc”, đại biểu nói.
Còn theo đại biểu Lý Anh Thư (đoàn Kiên Giang), một trong những vấn đề lớn đang rất được cử tri cả nước quan tâm là biên chế và tinh giản biên chế. “Đại biểu muốn nghe những giải pháp cụ thể từ Bộ Nội vụ về vấn đề này, không phải những giải pháp chung chung. Trong phiên chất vấn chiều 4/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã nêu ra các giải pháp khá cụ thể, mong rằng trong thời gian tới Bộ Nội vụ sẽ kịp thời sửa quy định bất cập về chế độ lương phụ cấp với đối tượng công chức chuyên trách và không chuyên trách cơ sở, nhất là đội ngũ cấp xã để họ yên tâm công tác.
Phải nói thẳng rằng, có thực mới vực được đạo, nhưng cũng cần lật lại vấn đề, trước đây lương công chức cũng thấp nhưng tình trạng nghỉ việc không nhiều hơn hiện nay, vậy còn nhiều nguyên nhân khác ngoài lương, trong đó có môi trường làm việc không tạo ra cơ hội để họ phát huy năng lực, khối lượng công việc nhiều, áp lực…”.
Đại biểu Lý Anh Thư (đoàn Kiên Giang).
Đại biểu kỳ vọng sau buổi chất vấn, ngành Nội vụ sẽ có giải pháp kịp thời giải quyết các vấn đề “nóng” hiện nay. Trong khi luật chưa sửa đổi, các nghị quyết chưa được ban hành, thì Chính phủ cũng cần có những giải pháp tạm thời để giải quyết sớm nhất các vướng mắc này.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên Thuế) nhận định, ngay trong phần giải trình ngày 4/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã thể hiện được trách nhiệm, tinh thần cầu thị và sự thẳng thắn nhìn nhận những khuyết điểm trong công tác của ngành hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên Thuế).
Với những vấn đề mà ngành Nội vụ đang gặp phải, đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho rằng cần giải quyết kịp thời không chỉ bằng Luật mà cần những văn bản dưới luật cụ thể, đi vào thực tiễn để giải quyết căn cơ các vấn đề con người, cán bộ - gốc rễ của mọi công việc. Trong đó phải tháo gỡ những băn khoăn về mặt tinh thần, tâm lý làm việc cho cán bộ cũng như giải quyết về tiền lương, thưởng, những nền tảng cơ bản để tạo dựng cuộc sống và nâng cao cuộc sống công chức, viên chức./.
VOV