Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao: Cần tránh 'vết xe đổ'
Theo các chuyên gia, đề án trồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao rất cần thiết để nâng tầm giá trị ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Tuy nhiên, để đề án khả thi, ngành nông nghiệp cần tránh những “vết xe đổ”.
- 18-04-2022Thu phí cảng biển với doanh nghiệp xuất khẩu gạo hay “đánh” vào người nông dân trồng lúa
- 16-03-201710 năm qua thu nhập của người nông dân trồng lúa Việt Nam đã giảm tới 7 lần, ngành gạo phải làm gì?
- 06-06-2016Phát triển lúa gạo: Cần thay đổi tư duy
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đang xây dựng đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với mục tiêu nâng cao giá trị, thu nhập của người dân, bảo đảm an ninh lương thực và phục vụ xuất khẩu. Đây là đề án mới nhất về phát triển ngành lúa gạo của Việt Nam nhằm hiện thực hóa Chỉ thị số 08 của Thủ tướng về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững vùng ĐBSCL.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), đơn vị này đang phối hợp với Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp miền Nam để xây dựng nội dung chi tiết. Trước mắt, 1 triệu ha lúa chất lượng cao dự kiến sẽ tập trung ở các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, một phần Kiên Giang (và có thể ở một số địa phương khác).
Lúa chất lượng cao, phải đảm bảo tính ổn định về giá cả cho người nông dân
Giới chuyên gia và các DN ngành lúa gạo rất quan tâm về tính khả thi của đề án mới này. Trao đổi với PV Tiền Phong, GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng, việc vạch ra đề án rất dễ, nhưng triển khai được hay không mới quan trọng. Ngay từ chục năm trước, Bộ NN&PTNT cũng đã đưa ra đề án sản xuất 1 triệu tấn lúa chất lượng cao nhưng cuối cùng như “đá ném ao bèo” do quyết tâm và giám sát thực hiện hời hợt.
Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, vấn đề quan trọng nhất cần phải xác định là thị trường đầu ra cho gạo chất lượng cao. “Nếu trồng lúa chất lượng cao, giá lúa không cao hơn so với lúa bình thường, nông dân sẽ không tham gia. Hoặc giá cao hơn được một vài vụ rồi đâu lại vào đấy, nông dân sẽ bỏ cuộc...”, ông Xuân nói và nhấn mạnh đề án cần làm rõ nội hàm “chất lượng cao” là như thế nào? Với xu hướng hiện nay, gạo chất lượng cao không chỉ phải đặt yếu tố sạch, an toàn, không chứa chất cấm lên hàng đầu mà còn phải phù hợp với thị hiếu của từng thị trường.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, mục tiêu sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao chỉ là phương tiện, còn mục đích cần phải đạt khi thực hiện đề án là nâng cao giá trị, thu nhập cho người nông dân, xây dựng được một diện mạo mới cho ngành lúa gạo Việt Nam. Theo ông Hoan, hiện nay, ĐBSCL đứng trước những thách thức về biến đổi khí hậu, suy thoái, đất đai manh mún, những khó khăn về thị trường… Do đó, việc thực hiện đề án trồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao không hề dễ. Bộ NN&PTNT xác định vai trò quan trọng nhất thuộc về các DN.
Chẳng hạn, người Malaysia sẽ có thói quen ăn gạo ngon hơn người Indonesia. Gạo chất lượng cao cho thị trường Trung Quốc sẽ là hạt tròn, gạo Jaimaica, chứ không thể là gạo hạt dài. Còn nếu bán sang thị trường Mỹ, gạo phải vừa sạch, vừa ngon.
“Tùy theo thị trường, chúng ta sẽ bố trí các vùng trồng khác nhau. Nếu cần gạo chất lượng cao mà độ ngon vừa phải, chúng ta có thể trồng ở vùng dọc theo biên giới Việt Nam-Campuchia, kéo sang An Giang, Đồng Tháp...
Còn cần lúa chất lượng cao, năng suất cao, có thể trồng ở vùng Cao Lãnh (Tiền Giang). Hay gạo vừa chất lượng cao, vừa ngon, phải trồng từ Bến Tre kéo xuống Bạc Liêu, Cà Mau... Còn nếu chỉ công bố trồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao và các địa phương tự bố trí, sẽ dẫn tới vòng luẩn quẩn. Bài học về cao su, điều, chè...đến nay vẫn còn”, GS-TS Võ Tòng Xuân nói.
Doanh nghiệp nên tham gia
Theo các DN, trong bối cảnh hiện nay, việc đề án có thành công hay không cần giải pháp cụ thể, trong đó cần xác định vai trò dẫn dắt và có chính sách hỗ trợ các DN.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Công ty Trung An) cho rằng, 1 triệu ha lúa chất lượng cao thực chất là mô hình tiếp nối chương trình “cánh đồng mẫu lớn” được thực hiện cả chục năm nay.
Về bản chất, DN cũng trồng những giống lúa chất lượng cao và tập trung cho các thị trường cao cấp. Như Công ty Trung An, hiện xuất khẩu gạo chủ yếu sang châu Âu với giá bán ngang ngửa gạo Thái Lan . Đặc biệt, gạo thơm có giá rất cao từ 1.100 - 1.200 USD/tấn nhưng đáng tiếc sản lượng xuất khẩu của công ty còn ít, do gặp khó trong việc mở rộng cánh đồng mẫu lớn vì thiếu vốn.
Theo ông Bình, đây là hạn chế lớn nhất hiện nay khiến DN không thể mở rộng sản xuất dù rất muốn. Chẳng hạn, để xây dựng cánh đồng lớn quy mô 10 nghìn ha, tức có khoảng gần 100 nghìn tấn lúa khi thu hoạch, DN cần số vốn thu mua lúa cho nông dân rất lớn, trong khi trong vòng 1-2 tháng, DN không thể tiếp cận được. Chưa kể, DN phải đầu tư rất nhiều cho hệ thống máy sấy lúa, kho chứa, phương tiện vận chuyển.
“Riêng Công ty Trung An, hiện đã xây dựng được 10 nghìn ha cánh đồng mẫu lớn. Dù có nhiều người nói chương trình cánh đồng mẫu lớn đang bế tắc nhưng đây vẫn là giải pháp đột phá giúp thay da đổi thịt ngành lúa gạo Việt Nam", ông Bình khẳng định.
Với 1 triệu ha lúa chất lượng cao, theo ông Bình, chỉ cần khoảng 20 DN, mỗi DN trồng khoảng 50 nghìn ha lúa là có thể thực hiện được. Nếu đề án thành công, với 6-7 triệu tấn gạo chất lượng cao xuất khẩu, có thể thu về 10 tỷ USD, chứ không phải chỉ hơn 3 tỷ USD như hiện nay.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, việc xây dựng 1 triệu ha lúa chất lượng cao là khả thi. Nếu làm tốt chắc chắn sẽ tạo ra sự đột phá có tính bước ngoặt cho ngành lúa gạo Việt Nam. Song điều quan trọng nhất là Nhà nước phải tạo động lực cho các DN tham gia...
Tiền phong