Đề án Quy hoạch Điện VIII được Hội đồng thẩm định thông qua
Hội đồng thẩm định đã bỏ phiếu thông qua nội dung của Đề án Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) với số phiếu 26/26.
- 25-03-2021GE Renewable Energy hợp tác phát triển dự án điện gió thứ hai tại Bình Thuận
- 24-03-2021Điện tái tạo đắt đỏ, khí giá rẻ dần cạn kiệt, khả năng cao EVN sẽ phải tăng giá điện bán lẻ
Theo đó, Hội đồng thẩm định Quy hoạch điện VIII thống nhất kết luận Quy hoạch đủ điều kiện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Ngày 18/3, Hội đồng đã họp lần hai, bỏ phiếu thông qua báo cáo thẩm định Đề án Quy hoạch điện VIII và nội dung Đề án, Dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ, Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII. Có 4 phiếu đồng ý thông qua nội dung không chỉnh sửa và 22 phiếu đồng ý thông qua với điều kiện bổ sung chỉnh sửa của Đề án.
Trước đó, ngày 9/2/2021, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 828/BCT-ĐL xin ý kiến các Bộ ngành liên quan đối với Dự thảo Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).
Quy hoạch điện này bao trùm các vấn đề trong phát triển của ngành Điện trong hiện tại và tương lai.
Cụ thể, về chương trình phát triển nguồn điện, tới năm 2030, tổng công suất đặt nguồn điện của Việt Nam đạt 137,2GW (trong đó nhiệt điện than 27%; nhiệt điện khí 21%; thủy điện 18%; điện gió, mặt trời và năng lượng tái tạo khác 29%, nhập khẩu khoảng gần 4%; thủy điện tích năng và các loại thiết bị lưu trữ năng lượng khác khoảng gần 1%).
Năm 2045, tổng công suất đặt của nguồn điện đạt gần 276,7GW. Trong đó nhiệt điện than 18%; nhiệt điện khí 24%; thủy điện 9%; điện gió, mặt trời và năng lượng tái tạo khác trên 44%, nhập khẩu khoảng gần 2%, thủy điện tích năng và các loại thiết bị lưu trữ năng lượng khác khoảng 3%.
Cũng theo Viện Năng lượng, cơ cấu nguồn điện cho thấy Quy hoạch điện VIII khuyến khích phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo (ngoài thủy điện), từ khoảng 13% năm 2020 lên tới gần 30% năm 2030 và 44% năm 2045. Đây là xu hướng phù hợp với sự phát triển của thế giới.
Về chương trình phát triển lưới điện, Quy hoạch điện VIII đề xuất tiếp tục xây dựng hệ thống truyền tải điện 500kV để truyền tải điện từ các trung tâm nguồn điện lớn tại Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ về các trung tâm phụ tải lớn của Việt Nam tại TP.HCM và Đồng bằng sông Hồng.
Tăng cường lưới điện truyền tải liên kết để hỗ trợ truyền tải công suất liên miền Bắc - Trung - Nam.
Vấn đề truyền tải điện bằng đường dây một chiều cũng đã được đặt ra và nghiên cứu, xem xét trong Quy hoạch điện VIII. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2030 cần xây dựng thêm tổng cộng khoảng 86GVA công suất trạm 500kV và gần 13.000km đường dây, giai đoạn 2031-2045 cần xây dựng thêm khoảng 103GVA công suất trạm 500kV và gần 6.000km đường dây. Lưới điện 220kV tương ứng cần xây dựng 95GVA và gần 21.000 km đường dây, 108GVA và hơn 4.000 km đường dây.
Viện Năng lượng tính toán, tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2021-2030 khoảng 128,3 tỷ USD, trong đó cho nguồn điện là 95,4 tỷ USD, cho lưới điện khoảng 32,9 tỷ USD. Trung bình mỗi năm cần đầu tư khoảng 12,8 tỷ USD (9,5 tỷ USD cho nguồn và 3,3 tỷ USD cho lưới).