MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

​Đề án về công tác cán bộ trình Hội nghị TƯ 7 sẽ ngăn tình trạng "cả họ làm quan"

Sáng nay 7/5, Hội nghị BCH T.Ư 7 khoá XII chính thức khai mạc. Đề án “xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" sẽ được Hội nghị bàn thảo.

Đội ngũ cán bộ tuy đông nhưng chưa mạnh

Đề án “xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" do Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính làm Trưởng ban chỉ đạo Đề án. Theo đó, để chuẩn bị Đề án trình Hội nghị T.Ư 7 khoá XII lần này, ngay từ tháng 5/2016, Ban chỉ đạo và Tổ biên tập xây dựng Đề án đã được thành lập.

Đề án nhận định, trong hơn 20 năm qua, từ khi có Nghị quyết Chiến lược cán bộ của Hội nghị T.Ư 3 khoá VIII đến nay, chúng ta đã đạt nhiều thành tựu trong công tác cán bộ, nhưng vẫn còn những cất cập như đội ngũ cán bộ tuy đông nhưng chưa mạnh, tình trạng vừa thừa vừa thiếu cán bộ xảy ra ở nhiều nơi.

Đặc biệt, có một bộ phận không nhỏ cán bộ phai nhạt lý tưởng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có hiểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hoá. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược thiếu gương mẫu, uy tín thấp, còn quan liêu, xa dân, tham nhũng, lợi ích nhóm... dẫn đến việc bị kỷ luật Đảng và xử lý theo pháp luật.

Chính những yếu kém của một bộ phận cán bộ kéo dài trong thời gian qua và những bất cập trong công tác cán bộ chậm được khắc phục đã làm ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của Đảng, làm suy giảm lòng tin của nhân dân với chế độ. Vì thế, Đề án lần này có ý nghĩa rất quan trọng.

Nội dung xuyên suốt, bao trùm của đề án là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ công tác cán bộ, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, công tâm, khách quan.

Cùng với đó là chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đi đôi với tạo cơ chế, môi trường, điều kiện để khuyến khích đổi mới, sáng tạo phục vụ phát triển và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Chú trọng kiểm tra giám sát

Đề án lần này cũng nhấn mạnh đến việc tăng cường kiểm soát quyền lực, chặn đứng được tiêu cực, triệt để chống chạy chức, chạy quyền và đẩy lùi tình trạng suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong cán bộ, đảng viên.

Theo đó, hàng loạt giải pháp được Ban chỉ đạo xây dựng Đề án đưa ra. Điển hình như thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức, làm cơ sở cho các địa phương, cơ quan, đơn vị lựa chọn, sát hạch, tuyển dụng theo yêu cầu, nhiệm vụ của mình. Đặc biệt, lần này chúng ta thực hiện nhất quán việc bố trí bí thư cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương; khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác, nhất là chức danh chủ tịch UBND.

​Đề án về công tác cán bộ trình Hội nghị TƯ 7 sẽ ngăn tình trạng cả họ làm quan - Ảnh 1.

PGS. TS Ngô Thành Can


Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Infonet, PGS. TS Ngô Thành Can (phó Trưởng khoa Tổ chức và Quản lý Nhân sự , Học viện Hành chính Quốc gia) cho biết, quy định Bí thư tỉnh, huyện là người địa phương khác không phải là vấn đề mới. Thời phong kiến chúng ta cũng đã có quy định này được thể hiện trong luật Hồi tỵ. Theo đó, những ông làm quan ở địa phương nào thì không được là người ở địa phương đó.

“Sau này rất lâu chúng ta không áp dụng điều này. Và thực tế, trong quá trình vận hành bộ máy đã phát sinh nhiều vướng mắc: người địa phương ủng hộ, củng cố người địa phương; chuyện bổ nhiệm người nhà, cả họ làm quan…”- PGS Ngô Thành Can chia sẻ.

Bên cạnh quy định về công tác bổ nhiệm cán bộ có nhiều kẽ hở tạo ra tình trạng này, theo PGS Ngô Thành Can còn một nguyên nhân khác đó là công tác kiểm tra, thanh tra còn buông lỏng. Đặc biệt khi phát hiện sai phạm thì việc xử lý đã không đến nơi đến chốn.

Do đó, PGS Ngô Thành Can đánh giá đề án trình Hội nghị Trung ướng 7 về công tác cán bộ trong đó quy định Bí thư tỉnh, Thành phố không phải là người địa phương theo ông  rất hay, bởi nó sẽ ngăn chặn tình trạng “bổ nhiệm người nhà, họ hàng cấu kết với nhau”.

Tuy nhiên để đề án thực sự hiệu quả, PGS Ngô Thành Can cho rằng cần phải có cách làm hiệu quả trong đó chú trọng khâu kiểm tra giám sát. Theo đó cần có chế tài cụ thể, nếu ai vi phạm phải xử lý đến nơi đến chốn chứ không nên “rút kinh nghiệm” rồi lại đâu vào đấy.

Theo N.Huyền

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên