Để bảo hiểm thất nghiệp thêm sức hút
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp không chỉ hỗ trợ thu nhập, tạo việc làm khi bị mất việc mà còn phải phòng tránh rủi ro thất nghiệp cho người lao động
- 10-11-2024Bị kỷ luật buộc thôi việc có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp?
- 08-11-2024Mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện
- 07-11-2024Từ 2025, tài xế xe ôm, lao động tự do có cơ hội được hưởng bảo hiểm tai nạn lao động
Theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo quy định của Luật Việc làm hiện hành chưa bao phủ hết tất cả đối tượng có quan hệ lao động, dẫn đến còn nhiều lao động chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ khi không may bị mất việc làm. Nhằm khắc phục tình trạng này, tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã bổ sung một số đối tượng tham gia BHTN.
Mở rộng độ bao phủ
Theo quy định tại Luật Việc làm năm 2013, đối tượng phải tham gia BHTN chỉ gồm người lao động (NLĐ) đang làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ), hợp đồng làm việc xác định thời hạn, không xác định thời hạn hoặc HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.
Ở dự thảo luật, đối tượng tham gia BHTN đề xuất gồm: người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên (kể cả trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên);
NLĐ làm việc theo hợp đồng nhưng không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất theo quy định của Luật BHXH; người làm việc theo hợp đồng làm việc; người quản lý doanh nghiệp (DN), kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của DN tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành HTX, liên hiệp HTX có hưởng tiền lương.
Luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, cho rằng việc bổ sung đối tượng tham gia BHTN như dự thảo là cần thiết, nhất là trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên.
Thực tế hiện nay, để né việc đóng BHXH, BHYT, BHTN, thay vì ký HĐLĐ, người sử dụng lao động (NSDLĐ) thường sử dụng các tên gọi khác như hợp đồng khoán việc, cộng tác viên… Dù bản chất thể hiện đầy đủ các yếu tố có trả công, tiền lương, chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên nhưng lại không được phía sử dụng lao động công nhận có quan hệ lao động.
Còn NLĐ không được định danh là "NLĐ" mà bằng những tên gọi khác như đối tác, khách hàng… dẫn đến không được bảo đảm các quyền lợi về bảo hiểm và quỹ BHTN cũng thất thu. "Nội dung trên được sửa đổi cũng nhằm tương thích với khái niệm về HĐLĐ quy định tại Bộ Luật Lao động năm 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021 nhưng đến nay vẫn còn nhiều NLĐ có quan hệ lao động đứng ngoài rìa chính sách. Để luật đi vào thực tiễn thì cần có giải pháp thực hiện cụ thể và mạnh mẽ hơn" - ông Tín đề xuất.
Tương tự, nhiều ý kiến cũng ủng hộ đưa trường hợp làm việc không trọn thời gian vào các đối tượng được tham gia BHTN. Song, kèm theo đó phải chú trọng khâu giám sát, thanh tra, kiểm tra để bảo đảm sự tuân thủ luật từ cả phía DN và NLĐ.
Hỗ trợ người lao động yếu thế
Hiện thực hóa Nghị quyết số 28-NQ/TW, Nghị quyết số 42-NQ/TW về sửa đổi các quy định về mức đóng, tăng cường tính linh hoạt của chính sách nhằm mở rộng diện bao phủ, hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ, nhất là trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, suy thoái khi quỹ kết dư lớn, dự thảo cũng đã đề xuất sửa đổi, bổ sung mức đóng BHTN theo hướng đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; NSDLĐ đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những NLĐ đang tham gia BHTN; nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN của những NLĐ đang tham gia BHTN và do ngân sách trung ương bảo đảm.
Ông Nguyễn Thành Tài, Giám đốc nhân sự Công ty CP Đại Đồng Tiến (quận 5, TP HCM), khẳng định đề xuất này có lợi cho cả NLĐ và chủ DN. Ông dẫn chứng trong dịch COVID-19 vừa qua, nhiều lao động phải tạm ngừng việc hoặc mất việc, thu nhập giảm sút, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Khoản hỗ trợ (1,8 - 3,3 triệu đồng/người) từ quỹ BHTN thời điểm đó không chỉ mang lại lợi ích thiết thực mà còn là sự động viên rất lớn đối với NLĐ. "Cùng với việc xây dựng chính sách tốt, cần đơn giản hóa thủ tục, quy định để NLĐ và DN dễ tiếp cận" - ông Tài mong mỏi.
Trong lần sửa đổi này, ban soạn thảo luật cũng chú trọng đến việc cải thiện chính sách nhằm khuyến khích NSDLĐ duy trì, tạo việc làm cho NLĐ, nhất là NLĐ yếu thế. Chẳng hạn những chế độ hỗ trợ NSDLĐ khi sử dụng NLĐ là người khuyết tật. Theo đó, NSDLĐ sử dụng NLĐ khuyết tật sẽ được hỗ trợ tiền đóng BHTN thuộc trách nhiệm của NSDLĐ phải đóng cho NLĐ trong vòng 12 tháng.
Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam (TP Thủ Đức, TP HCM), nhận xét đây là đề xuất rất nhân văn. Song để giúp người khuyết tật hòa nhập xã hội, có việc làm ổn định, lâu dài, quỹ BHTN cần hỗ trợ đóng BHTN cho NLĐ khuyết tật trọn đời.
Theo luật sư Nguyễn Hải Nam (Đoàn Luật sư Bình Phước), mục đích của chính sách BHTN không chỉ hỗ trợ NLĐ về thu nhập, tạo việc làm khi bị mất việc làm mà còn phải duy trì việc làm, phòng tránh rủi ro thất nghiệp cho NLĐ. Vì vậy, nên mở rộng việc hỗ trợ BHTN cho các trường hợp khác (ngoài trường hợp thất nghiệp) như NLĐ gặp thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu hoặc khi thu nhập bị giảm sút nhưng chưa đến mức mất việc làm...
Giai đoạn 2015 - 2023, số người tham gia BHTN tăng qua các năm (bình quân tăng khoảng trên 6%/năm), đến năm 2023, số người tham gia BHTN chiếm 31,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Mục tiêu đến năm 2030, có khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN.
Cần đơn giản thủ tục
Luật sư Nguyễn Hải Nam cho rằng hiện nay, việc tiếp cận với các chính sách về hỗ trợ học nghề của NLĐ, đào tạo nghề của DN còn gặp nhiều khó khăn do quy trình, thủ tục rườm rà, phức tạp. Do đó, bên cạnh việc mở rộng chế độ BHTN thì cần nghiên cứu đơn giản hóa thủ tục để chính sách thực sự đi vào cuộc sống.
Người lao động