Đế chế 40 tỷ USD sau sáp nhập Gojek và Tokopedia sẽ được điều hành thế nào?
Gojek và Tokopedia sẽ sáp nhập trở thành công ty có tên GoTo...
- 19-04-2021Người tiêu dùng toàn cầu tiết kiệm được 5,4 nghìn tỷ USD, kinh tế thế giới chờ đợi thời khắc chi tiêu bùng nổ
- 19-04-2021Nhà sản xuất ô tô điện kỳ lạ ở Trung Quốc: Nhân viên phải đạt KPI bán bất động sản, vốn hóa lớn hơn Ford và General Motors dù chưa bán được chiếc xe nào
Theo nguồn tin của Bloomberg, hãng gọi xe công nghệ Gojek và hãng thương mại điện tử PT Tokopedia - hai startup giá trị nhất của Indonesia - sẽ được sáp nhập trở thành một công ty cổ phần có tên GoTo.
Theo cơ cấu cổ phần, Gojek sẽ nắm giữ 58% cổ phần của GoTo và Tokopedia sở hữu phần còn lại, nguồn tin giấu tên cho biết.
Ông Andre Soelistyo, đồng Giám đốc điều hành (CEO) hiện tại của Gojek, dự kiến trở thành giám đốc điều hành của GoTo. Còn ông Patrick Cao, Chủ tịch hiện tại của Tokopedia, sẽ tiếp tục giữ chức vụ này tại công ty sau sáp nhập.
Theo Bloomberg, với việc chọn ông Soelistyo làm CEO, Goto - có thể được định giá tới 40 tỷ USD - kỳ vọng doanh nhân 37 tuổi này sẽ tiếp tục đưa công ty phát triển. Ông Soelistyo, xuất thân là một nhà đầu tư mạo hiểm, là người đứng sau chiến lược đa dạng hóa hoạt động của Gojek sang các dịch vụ tiêu dùng và đứng sau vòng gọi vốn hơn 5 tỷ USD của công ty này với các nhà đầu tư gồm Google, Tencent Holdings Ltd., Astra International, KKR & Co. và Warburg Pincus.
Sau sáp nhập, GoTo sẽ có 3 mảng kinh doanh chính gồm cung cấp dịch vụ gọi xe công nghệ Gojek, thương mại điện tử Tokopedia, và dịch vụ tài chính, thanh toán Dompet Karya Anak Bangsa (DKAB), nguồn tin của Bloomberg cho biết.
William Tanuwijaya, người sáng lập, CEO của Tokopedia, sẽ tiếp tục điều hành mảng thương mại điện tử của GoTo. Đồng CEO của Gojek, Kevin Aluwi, sẽ tiếp tục điều hành Gojek. Còn ông Soelistyo sẽ điều hành DKAB.
Tokopedia và Gojek hiện đang thảo luận giai đoạn cuối trong thương vụ sáp nhập dự kiến tạo ra công ty internet lớn nhất tại Indonesia - quốc gia đông dân thứ 4 thế giới. Hội đồng quản trị và ban giám đốc của cả hai bên đã cơ bản đồng ý các điều khoản sáp nhập và đang chuẩn bị đề xuất để cổ đông chính thức phê duyệt.
Andre Soelistyo - Ảnh: Bloomberg
Mối quan hệ giữa Soelistyo và Gojek bắt đầu khi ông đang làm việc tại quỹ đầu tư cổ phần Northstar Group - công ty sau này trở thành nhà đầu tư tổ chức đầu tiên của Gojek.
Gojek khởi đầu là một trung tâm cuộc gọi vào năm 2010 khi doanh nhân Nadiem Makarim cố gắng điều phối các đơn hàng giao cho khách tại thủ đô Jakarta. Khi đó, mọi thứ đều thủ công: nhân viên gọi điện cho từng tái xế xe ôm cho tới khi một người chấp nhận giao đơn hàng. Makarim khi đó cũng đang làm việc tại một số công ty khác để duy trì hoạt động của Gojek.
Với vốn đầu tư từ Northstar, năm 2014, Makarim quyết định phát triển một ứng dụng di động để tự động hóa quy trình giao hàng của Gojek. Khi ra mắt vào đầu năm 2015, dịch vụ của Gojek phổ biến tới mức công ty không thể đáp ứng hết nhu cầu.
Năm đó, Soelistyo gia nhập Gojek với vai trò chủ tịch và mở rộng hoạt động của công ty sang khoảng 20 dịch vụ khác, bao gồm dịch vụ y tế từ xa và đầu tư cá nhân. Ông được bổ nhiệm làm đồng CEO cùng với ông Aluwi vào tháng 10/2019, khi Makarim từ chức tại Gojek để gia nhập chính trường. Ông Makarim hiện là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Văn hóa Indonesia.
VnEconomy