MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đế chế Amazon của Jeff Bezos: Nơi "hoan nghênh" thất bại và "chỉ cần một vài thành công sẽ có thể bù đắp được hàng chục sai lầm"

21-02-2018 - 16:32 PM | Tài chính quốc tế

Thất bại là kết quả tất yếu nếu muốn thành công. Đây là nguyên lý “tối thượng” đã giúp Amazon trở thành tập đoàn công nghệ giá trị nhất thế giới, đồng thời biến Jeff Bezos thành một vị CEO giàu có và đầy quyền lực.

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu series "Văn hóa công ty". Series là tập hợp những câu chuyện, bài học và chia sẻ của các doanh nhân về văn hóa công ty của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.  


Không giống như các lãnh đạo khác, Jeff Bezos đã xây dựng một đế chế luôn chấp nhận sai lầm, luôn mạo hiểm dự đoán nhu cầu của khách hàng trong tương lai và cố gắng đi trước các đối thủ hàng chục bước.

Amazon - Môi trường "hoan nghênh" thất bại

Thành công của Amazon được xây dựng từ vô số thất bại khác nhau. Trong khi những tập đoàn lớn luôn tỏ ra lo ngại và hết sức né tránh các lỗi lầm, Amazon liên tục có những bước đột phá "không tới đâu" khiến cho tập đoàn này thiệt hại hàng trăm triệu USD. "Chỉ có thành công mới đáng để công nhận." Văn hóa này đã thúc đẩy Amazon trở thành một thế lực "gây rối" không chỉ ở bán lẻ mà còn ở lĩnh vực giải trí, công nghệ và cả hậu cần.

Jeff Bezos cũng là một lãnh đạo "xưa nay hiếm" khi tự hào khoe thất bại của mình.

"Chính tay tôi đã khiến cho Amazon thiệt hại hàng chục tỷ USD," Jeff Bezos nói trong một buổi thuyết trình vào 2014.

Trong đó phải kể đến Fire phone, một trong những dự án thất bại đau đớn nhất của Amazon. Tập đoàn này từng quyết định cắt giá bán của Fire phone xuống chỉ còn 99 cent (khoảng 22 nghìn đồng) nhưng cũng không cứu vãn được tình hình.

Đối với những tập đoàn khác, thất bại như thế chắc hẳn sẽ trở thành một cú shock và gây ám ảnh một thời gian dài. Nhưng trái với những gì mọi người nghĩ, cổ phiếu của Amazon không hề suy giảm trong khi Jeff Bezos thẳng tay bù lỗ hơn 170 triệu USD qua thương vụ này.

Đế chế Amazon của Jeff Bezos: Nơi hoan nghênh thất bại và chỉ cần một vài thành công sẽ có thể bù đắp được hàng chục sai lầm - Ảnh 1.

"Nó như là một thí nghiệm," Jeff Bezos giải thích. "Và do là thí nghiệm, bạn sẽ chẳng hề biết chuyện gì sẽ xảy ra. Thất bại là một trong những yếu tố tất nhiên của thí nghiệm. Chỉ cần một vài thành công sẽ có thể bù đắp được hàng chục sai lầm."

Đây là một trong những văn hóa cốt lõi đã được ứng dụng vào hoạt động của Amazon kể từ những ngày đầu tiên. Và có thể nói đây là một lợi thế cạnh tranh không thể bị sao chép của gã khổng lồ này. Amazon Web Services khởi đầu chỉ là một dự án lưu trữ đám mây trong nội bộ Amazon, nhưng khi phát hiện ra tiềm năng của nó, Amazon đã mạnh dạn cho các nhân viên mở rộng và cung cấp AWS như một dịch vụ bên thứ ba, mặc dù thị trường hiện tại vẫn chưa có và các nhân viên Amazon chưa có kinh nghiệm phát triển như thế.

Và trước khi các gã khổng lồ công nghệ khác như Google và Microsoft phát hiện ra thị trường màu mỡ này, Amazon đã chiễm chệ sở hữu một miếng bánh tỷ đô với lợi nhuận cao ngất, bỏ xa hàng loạt đối thủ còn lại về lợi thế cạnh tranh.

Và giống như dịch vụ đám mây, Amazon Prime là một dự án đầy táo bạo khi cho phép người tiêu dùng tận hưởng một loạt lợi ích như: nhận hàng miễn phí trong 1 đến 2 ngày, tiếp cận kho âm nhạc và video khổng lồ chỉ với một mức phí cố định hàng năm.

Chi phí vận chuyển và duy trì máy chủ của Amazon bùng nổ sau khi Prime được tung ra, tưởng chừng như Amazon sắp lỗ nặng với bước đi này, nhưng đồng thời doanh thu của gã khổng lồ bùng nổ gấp nhiều lần chi phí, khiến Prime trở thành một nguồn thu nuôi sống cả tập đoàn.

Chào mừng thất bại đến mức xém "phá sản"

Được thành lập từ năm 1995, Amazon cũng như bao tên tuổi công nghệ khác lâm vào khủng hoảng khi bong bóng dotcom phát nổ. Jeff Bezos không ngần ngại tiếp tục thử nghiệm nhiều dự án táo bạo với Amazon, trong đó có máy đọc sách Kindle, nhắm vào thị trường những người tri thức "cứng đầu", luôn xem sách giấy là một thứ không thể thay thế. Nhưng ngày nay Kindle đã trở thành sản phẩm công nghệ được mệnh danh là "sát thủ" của sách giấy truyền thống.

Tận 2 thập kỷ sau khi lên sàn, Amazon chỉ mới đem về tổng cộng 5,7 tỷ USD, trong khi ông hoàng bán lẻ Wal-Mart đạt được đến 14 tỷ USD lợi nhuận chỉ trong năm 2016, mặc dù giá trị công ty chỉ bằng một nửa Amazon.

Đế chế Amazon của Jeff Bezos: Nơi hoan nghênh thất bại và chỉ cần một vài thành công sẽ có thể bù đắp được hàng chục sai lầm - Ảnh 2.

Tất cả chỉ để đầu tư cho những dự án đầy táo bạo và không sợ thất bại. Hàng chục triệu khách hàng trung thành của Amazon đều không quan tâm đến tình hình kinh doanh của công ty, tất cả những gì họ quan tâm là Amazon có tiếp tục làm cuộc sống họ trở nên dễ dàng hơn hay không.

Sau hàng loạt thảm họa như Fire Phone, Askville, PayPhrase,… Amazon hoàn toàn có thể yên vị để tập trung phát triển những mảng kinh doanh mà công ty đang chiếm ưu thế, như thương mại điện tử và dịch vụ đám mây. Nhưng không, vào năm 2014, Amazon cho ra đời Echo, sản phẩm loa thông minh tích hợp trợ lý ảo Alexa. Echo đã mở ra một thị trường hoàn toàn mới và khiến cho các đối thủ công nghệ khác là Google, Apple và cả Microsoft phải chạy đua quyết liệt để đuổi theo.

"Jeff Bezos luôn đi trước một bước," theo Sunder Kekre, giáo sư Đại học Carnegie Mellon. "Từ giao hàng bằng máy bay không người lái đến siêu thị không có quầy thu ngân, Văn hóa Amazon cho phép công ty luôn có những bước đi táo bạo và tách mình ra khỏi các đối thủ khác trên thị trường."

Tương lai nào cho văn hóa "không sợ thất bại" của Amazon

Thương vụ mua lại Whole Foods trong thời gian vừa qua đã chứng minh cho tham vọng "tiến ra đời thực" của Amazon. Các nhà chỉ trích thì cho rằng Jeff Bezos đang "thực hiện các chiến thuật nhằm bóp chặt khách hàng và không cho họ mua sắm ở bất kì nơi nào khác."

Đế chế Amazon của Jeff Bezos: Nơi hoan nghênh thất bại và chỉ cần một vài thành công sẽ có thể bù đắp được hàng chục sai lầm - Ảnh 3.

Một thập kỷ phát triển không ngại thất bại của Amazon cho thấy gã khổng lồ ngày đang rút ngắn thời gian từ lúc khách hàng bắt đầu khao khát một sản phẩm đến khi họ nhận được sản phẩm đó.

Và để đạt được mục tiêu này, Amazon cần phải tiến nhiều bước xa và mạo hiểm hơn nữa để luôn đi trước các đối thủ khác. Và một trong những lợi thế cạnh tranh nhất đó chính là Văn hóa Amazon, một thứ không thể nào bị sao chép.

Theo Lê Thanh Sang

Trí thức trẻ

Trở lên trên