MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Đế chế" FECON của Chủ tịch Phạm Việt Khoa có năm đầu tiên báo lỗ từ khi lên sàn chứng khoán

22-02-2024 - 15:54 PM | Doanh nghiệp

Công ty CP FECON, doanh nghiệp đi đầu lĩnh vực địa kỹ thuật trong ngành xây dựng Việt Nam với slogan “thấu hiểu lòng đất, chinh phục tầm cao” vừa có năm đầu tiên báo lỗ từ khi lên sàn chứng khoán. Nguyên nhân là do gánh nặng lãi vay và không còn nguồn thu bán dự án điện mặt trời.

Đế chế FECON của Chủ tịch Phạm Việt Khoa có năm đầu tiên báo lỗ từ khi lên sàn

FCN lỗ ròng 42 tỷ đồng trong năm 2023

Theo báo cáo tái chính quý IV/2023, doanh thu thuần của Công ty CP FECON (HoSE: FCN) tăng 25% so với cùng kỳ, lên hơn 1.049 tỷ đồng. Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp ngành xây dựng này tăng mạnh 161% so với cùng kỳ năm trước, lên 157,5 tỷ đồng.

Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính của doanh nghiệp ghi nhận âm 0,3 tỷ đồng, trong khi chi phí cho hoạt động này lại tăng mạnh 41%, lên gần 102 tỷ đồng, chủ yếu do tăng lãi vay lên gần 80 tỷ đồng, tương đương với tăng 36% so với cùng kỳ.

Mặc dù các chi phí khác như chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ này đều được doanh nghiệp cắt giảm lần lượt là 14% và 4% so với cùng kỳ, nhưng doanh nghiệp vẫn ghi nhận lỗ sau thuế gần 45 tỷ đồng.

Như vậy, do không còn khoản doanh thu từ bán dự án điện mặt trời, cùng với lãi vay tăng mạnh do ảnh hưởng của đợt tăng lãi suất cuối năm 2022, FCN đã có năm thua lỗ đầu tiên kể từ khi lên sàn chứng khoán.

Lý giải cho kết quả kinh doanh nói trên, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do doanh thu tài chính sụt giảm mạnh do trong kỳ này không còn ghi nhận khoản doanh thu từ bán dự án điện mặt trời Vĩnh Hảo 6, nên mặc dù doanh thu và lợi nhuận gộp tăng lên tương đối xong vẫn chưa đủ bù đắp cho khoản chênh lệch này. Bên cạnh đó, chi phí lãi vay tăng mạnh do ảnh hưởng của đợt tăng lãi suất từ cuối năm 2022 và dư nợ vay tăng.

Lũy kế cả năm 2023, doanh thu thuần của FCN đạt hơn 2.879 tỷ đồng, giảm 5% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ hơn 42 tỷ đồng, năm trước lãi gần 52 tỷ đồng. Đây cũng là năm kinh doanh thua lỗ đầu tiên của doanh nghiệp ngành xây dựng này kể từ khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của doanh nghiệp ở mức hơn 8.773 tỷ đồng, tăng gần 16% so với hồi đầu năm. Trong đó, biến động lớn nhất là khoản tiền và các khoản tương đương tiền ghi nhận hơn 700 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần hồi đầu năm. Khoản trả trước cho người bán ngắn hạn 676 tỷ đồng, tăng thêm 440 tỷ đồng. Đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh gấp đôi đầu năm, lên 329 tỷ đồng.

Trên bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của FCN ghi nhận hơn 5.413 tỷ đồng, tăng hơn 32% so với đều năm, trong đó, chủ yếu là nợ ngắn hạn với hơn 4.390 tỷ đồng. Biến động lớn nhất trong tổng nợ của doanh nghiệp là Khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn ghi nhận tăng thêm gần 870 tỷ đồng, lên mức 1.154 tỷ đồng, tuy nhiên, không được doanh nghiệp thuyết minh cụ thể.

FCN và những bước đi ngoài ngành

FCN được biết đến là doanh nghiệp hàng đầu trong xây lắp nền móng và công trình ngầm phục vụ xây dựng nhà cao tầng, công trình công nghiệp, giao thông, thủy lợi. Với hơn 19 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng, phát triển hạ tầng tại Việt Nam, và dần mở rộng sang các quốc gia Đông Nam Á.

Các dự án đã tham gia tiêu biểu như: Metro Line 3 Hà Nội, Tổ hợp hóa dầu Long Sơn, Dự án thép Hòa Phát Dung Quất, Metro tuyến 1 Bến Thành, Cảng Thilawa (Myanmar).

Những năm qua, FCN đã liên tục có những động thái mở rộng hoạt động sang một số lĩnh vực khác như nông nghiệp, bất động sản, đầu tư tài chính, năng lượng, Giao thông,… tuy nhiên, thực tế cho thấy những bước đi này chưa thực sự mang lại hiệu quả chiến lược như doanh nghiệp mong muốn.

Trong lĩnh vực bất động sản , được biết, FCN từng tham gia rất sớm tại thị trường Phú Quốc, tuy nhiên sau đó doanh nghiệp này đã “rút chân” khỏi đây khi chưa hoàn toàn hưởng được quả ngọt từ khoản đầu tư của mình.

Ngoài ra, đầu năm 2023, Công ty Cổ phần FECON Phổ Yên, thuộc Công ty Cổ phần FECON cũng từng thông báo chính thức trở thành chủ đầu tư của Dự án Khu đô thị Nam Thái (phần diện tích 24,68ha) tại Thành phố Phổ Yên – tỉnh Thái Nguyên, với tổng mức đầu tư là 2.250 tỷ đồng.

Trước đó, Công ty cổ phần FECON Hiệp Hòa (thuộc Tập đoàn FECON) đã nhận quyết định trở thành Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của Dự án Cụm Khu công nghiệp Danh Thắng – Đoan Bái tại Bắc Giang với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Thời gian triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp từ năm 2023 và bắt đầu khai thác từ quý III/2024.

Cuối năm 2019, nhà thầu này đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hưng Yên đề xuất được giao nghiên cứu, khảo sát, tài trợ kinh phí lập quy hoạch và đề xuất thực hiện dự án Khu đô thị Mỹ Hào Garden City tại phường Nhân Hòa và phường Phan Đình Phùng, thị xã Mỹ Hào.

Hồi cuối tháng 5/2020, liên danh CTCP FECON - CTCP Đầu tư DLG Holdings đã có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Tháp về đề xuất nghiên cứu, khảo sát, tài trợ kinh phí lập quy hoạch phân khu và thực hiện dự án đầu tư tại phường 3, phường 4 và một phần phường Tân Quy Đông, TP. Sa Đéc.

Hồi cuối tháng 4/2022, ông Phạm Việt Khoa - Chủ tịch FECON cho biết, FECON quyết định tham gia đầu tư các loại dự án gồm năng lượng tái tạo, các khu công nghiệp, khu đô thị vệ tinh của các thành phố lớn.

Thể hiện tham vọng khá lớn khi mở rộng hoạt động sang lĩnh vực bất động sản, tuy  nhiên đến nay, có thể thấy những kết quả đạt được vẫn chưa có những đóng góp thực sự tích cực cho bức tranh kinh doanh của FCN.

Trong các lĩnh vực khác như đầu tư tài chính, năng lượng, giao thông, nông nghiệp,… thời gian qua, FCN đã từng bước có những động thái “rút chân” khi hiệu quả đem lại không như kỳ vọng để tập trung trở lại vào mảng hoạt động cốt lõi đã đem lại tên tuổi cho FCN là xây dựng, đặc biệt là mảng nền móng và công trình ngầm.

Triển vọng nào cho FCN

Theo bộ phận nghiên cứu thuộc chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, hiện FCN đang tiếp tục hoàn thành các gói thầu lớn, ước tính lượng backlog (chưa hoàn thành) khoảng 4.000 tỷ đồng, các dự án tiêu biểu như: Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4, tổng giá trị gói thầu khoảng 889 tỷ đồng, đảm nhiệm các hạng mục thi công nền móng và hạ tầng; Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II, giá trị gói thầu khoảng 1.125 tỷ đồng với các nhiệm vụ như: thi công cọc kho than, cống hộp đúc sẵn, ...; Dự án Sân bay Long Thành, FCN phụ trách nền móng với tổng giá trị gói thầu khoảng 410 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhiều dự án đang triển khai như: Bến cảng số 5,6 Lạch Huyện (thực hiện cọc đất gia cố xi măng), Hòa Phát – Dung Quất giai đoạn 2 (xử lý nền, thi công cọc nhồi), Metro Line 3 Hà Nội (tham gia xử lý nền, móng, hầm nối), Tuyến Km91+800 – Km114+200, đoạn Hậu Giang – Cà Mau thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam (thi công nền đường, cống thoát nước ngang)…

Năm 2024, theo Mirae Asset Việt Nam, dự phóng doanh thu và lãi ròng FCN đạt 3.177 và 89 tỷ đồng, tăng 17% và 242% so với cùng kỳ: Biên lợi nhuận gộp giảm từ 17% xuống 16% vì dự báo giá thép xây dựng (nguyên vật liệu chiếm hơn 30% giá vốn hàng bán của FCN) tăng 8% so với cùng kỳ; Doanh thu mảng xây lắp đạt 2.731 tỷ tăng 16% so với cùng kỳ; Doanh thu mảng điện tăng 17% so với cùng kỳ; Doanh thu tài chính và chi phí tài chính giảm 32% và 17% so với cùng kỳ.

Theo Lê Sáng

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên