Đế chế hoa hậu Philippines và những mảng tối: “Ở đây hoa hậu được chào đón như những người hùng”
Từ những cáo buộc tình dục, bị cách ly xã hội cho tới việc sử dụng chất steroid bất hợp pháp, ẩn sau các cuộc thi hoa hậu tại Philippines là nhiều bí mật khiến công chúng ngỡ ngàng.
- 17-05-2021Chúc mừng người đẹp Mexico đăng quang Miss Universe 2020!
- 17-05-2021Rất tiếc Khánh Vân đã không thể có mặt trong Top 10, dừng chân ở Top 21 Miss Universe 2020
- 16-05-2021Profile siêu khủng của mentor hướng dẫn Khánh Vân tại Miss Universe: Tốt nghiệp ĐH hàng đầu nước Mỹ, làm quản lý tại Microsoft
Janina San Miguel mới 17 tuổi khi giành vương miện Hoa Hậu tại một trong những cuộc thi danh giá nhất tại Philippines. Cô cũng trở thành đại diện Philippines trong cuộc thi Hoa Hậu thế giới năm đó. Tuy nhiên, chỉ 3 tháng trước cuộc thi Hoa hậu thế giới 2008, người đẹp giành giải nhất cuộc thi Binibining Pilipinas đã khiến người hâm mộ ngỡ ngàng: Cô quyết định trả lại vương miện, rời bỏ danh vọng và hào quang để trở về cuộc sống bình thường.
"Nếu tôi có cơ hội để quay lại quá khứ, tôi ước gì mình chưa bao giờ tham dự cuộc thi sắc đẹp", Janina chia sẻ. 12 năm về trước, Janina đã phải nói rằng cô từ bỏ vương miện vì vài lý do cá nhân, trong đó có cái chết của ông nội.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn gần đây với chương trình Undercover Asia, bức màn 12 năm đã được vén lên, Janina đã chia sẻ về những trải nghiệm mà cô phải trải qua như bị cách ly không giao tiếp với xã hội, kiểm soát chặt chẽ, những lời mời gọi tình dục… Tất cả những điều ấy đã khiến cô dừng bước với sự nghiệp hoa hậu.
"Tôi được nhận rất nhiều lời mời. Có người nói rằng nếu ngủ với anh ta một đêm sẽ được 84,000 đô Sing", Janina nhớ lại. "Có người còn trả tôi gấp 8 lần như vậy nếu tôi chịu làm bạn gái anh ta".
"Đây chính là những mặt tối của các cuộc thi hoa hậu. Có rất nhiều người muốn lấy các cô hoa hậu về làm vợ hay bạn gái".
Philippines là một quốc gia bị ám ảnh bởi các cuộc thi sắc đẹp. Trong thập kỷ trước, hoa hậu đến từ quốc gia này đã 9 lần đăng quang quốc tế, từ đó kéo theo đam mê trở thành hoa hậu ngày càng lớn của các cô gái. Tuy nhiên, khi càng nhiều người mong muốn được nổi tiếng, các cuộc thi này đã trở thành địa điểm cho những kẻ săn mồi đi truy lùng các cô gái, và cả các chàng trai.
"Khao khát những anh hùng"
Trên khắp cả nước, các cuộc thi sắc đẹp nở rộ; mọi ngôi làng, thành phố và các tỉnh đều có cuộc thi sắc đẹp địa phương.
Nhưng không giống như các quốc gia khác nơi hoa hậu chỉ như "người thắng cuộc trong một show truyền hình", tại Philippines, họ được "đối xử như Tổng thống", Jose Wendell Capili, giảng viên đại học chia sẻ.
Những người chiến thắng trong các cuộc thi nhan sắc quốc tế sẽ được gặp nhiều nhân vật chính trị quan trọng, được trọng vọng như người hùng bởi vì chiến thắng của họ "khiến nhiều người nhận ra rằng dù bạn tới từ những vùng xa xôi hẻo lánh của Philippines, tên tuổi bạn cũng có thể tỏa sáng toàn thế giới".
"Nó gần giống như việc bạn chạm tới cuộc sống vương giả", Jose nói thêm. "Tại Philippines, chúng tôi khao khát những người hùng".
Người mẫu Philippines gốc Trung Quốc Mercedes Pair biết rõ việc chiến thắng một cuộc thi sắc đẹp sẽ giúp cô bước chân vào giới người nổi tiếng tại Philippines, nơi cô có thể kiếm bộn tiền. Mong muốn của cô là kiếm tiền để trang trải viện phí cho người mẹ mắc căn bệnh ung thư phổi quái ác. Rời gia đình, sự nghiệp người mẫu tại Hong Kong, Mercedes đã tham gia cuộc thi Binibining Pilipinas tại Manila - đây là cuộc thi hoa hậu lớn nhất tại Philippines để chọn ra đại diện tham gia 5 cuộc thi hoa hậu lớn nhất thế giới.
"Tôi là người kiếm tiền duy nhất trong nhà… Tôi đã nghĩ làm sao để trong thời gian ngắn mà có thể kiếm nhiều tiền. Nếu không phải vì mẹ, chắc tôi không có đủ động lực để tiếp tục".
Hàng nghìn người nộp hồ sơ tham dự nhưng chỉ có 40 cô gái được bước vào vòng chung kết, nơi 5 người sẽ được chọn với hợp đồng ký kết có giá trị lên tới 1,5 triệu peso (hơn 700 triệu).
Họ cũng có cơ hội đại diện Philippines tại các cuộc thi sắc đẹp lớn. Tuy nhiên, con đường đến với vương miện hoa hậu rất đắt đỏ. Nhiều cô gái phải trả từ 200-300 triệu cho hành trình chinh phục.
"Muốn có tiền thì phải có nhà tài trợ. Đi thi hoa hậu không phải là miễn phí", Mercedes chia sẻ. "Nhiều người cứ nghĩ chúng tôi đều có nhà tài trợ và được trả tiền hết". Không có thu nhập, Mercedes quyết định sẽ tất tay với cuộc thi nhan sắc này.
Những nhà tài trợ hay kẻ săn mồi?
Nhiều phụ nữ phải đối mặt với việc bị những kẻ săn mồi đeo bám, trong số đó không ít là các đại gia có quyền thế. William, một phóng viên chuyên đưa tin về các cuộc thi hoa hậu suốt 15 năm từng chứng kiến một vụ việc khi nhà tổ chức cuộc thi hoa hậu yêu cầu các cô gái phải ngồi với khách sau sự kiện và uống rượu. Nhiều cô gái đã cầu xin William giúp nhưng anh "không thể can thiệp".
"Chúng tôi muốn giúp nhưng không thể. Không ai dám trình báo vụ việc. Những người đó rất giàu có, ai mà lên tiếng chống đối họ thì sẽ phải nhận kết cục không hay. Tốt nhất là nên ngậm miệng".
Năm 2018, tại cuộc thi hoa hậu Trái đất tổ chức tại Manila, truyền thông Philippines được phen rúng động khi 3 thí sinh tham gia đã gửi đi những cáo buộc về vấn đề xâm hại tình dục và những lời mời không đàng hoàng đến từ các nhà tài trợ. Hoa hậu Canada Jaime VandenBerg nói rằng cô đã bị xâm hại bởi một nhà tài trợ. Hắn ta gọi cho cô mỗi tối và luôn rình rập đâu đó quanh cô.
"Hắn ta hỏi liệu có thể gặp nhau? Hắn ta nói có thể tới khách sạn tôi ở, hoặc tôi tới khách sạn của hắn, rồi hắn sẽ cho tôi biết cách để chiến thắng", Jaime nhớ lại.
"Rõ ràng là hắn muốn dùng quyền lợi để đổi lấy tình dục. Tôi cảm tưởng mình không thể thoát khỏi bàn tay gã". Jaime muốn rời khỏi Philippines ngay lập tức nhưng ban tổ chức vẫn giữ hộ chiếu của cô. Họ chỉ trao trả lại cho Jaime sau khi cô đe dọa sẽ liên lạc với Đại sứ quán để yêu cầu giúp đỡ.
"Đó là cơ hội để tôi có thể rời khỏi Philippines", Jaime đã đăng tải dòng chia sẻ sau khi rời cuộc thi. "Tôi không cảm thấy an toàn với chính ban tổ chức".
Chuyện không của riêng phụ nữ
Không chỉ phụ nữ bị xâm hại hay lạm dụng trong các cuộc thi sắc đẹp, điều tương tự cũng diễn ra với các cuộc thi dành cho nam giới.
Trong khi các cuộc thi sắc đẹp cho nữ giới thường được tổ chức bởi các đơn vị uy tín hay chính quyền địa phương, các cuộc thi dành cho nam giới thường khá hẩm hiu, đôi khi được tổ chức tại các hộp đêm ở phố đèn đỏ. Để chiến thắng các cuộc thi này, bạn phải trả giá. Một thí sinh từng giành nhiều chiến thắng trong các cuộc thi suốt 8 năm qua thú nhận việc anh ta phải quan hệ với nhiều vị giám khảo để đạt được ngôi vương.
"Với tôi, chẳng có cuộc thi sắc đẹp nào "sạch sẽ" cả… Cơ thể bạn chỉ để người khác thuê" - chàng trai 25 tuổi Gerald chia sẻ. Anh không dám dùng tên thật của mình. "Trong 10 cuộc thi sắc đẹp, may ra được 2-3 cuộc thi là chất lượng và minh bạch".
Gerald nói nó giống như việc bạn được "phím" trước về chiến thắng. "Chỉ cần cố chịu đựng một chút thôi rồi chiến thắng thuộc về bạn". "Nếu không muốn mọi nỗ lực và tiền bạc tiêu tan, cố gắng chịu đựng một chút, như ngủ với họ".
So với các cuộc thi cho nữ giới, nam giới sẽ phải chi nhiều tiền hơn. Bạn phải bỏ ra khoảng vài chục triệu mỗi tháng, kể cả với các cuộc thi nhỏ. Những thí sinh như "Mike" không thể kiếm được các khoản tiền lớn vậy. Anh phải kiếm được các nhà tài trợ. Đổi lại, Mike phải gửi cho họ những bức ảnh của mình. Trung bình mỗi ngày, Mike nhận được khoảng 4 triệu từ các nhà tài trợ - gấp 10 lần số tiền làm công nhân của anh.
"Tôi thường gửi cho họ những bức ảnh bán thân chụp trong các cuộc thi. Họ thì muốn tôi gửi ảnh cởi trần, kiểu vậy. Họ muốn có bạn trai trên mạng, đơn giản chỉ để nói chuyện".
Các thí sinh nam cũng cần một cơ thể hoàn hảo nên nhiều người lựa chọn việc tiêm các chất kích thích tăng cơ bắp, tiêm steroid. Chi phí cho những khoản này cũng không hề nhỏ.
"Chi phí bỏ ra cho những khoản thể hình không hề rẻ", Gerald nói. "Với số tiền đó, bạn có thể mua nhà hay mua ô tô nếu tích góp trong một năm".
"Đi tập gym hay duy trì chế độ ăn uống lành mạnh là không đủ nếu muốn tham gia các cuộc thi sắc đẹp".
Chuyên gia cai nghiện Iris Carpio từ trung tâm y tế Nam thành phố nói rằng, việc lạm dụng chất kích thích có thể dẫn tới suy gan và suy thận.
Không muốn nhúng chàm
Dù có nhiều quan điểm về việc thí sinh phải đánh đổi điều gì đó cho các nhà tài trợ, những thí sinh có thể không cần thực hiện điều đó - Mark Dela Cruz, một nhà tổ chức thi hoa hậu chia sẻ.
"Nếu muốn có các cuộc thi hoa hậu trong sạch và minh bạch, trách nhiệm phải thuộc về nhà tổ chức", Mark nhấn mạnh. "Bằng cách giảm chi phí các thí sinh phải bỏ ra, họ sẽ không còn phụ thuộc quá nhiều vào nhà tài trợ nữa".
Giáo sư Jose cũng nhấn mạnh rằng, con đường đến danh vọng của các hoa hậu không dài, "mỗi hoa hậu thường chỉ có từ 2-3 năm trước khi bị quên lãng. Bạn phải nỗ lực để làm mới mình nếu không muốn bị lu mờ, nhiều hoa hậu thì sự chú ý cũng bị phân tán".
Với Janina San Miguel, danh hiệu hoa hậu không có nhiều nghĩa lý. Cô có những kinh nghiệm từ việc tham gia và chiến thắng một cuộc thi nhan sắc nhưng "thế giới phồn hoa đó quá hỗn độn với nhiều lời đề nghị khiếm nhã".
"Khi cố gắng tìm một công việc thông thường, tôi đã viết vào CV với kinh nghiệm là một "hoa hậu". Nhưng cô của tôi nói với tôi rằng, hãy bỏ nó ra khỏi CV đi vì điều đó chẳng có ích gì đâu. Mọi người có thể sẽ nghĩ khác về tôi".
Pháp luật và Bạn đọc