Để 'đại gia' FDI vào Việt Nam: Cú hích nào?
Thành tích sớm khống chế đại dịch COVID-19 giúp Việt Nam có lợi thế trong việc đón nhận dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển trên thế giới, trong đó có dòng vốn FDI rời khỏi Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc Quốc hội thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được đánh giá đã tạo thêm cú hích cho Việt Nam thu hút dòng vốn FDI thời gian tới.
- 21-06-2020GS. Nguyễn Mại: Tương lai dòng FDI vào Việt Nam và nỗi lo của những doanh nghiệp như Samsung khi Vingroup, Viettel... lớn lên
- 20-06-2020Làn sóng FDI đổ bộ, lao động lớn tuổi, chưa qua đào tạo gặp khó khăn
- 22-06-2019Doanh nghiệp gỗ “tỉnh táo” khi đầu tư FDI từ Trung Quốc gia tăng
Số liệu của Bộ KH&ĐT cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng Việt Nam vẫn thu hút được 13,8 tỷ USD vốn FDI đăng ký và vốn thực hiện đạt 6,7 tỷ USD. Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, thành công trong việc khống chế dịch COVID-19 tạo ra một lợi thế cho Việt Nam. Việc này đã góp phần xây dựng và củng cố lòng tin cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Nhà đầu tư cũng ghi nhận Việt Nam có chủ trương nhất quán trong ứng xử với dòng vốn đầu tư nước ngoài, luôn coi đầu tư nước ngoài là một cấu thành quan trọng của nền kinh tế để phát triển.Tất cả đang góp phần tạo nên cơ hội vàng cho Việt Nam trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy và dòng vốn đầu tư nước ngoài sụt giảm.
Công ty TNHH Lucxshare - ICT Việt Nam, đơn vị sản xuất tai nghe cho Apple, có trụ sở tại Bắc Giang. Ảnh: Nguyễn Thắng
Theo ông Thắng, các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia ký kết, mới nhất là EVFTA đã và đang đem lại những lợi thế nhất định cho Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, thành quả thu hút FDI phụ thuộc lớn vào việc Việt Nam tận dụng cơ hội. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, ông Thắng kiến nghị, cơ quan chức năng của Việt Nam cần đẩy mạnh việc xúc tiến đầu tư tại chỗ.
“Chúng ta còn 154 tỷ USD vốn FDI đăng ký nhưng chưa giải ngân.Trong lúc, việc xúc tiến đầu tư khó khăn, chúng ta nên tạo điều kiện cho nhà đầu tư đã được cấp giấy phép như gỡ vướng về mặt bằng, hay chính sách… để họ bỏ vốn ra làm tiếp.Chúng ta phải xúc tiến đầu tư tại chỗ. Tổ chức khảo sát tình hình các nhà đầu tư đã được cấp giấy phép hiện tại ra sao, vướng gì và chưa giải ngân được”, ông Thắng kiến nghị.
Tận dụng để gia tăng vị thế của Việt Nam
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Hà Linh (Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách), thương mại quốc tế đang trải qua nhiều biến động khi căng thẳng Mỹ-Trung leo thang và sự đứt gãy của chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19. Việc EVFTA được thông qua góp phần giúp gia tăng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đặc biệt trong thời điểm các doanh nghiệp đang tìm cho mình một điểm dừng chân sau nhiều bất ổn.
Bên cạnh đó, trong lịch sử thương mại của Việt Nam với các nước trong EVFTA, EU có truyền thống xuất nhập khẩu các mặt hàng công nghệ thông tin hoặc hỗ trợ công nghệ thông tin với Việt Nam. Kim ngạch thương mại của Việt Nam và EU phần lớn dành cho máy móc thiết bị, linh kiện, phụ kiện với tỷ trọng cao.
Ông Andreas Stoffers, chuyên gia quản trị kinh doanh và quan hệ quốc tế, Giám đốc quốc gia Việt Nam tại Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom (thuộc CHLD Đức) đánh giá: “Hiện nay, có nhiều công ty từ châu Âu đang làm việc rất tốt với Việt Nam. Sự kết nối vững vàng hơn giữa châu Âu - Việt Nam và kết quả của EVFTA sẽ thu hút nhiều hơn các mô hình đầu tư chất lượng từ EU để hỗ trợ nền kinh tế số Việt Nam”.
Để tận dụng hết lợi thế của EVFTA, ông Andreas Stoffers cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam và EU cần làm quen với luật pháp và các ưu đãi của nước đối tác, thường xuyên cập nhật lộ trình loại bỏ thuế trong EVFTA. Để tham gia “sân chơi” của EU, doanh nghiệp Việt cần phải làm nhiều việc như nâng cao lợi thế cạnh tranh, cải thiện chất lượng môi trường, điều kiện làm việc, đăng ký quyền sở hữu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm…
Thành lập tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 850/QĐ-TTg về việc thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài. Tổ công tác do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng, Bộ trưởng KH&ĐT là Tổ phó thường trực. Nhiệm vụ của Tổ công tác là chủ động bằng các biện pháp linh hoạt, phù hợp để tiếp cận, đàm phán với các tập đoàn lớn, công nghệ cao, đứng đầu hoặc vận hành các chuỗi giá trị, nhằm vận động, xúc tiến, phù hợp với mục đích, yêu cầu hợp tác đầu tư cùng có lợi.
Tiền phong