Dễ dãi trong kiểm dịch sản phẩm động vật nhập khẩu, tạo điều kiện dịch bệnh nguy hiểm thâm nhiễm
Theo ông Nguyễn Đình So, Chủ tịch Tập đoàn Dabaco, ngành chăn nuôi Việt Nam kể cả trước mắt và lâu dài nếu không phát huy tốt hàng rào kỹ thuật thông qua vai trò kiểm dịch động vật sẽ rất khó tồn tại.
- 25-11-20214 tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ hơn 83.000 tỷ đồng xây Vành đai 3 TP. HCM
- 25-11-2021Đề xuất chi cao nhất hơn 3,5 tỷ đồng cho 1 giảng viên làm tiến sỹ
- 25-11-2021World Bank: Kiều hối về Việt Nam năm nay có thể đạt 18,1 tỷ USD, đứng thứ 8 thế giới và thứ ba khu vực Đông Á – Thái Bình Dương
Công tác kiểm dịch sản phẩm động vật nhập khẩu được các nước trong đó có Việt Nam dựng lên để vừa làm hàng rào kỹ thuật bảo vệ sức khỏe con người, vừa ngăn chặn mầm bệnh từ nguy hiểm từ các nước thâm nhiễm vào trong nước cũng như bảo hộ ngành sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, trong dự thảo "Nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu" do Tổng cục Hải quan chủ trì xây dựng (dự thảo Nghị định) có nhiều lỗ hỏng, tạo nguy cơ nhiều dịch bệnh nguy hiểm từ các nước xâm nhiễm vào Việt Nam là rất lớn.
Chiều ngày 23/11, Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức hội nghị góp ý dự thảo Nghị định trên.
Có quá nhiều điểm bất cập trong dự thảo Nghị định của Tổng cục Hải quan
Ông Nguyễn Văn Long, Phó cục trưởng Cục Thú y cho biết, trong dự thảo Nghị định Thủ tướng xin ý kiến các thành viên Chính phủ có nhiều nội dung bất cập liên quan đến đến kiểm dịch sản phẩm động vật nhập khẩu có một số nội dung chưa phù hợp với luật thú y, khoa học và thực tiễn.
Cụ thể, Điều 1 (Phạm vi điều chỉnh) không có nội dung liên quan đến công tác kiểm dịch đối với sản phẩm động vật.
Điều 2 (Đối tượng áp dụng) không có nội dung liên quan đến công tác kiểm dịch đối với sản phẩm động vật.
Điều 3 (Giải thích từ ngữ) không có nội dung giải thích liên quan đến công tác kiểm dịch đối với sản phẩm động vật.
Điều 4, Điều 5 cũng không có nội dung liên quan đến công tác kiểm dịch đối với sản phẩm động vật.
Điều 7, nguyên tắc thực hiện đối với hàng hóa vừa kiểm dịch vừa kiểm tra chất lượng và/hoặc kiểm tra an toàn thực phẩm.
Ông Long cho rằng, nếu giao cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra chuyên ngành không đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật hiện hành cũng như Luật thú y. Song tại điều 7, điều 25 và điều 26 của dự thảo Nghị định lại có các nội dung quy định kiểm dịch sản phẩm động vật nhập khẩu nhưng không phù hợp với Luật thú y, chưa bảo đảm yêu cầu về khoa học, thực tiễn.
"Đứng về góc độ chuyên ngành thú y chúng tôi thấy rằng nếu như tổ chức triển khai thực hiện các các nội dung như dự thảo Nghị định thì nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm từ các nước xâm nhập vào Việt Nam là rất lớn, bởi hiện nay trên thế giới đặc biệt là các nước trong khu vực có nhiều dịch bệnh nguy hiểm lây từ động vật sang người.
Ví dụ, cúm gia cầm H5N1 gây tỷ lệ tử vong khoảng trên 50% tại Việt Nam cũng như các nước trên thế giới. Đợt dịch vừa qua, Việt Nam bắt buộc phải tiêu hủy trên 50 triệu con gia cầm làm ảnh hưởng đến 0,5 GDP của cả nước. Hiện nay có rất nhiều biến chủng khác của N5N1 như H5N8 hay H9N2 gây bệnh trên động vật và lây bệnh sang người.
Bệnh bò điên đã xuất hiện trên 25 quốc gia nếu Việt Nam không kiểm soát tốt nguy cơ xâm nhập vào là rất lớn, và một bằng chứng rất tiêu biểu là từ năm 2019 dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên xâm nhập vào Việt Nam trong thời gian rất ngắn buộc phải tiêu hủy sáu triệu con lợn gây tổn thất trên 30.000 tỷ đồng, và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sinh kế của hàng chục triệu hộ nông dân và hàng trăm doanh nghiệp.
Năm 2018, bệnh lở mồm long móng bùng phát, trước đó có bệnh tai xanh và gần đây bệnh viêm da nổi cục cũng đã xuất hiện trên trâu bò, và còn nhiều mầm bệnh khác có nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam do các sản phẩm động vật không đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), và có chất tồn dư và mầm bệnh có thể đưa vào Việt Nam mà không qua sự kiểm dịch của thú y.
Nếu bây giờ giao cho hải quan thực hiện kiểm tra chuyên ngành lo là không đảm bảo và không phù hợp với quy định hiện hành theo luật thú y, và không đúng với chỉ đạo của Chính phủ về thống nhất các cơ quan đầu mối kiểm tra theo tinh thần Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia" Phó cục trưởng Cục Thú y chia sẻ.
Dịch bệnh dễ dàng xâm nhiễm qua đường biên giới
Theo Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam, Việt Nam có đường biên giới rất dài với các nước lân cận nếu không có hàng rào kiểm soát chặt chẽ sẽ khó ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào nội địa, làm ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước đặc biệt là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Nếu thực hiện dự thảo Nghị định này sẽ gây nhiều nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm xâm nhập vào Việt Nam.
Do vậy, cần xem xét đến các mối nguy và trong các văn bản liên quan đến phát triển chăn nuôi, thủy sản … cần rà soát, điều chỉnh để bảo vệ sức khỏe con người là quan trọng nhưng đồng thời cũng phải bảo vệ sản xuất trong nước và các mối nguy dịch bệnh từ nước ngoài xâm nhập vào. Cho nên, phần nào thuộc về lĩnh vực của các cơ quan chuyên ngành thì không đưa vào dự thảo, và không nên quy định những vấn đề mà trong luật đã có.
"Năm 2017, chúng ta đàm phán với Trung Quốc để xuất khẩu thịt lợn sang nước này, nhưng khi làm việc họ cho rằng Việt Nam đang bị bệnh lở mồm long móng nên không cho xuất khẩu sang. Mỗi nước dùng dịch bệnh để làm hàng rào kiểm soát và mỗi quốc gia đều có quy định và tiêu chuẩn riêng từ đó sinh ra luật thú y.
Luật thú y cũng như luật bảo vệ thực vật, luật ATTP là những luật chuyên ngành vì vậy, trong dự thảo Nghị định của hải quan phải tôn trọng luật chuyên ngành, và có một số điều trong dự thảo Nghị định chưa phù hợp với các luật hiện hành và Nghị định không thể đi trên luật.
Hiện nay các nước đã quy định rất rõ đối với các loài động thực vật nhập khẩu vào nước họ, thậm chí họ sang tận nước xuất khẩu để kiểm tra, nếu đảm bảo đủ các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm mới cho nhập khẩu vào như Trung Quốc và các nước châu Âu hay Mỹ đều làm như vậy", đại diện hiệp hội chăn nuôi nhấn mạnh.
Đơn giản thủ tục hành chính không có nghĩa là bỏ qua sức khỏe của người tiêu dùng và sự tồn tại của ngành chăn nuôi
Theo ông Nguyễn Đình So, Chủ tịch Tập đoàn Dabaco, ngành chăn nuôi Việt Nam kể cả trước mắt và lâu dài nếu không phát huy tốt hàng rào kỹ thuật thông qua vai trò kiểm dịch động vật sẽ rất khó tồn tại.
Trong điều kiện đất nước đang phát triển, trình độ người chăn nuôi còn hạn chế nhất định và trong thời kỳ hội nhập, việc nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi vào Việt Nam đều có những quy định và các hiệp định thương mại đều có lộ trình giảm thuế. Nếu nhập khẩu các sản phẩm kém chất lượng mà cơ quan kiểm tra, kiểm soát không có chuyên môn chắc không thể nào làm tốt được.
Do vậy, có đơn giản thủ tục hành chính cũng phải tính đến sức khỏe của người tiêu dùng và sự tồn tại của ngành chăn nuôi trong nước.
"Đối với các nước khi có hàng rào kỹ thuật kiểm tra tốt, có tăng cường bộ máy giám sát và có giải pháp thì chắc chắn sẽ ngăn chặn được các loại bệnh nguy hiểm trên gia súc gia cầm thâm nhập vào nội địa.
Ngoài ra, còn phải bảo hộ ngành chăn nuôi trong nước đặc biệt là những nông hộ nhỏ lẻ, nếu sản phẩm nhập khẩu tràn lan sẽ ảnh hưởng đến công ăn việc làm và thu nhập của họ.
Trong báo cáo của Cục thú y đã nói rõ chúng ta rất tốn thời gian và rất vất vả cũng chưa thể xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi vào các nước, vậy tại sao lại dễ dãi cho cho thịt nhập khẩu tràn lan vào trong nước?", Chủ tịch Tập đoàn Dabaco nêu vấn đề.
BizLIVE.VN