Dễ dàng từ bỏ an sinh khi rút bảo hiểm xã hội một lần
Dù đã qua thời điểm căng thẳng của đại dịch COVID-19, số người rút bảo hiểm, từ bỏ an sinh khi về già vẫn ngày càng tăng.
- 24-10-2022Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá, bia, rượu: Tìm phương án khả thi
- 24-10-2022Khách đi xe buýt Hà Nội mới phục hồi được hơn 60%
- 24-10-2022Tài sản tỷ phú Việt Nam tiếp tục ''bay màu'' 2,3 tỷ USD sau 20 ngày
Tại Trung tâm hành chính công TP Hạ Long ngày nào cũng có người đến làm thủ tục rút BHXH một lần .
Dù gia đình khá giả và lúc này không có nhu cầu cấp bách phải dùng tiền nhưng chị Vũ Thị Kim Cúc (TP. Hạ Long, Quảng Ninh) vẫn đi rút 48 triệu - khoản đóng BXHH trong 6 năm. Quyết định rút bởi chị chuyển sang làm việc khác và giống như tâm lý nhiều người là đóng quá dài và chờ quá lâu để hưởng hưu.
Còn anh Phạm Vinh Quang (TP. Hạ Long, Quảng Ninh) rút bảo hiểm vì lý do khác. 2 năm dịch bệnh, nhà có 2 xe du lịch nằm một chỗ, không có nguồn thu, chỉ còn mỗi khoản đóng bảo hiểm thì rút. 52 tuổi, anh chưa nghĩ gì đến chuyện hưu trí sau này.
Tuổi của lao động rút BHXH một lần ngày càng trẻ, dưới 40, trong đó phần lớn 20-30, chủ yếu ở khu vực ngoài nhà nước.
Nghỉ việc, chị Nguyễn Thị Phương Thảo (TP. Phổ Yên, Thái Nguyên) rút bảo hiểm về rồi tiền để đó. Giờ, sinh kế bằng hàng bánh rán đầy bấp bênh.
Vội vã rút BHXH khi chưa già, khi còn sức lao động, thế nhưng khoản tiền này chỉ giải quyết những vấn đề trước mắt.
Không ai giàu nhờ lương hưu nhưng nếu không có khoản tiền đó để ổn định cuộc sống tuổi già, sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội.
Có một vài con số sẽ cho chúng ta thấy những yếu tố đáng chú ý của việc rút bảo hiểm một lần thời gian gần đây:
97% người chọn rút BHXH một lần là lao động sau một năm nghỉ việc không đóng BHXH - điều đó nghĩa là họ đã bỏ đi quyền được bảo lưu và bỏ cơ hội tiếp tục được đóng bảo hiểm sau 1 năm ngắt quãng.
Cứ 100 người rút BHXH một lần thì chỉ có chưa đến 4 người tái đóng BHXH. Hiện chưa có giải pháp hữu hiệu để hạn chế tình trạng này.
Hiện nay người lao động chỉ phải đóng 8% tiền lương tháng vào quỹ hưu trí , tử tuất, tương đương mỗi năm họ chỉ phải đóng gần 1 tháng lương, trong khi rút BHXH một lần lại được hưởng 2 tháng lương cho thời gian tham gia.
BHXH Việt Nam đã đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu để đề xuất phương án điều chỉnh chính sách hưởng BHXH một lần, đó là: chỉ được rút khoản đóng góp của người lao động (8%) và nếu rút bảo hiểm thì chỉ được hưởng gần 1 tháng lương cho 1 năm tham gia BHXH, trừ trường hợp NLĐ bị mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng hoặc chuyển ra nước ngoài định cư. Tuy nhiên, đề xuất này đang gặp phải nhiều phản ứng trái chiều.
Đề xuất mức rút bảo hiểm xã hội một lần chỉ 8%
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết đã nhận được các ý kiến đề xuất về phương án nhận rút BHXH một lần. Theo đó, người lao động được rút phần mình đã đóng là 8%, phần của người sử dụng lao động 14% sẽ để lại quỹ và sử dụng theo nguyên tắc sẻ chia. Tức là 14% này sẽ được bảo lưu và cộng nối thời gian khi người lao động tiếp tục tham gia BHXH nhằm tích lũy đủ điều kiện hưởng hưu. Việc này nhằm đạt mục tiêu đảm bảo an sinh bền vững cho người dân.
Các ý kiến cũng cho rằng giữ lại phần đóng góp của chủ sử dụng lao động trong quỹ BHXH là có lợi cho người lao động, chứ không phải tốt cho quỹ. Nếu khoản tiền đó được để lại thì sẽ được cộng vào quá trình nếu họ quay lại thị trường lao động, tiếp tục tham gia bảo hiểm. Trường hợp người lao động không quay lại thị trường và khi họ đến tuổi hưu sẽ được trả ngay trợ cấp xã hội (hiện nay là 360.000 đồng mỗi tháng) mà không phải chờ đến 80 tuổi.
Đại diện tổ chức công đoàn thì cho rằng cần tôn trọng nguyện vọng tâm tư của người lao động. Cơ quan quản lý cần phải xác định rõ tiền đóng vào quỹ BHXH dù là phần đóng góp của lao động hay chủ sử dụng đều là tiền của người lao động. Do đó, họ có quyền quyết định rút ra hay để lại quỹ. Vấn đề quan trọng nhất là phải tuyên truyền để người lao động không rút 1 lần và chờ hưởng lương hưu để đảm bảo tuổi già không phụ thuộc con cháu, trở thành gánh nặng cho xã hội.
Tuổi già phải có hưu trí
Bà Nguyễn Thị Hạnh Tâm vẫn giữ 2 chỉ vàng - khoản nghỉ chế độ sau 13 năm làm công nhân. Về nhà bà bươn chải đủ nghề. Già mới tiếc, chả có đồng nào tích lũy ngoài đúng 2 chỉ vàng.
2 con lớn đều đi làm, bà Phạm Thị Lừng (phường Cao Xanh, TP. Hạ Long, Quảng Ninh) quanh quẩn vườn tược ở nhà. Ăn ở không lo nhưng bà sợ nhất mỗi khi đau ốm và lễ lạt bởi chả có đồng ra đồng vào.
Trước từng làm công nhân, rồi về lĩnh 1 cục, khoản tiền mang về chỉ rải được cái sân xi măng. Giờ bà quyết định mua BHXH tự nguyện để mong con thành gia lập nghiệp thì mình cũng không làm phiền các con.
Giờ nghỉ hưu, 2 vợ chồng ông Vũ Thế Vượng (TP. Hạ Long, Quảng Ninh) mới cảm thấy thực sự an nhàn cả về sức khỏe và tinh thần.
Hưu trí - ốm thì có thẻ BHYT, hàng tháng lương hưu 2 vợ chồng hơn 10 triệu đồng chi tiêu thoải mái. Thăm hỏi, hiếu-hỉ, lễ tết tự quyết chẳng phải nhờ con cái.
Hưu trí - không phải chờ khi đến tuổi mà mỗi người hoàn toàn có thể chủ động khi chưa già.
VTV News