MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Để đạt chỉ tiêu tỉ trọng công nghiệp trong GDP chiếm 40%: Công nghiệp phụ trợ là đòn bẩy

Ngày 22.3, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp (CN) quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam (VN) hoàn thành mục tiêu CN hóa, hiện đại hóa, cơ bản trở thành nước CN theo hướng hiện đại; thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về CN, trong đó một số ngành CN có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tầm nhìn đến năm 2045, VN trở thành nước CN phát triển hiện đại… Vậy, cần những giải pháp gì để đạt được các mục tiêu trên?

Nghị quyết cụ thể hóa về mục tiêu tăng trưởng

Mục tiêu cụ thể tới năm 2030, tỉ trọng CN trong GDP đạt trên 40%; tỉ trọng CN chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30%, trong đó CN chế tạo đạt trên 20%. Tỉ trọng giá trị sản phẩm CN công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%.

Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng CN đạt bình quân trên 8,5%/năm, trong đó CN chế biến, chế tạo đạt bình quân trên 10%/năm. Tốc độ tăng năng suất lao động CN đạt bình quân 7,5%/năm. Chỉ số hiệu suất cạnh tranh CN (CIP) nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN. Tỉ lệ lao động trong lĩnh vực CN và dịch vụ đạt trên 70%. Xây dựng được một số cụm liên kết ngành CN, doanh nghiệp (DN) CN trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế.

Nghị quyết cũng đưa ra định hướng chính sách về phân bố không gian, chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp; phát triển các ngành CN ưu tiên; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển CN... Lựa chọn một số ngành CN để ưu tiên phát triển theo hướng phải đáp ứng các nguyên tắc: Dựa trên kết quả phân tích khách quan lợi thế của đất nước; là ngành có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; có ý nghĩa nền tảng, có tác động lan toả cao đến các ngành kinh tế khác; sử dụng các công nghệ sạch, thân thiện môi trường; có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao; một số ngành CN sử dụng nhiều lao động mà VN vẫn đang có lợi thế.

Việc xác định các ngành CN ưu tiên phải có tính chủ động và linh hoạt cần thiết, định kỳ phải đánh giá hiệu quả hoạt động theo các tiêu chí để có điều chỉnh phù hợp. Giai đoạn đến năm 2030, tập trung ưu tiên phát triển một số ngành CN như:

Công nghệ thông tin và viễn thông, CN điện tử ở trình độ tiên tiến của thế giới, đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng CN lần thứ 4 nhằm tạo ra nền tảng công nghệ số cho các ngành CN khác; CN năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh; CN chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Ưu tiên phát triển CN quốc phòng, an ninh, kết hợp với CN dân sinh theo hướng lưỡng dụng.

Giai đoạn 2030-2045, tập trung ưu tiên phát triển các thế hệ mới của ngành CN công nghệ thông tin và viễn thông; phổ cập công nghệ kỹ thuật số, tự động hóa, thiết bị cao cấp, vật liệu mới, công nghệ sinh học…

Giải pháp nào để đạt được?

Trao đổi với PV Báo Lao Động chiều 25.3, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đình Ân - Nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế, xã hội Quốc gia - nhấn mạnh: Đề ra giải pháp làm gì để đạt được các chỉ tiêu trên là cả 1 vấn đề đòi hỏi tất cả các cấp, các ngành đều phải nghiêm túc bắt tay vào việc và hành động thực sự. Đây là vấn đề, hết sức khó khăn.

Cụ thể, mục tiêu đạt được tỉ trọng CN chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30%, trong đó CN chế tạo đạt trên 20% - vấn đề này phụ thuộc vào thống kê và thực chất của chế biến, chế tạo là như thế nào.

“Tôi nói ví dụ, chế tạo chế biến hiện nay có tính tỉ số của Samsung, Formosa cho VN không, hay là chỉ được tính 1 tỉ suất gia công, còn lợi nhuận là của họ? Còn nếu như được tính, thì tỉ số này chúng ta đã gần đạt được” - TS Lê Đình Ân nêu ý kiến.

Theo TS Lê Đình Ân, vấn đề ở chỗ, thực chất của con số này là thế nào, chế tạo chế biến do các DN Việt Nam thực hiện hay là của DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thực hiện? Nếu tính giá trị sản xuất của cả Samsung, Formosa, sắp tới chúng ta có thêm DN sản xuất ôtô Vinfast thì chỉ tiêu này không khó để đạt được.

“Vấn đề đòi hỏi là trong tương lai lâu dài, các DN VN phải sản xuất, chế tạo được các sản phẩm CN, từ đó mới lan tỏa ra các ngành CN cơ khí. Vấn đề đặt ra là các DN sản xuất, chế biến của VN cần đầy đủ các các nhà máy công nghiệp phụ trợ để sản xuất ít nhất là 70% chi tiết linh kiện để hỗ trợ DN sản xuất, chế biến các sản phẩm CN.

Để phát triển các ngành CN phụ trợ, ngay từ bây giờ, chúng ta cần tính xác định rõ ngành CN mũi nhọn là gì? Chúng ta cần xác định cụ thể và có chiến lược cho từng việc, từng mục tiêu, từng giai đoạn. Cần xây dựng đề án chi tiết những việc cần thực hiện từ nay đến đó (giai đoạn 2030; 2045-PV), chứ không thể là những chiến lược cụ thể nhưng phần kế hoạch chi tiết lại mơ hồ, không thể triển khai” - TS Lê Đình Ân thẳng thắn nói.

TS Lê Đình Ân cũng cho rằng, bên cạnh các mục tiêu, kế hoạch, cần thay đổi bản chất về quản lý, quản trị. Còn nếu chỉ đầu tư vốn, nhưng không thay đổi cách thức quản lý, cung cách làm ăn thì sẽ chỉ là thay bình mới giữ rượu cũ, chẳng thay đổi được vấn đề gì.

“Chúng ta phải cơ cấu lại các ngành kinh tế, tái cấu trúc, cơ cấu lại DN Nhà nước phải đi vào thực chất, theo cơ chế thị trường nhất định. Phải có chương trình rõ ràng, chiến lược rõ ràng để phát triển CN phụ trợ, có như vậy mới hỗ trợ được CN chế tạo chế biến. Một vấn đề nữa là phải tăng cường đào tạo con người, đào tạo nhân lực phù hợp và theo kịp công nghệ hiện đại trong giai đoạn cách mạng 4.0, có như vậy mới nâng cao năng suất lao động” - TS Lê Đình Ân nêu ý kiến.

Theo Nguyễn Phong Nam

Chinhphu.vn

Trở lên trên