MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dè dặt trữ hàng

20-12-2022 - 08:48 AM | Thị trường

Tại nhiều chợ truyền thống ở TPHCM, tiểu thương vẫn khá dè dặt chuẩn bị hàng Tết do lo sức mua không cao.

Trưa 19/12, chúng tôi đến chợ Bình Tây (quận 6) - một trong những chợ sỉ lớn nhất TPHCM, chuyên cung cấp thực phẩm, bánh kẹo, giày dép, quần áo... cho khách hàng ở các tỉnh miền Tây, miền Trung. Tại khu vực bánh mứt, trái cây sấy chế biến, các tiểu thương đều than thở về sức mua rất thấp.

Dè dặt trữ hàng - Ảnh 1.

Bà Ứng Thị Liên, tiểu thương chợ Bình Tây không dám trữ hàng Tết vì sức mua đang rất thấp. Ảnh: U.P

Bà Ứng Thị Liên, trưởng ngành hàng bánh kẹo mứt chợ Bình Tây cho biết, mọi năm vào thời điểm 1-2 tháng trước Tết Nguyên đán, các tiểu thương đã ứng tiền đặt hàng các cơ sở sản xuất bánh, mứt, kẹo để bán sỉ nhưng năm nay không dám trữ hàng.

"Cả năm nay buôn bán khó khăn, chỉ chờ vào dịp Tết này nhưng đến giờ vẫn chưa thấy khả quan. Hàng hóa về nhiều nhưng vắng người mua, khách hàng ở các tỉnh cũng chần chừ chưa dám nhập hàng".

Chị Thoa, chủ quầy bánh kẹo tại chợ Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận)

“Mọi năm một tháng trước Tết âm lịch là hàng bán chạy nhất. Bạn hàng ở nhiều địa phương khác í ới cả ngày đặt hàng, đóng hàng chở đi. Nhưng giờ thì vắng không ngờ. Năm nay kinh tế khó khăn, công nhân mất việc đã về quê hết nên sức mua hàng Tết rất thấp. Tiểu thương mua tới đâu bán tới đó chứ không dám nhập hàng nhiều. Trước đây, thời điểm này tôi đã đặt cả chục tấn hàng nhưng giờ chưa động tĩnh gì”- bà Liên chia sẻ.

Cũng theo bà Liên, giới bán buôn bán lẻ vẫn đang theo dõi tình hình, tầm 2 tuần trước Tết mới biết hàng có chạy hay không. Nếu lúc đó sức mua tăng thì tiểu thương không có hàng để bán vì không dám trữ hàng, trở tay không kịp; lúc đó giá cả sẽ đẩy lên rất cao. Tuy nhiên, nếu hàng vẫn “dậm chân tại chỗ” như thế này, tiểu thương ôm lỗ là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Những chợ lớn khác như Bến Thành, Tân Định (quận 1), An Đông (quận 5), Hòa Hưng (quận 10)… chung tình cảnh ế ẩm. Ghi nhận tại các chợ, giá thực phẩm tết năm nay tương đối bình ổn, bí ép giá 90.000 đồng/kg, mứt gừng từ 100.000 - 120.000 đồng/kg, nho khô loại lớn 180.000 đồng/kg, hạt dẻ lớn 320.000 đồng/kg, hạt hướng dương 80.000 đồng/kg, hạt dưa 150.000 đồng/kg…

Đại diện Ban Quản lý chợ Tân Bình (quận Tân Bình) thông tin, chợ có 3.326 sạp, nhưng hiện tại chỉ hơn 2.900 sạp đang kinh doanh. Từ sau dịch COVID-19 đến nay, tình hình kinh doanh khó khăn, sức mua giảm sút nên có một số chủ sạp nghỉ bán. Các tiểu thương đang vào cao điểm chuẩn bị hàng hóa để kinh doanh trong dịp tết, hy vọng sức mua sẽ tăng lên khi tết đến gần hơn.

Theo UYÊN PHƯƠNG

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên