MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Để giải phóng mặt bằng không còn là “khúc xương"

25-10-2017 - 08:50 AM | Bất động sản

GPMB luôn được coi là “khúc xương”, là một trong những hạng mục nan giải nhất của các dự án giao thông.

Nhiều năm trước, các dự án giao thông thường bị gắn với các biệt danh chẳng mấy hay ho như “tiến độ rùa”, “lỗi hẹn về đích”, “kéo dài lê thê”... phần nhiều đều do sa lầy trong công tác GPMB.

Thực tế, dù công trình đó sử dụng vốn ngân sách, ODA, hay vốn huy động từ PPP, GPMB vẫn luôn là trở ngại, thậm chí ám ảnh nhất, không chỉ ở các địa phương mà của tất cả các chủ thể triển khai dự án, kể cả các bộ, ngành, chủ đầu tư, ban QLDA, đến tư vấn, nhà thầu thi công.

Tuy nhiên, thời gian qua, không phải không có ngoại lệ, thậm chí có dự án còn hoàn thành sớm công tác GPMB. Điển hình nhất phải kể đến là đại công trường dự án nâng cấp, mở rộng QL1 Thanh Hóa - Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Còn nhớ, thời điểm chuẩn bị triển khai dự án vào năm 2012-2013, rất nhiều người bày tỏ quan ngại các dự án này khó có thể triển khai đúng kế hoạch và đi vào vết xe đổ chậm tiến độ như nhiều công trình giao thông trước đó do đối mặt với vô vàn khó khăn trong GPMB. Lý do QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên là những tuyến đường huyết mạch quốc gia, lưu lượng giao thông rất lớn, vừa thi công, vừa khai thác, cộng với số hộ dân bị ảnh hưởng lên đến hàng trăm nghìn là lực cản không dễ vượt qua.

Thế nhưng, sau đó nhiều người ngỡ ngàng bởi các dự án trên hai tuyến huyết mạch đã hoàn thành với thời gian nhanh kỷ lục, nhiều đoạn tuyến về đích trước từ 1 - 1,5 năm. Nguyên do có nhiều, nhưng điểm mấu chốt chính là công tác GPMB được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ quan tâm đặc biệt, cử riêng một đồng chí Phó thủ tướng phụ trách và giao cho địa phương thực hiện. Hàng tháng, hàng quý, đích thân Phó thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo các địa phương họp kiểm điểm tiến độ GPMB QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.

Địa phương nào GPMB chậm, lãnh đạo tỉnh đó không chỉ bị phê bình trước cuộc họp mà còn bị Thủ tướng kiểm điểm trách nhiệm cuối năm. Chính vì vậy, hầu hết các địa phương cùng xắn tay vào cuộc, nhiều đồng chí Bí thư, Chủ tịch tỉnh trực tiếp xuống đường đối thoại, vận động người dân bàn giao mặt bằng sớm. Cùng đó, là hàng loạt các cơ chế, chính sách đặc thù, tạo thuận lợi tối đa cho người dân được Chính phủ triển khai đã tạo ra sự đồng thuận rất lớn. Nhiều nơi, người dân sẵn sàng bàn giao đất trước, nhận tiền sau để dự án sớm được thi công.

Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, một công trình giao thông cũng có tầm vóc và quy mô rất lớn đang được trình Quốc hội phê chuẩn và sắp được triển khai trong thời gian tới. Chắc chắn, GPMB cũng là hạng mục phức tạp và đáng lo ngại nhất của dự án. Nhưng với bài học từ các dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên mới đây, cùng với sự nỗ lực, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cho thấy, công tác GPMB tuyến cao tốc huyết mạch Bắc - Nam này sẽ không còn là “khúc xương” và chắc chắn sẽ triển khai đạt hiệu quả như kỳ vọng của nhân dân cả nước.

Theo Hà Thanh Oai

Giao Thông Vận Tải

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên