Để hàng không “bật dậy” sau đại dịch
Hàng không Việt Nam đang đứng trước những thách thức to lớn từ Covid-19. Để giúp hàng không vượt qua đại dịch, Chính phủ không chỉ cần có những chính sách hỗ trợ trước mắt, mà còn cần giải pháp dài hạn để hàng không “bật dậy” cạnh tranh quốc tế sau đại dịch.
Dư thừa nguồn lực tàu bay, thu không đủ bù chi
Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, sản lượng thông qua các cảng hàng không của Việt Nam sáu tháng đầu năm 2021 ước đạt 26,8 triệu lượt hành khách giảm 19,4% so cùng kỳ 2020. Đại diện một hãng hàng không cho biết, thống kê giờ bay thực tế của toàn thị trường cho thấy tổng số máy bay dư thừa của các hãng Việt Nam trong giai đoạn dịch bệnh là xấp xỉ 58 tàu, chiếm 26% tổng số máy bay.
Việc dư thừa cung ứng cũng khiến các hãng đua nhau giảm giá, giành khách và thị phần khiến hiệu quả của các hãng bay đều giảm sút, tổng mức lỗ kinh doanh vận tải hàng không lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
Ngoài việc mất một lượng lớn doanh thu, lợi nhuận, các doanh nghiệp hàng không còn đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt dòng tiền do liên tục phải chi các khoản phục vụ sản xuất kinh doanh, mà một phần rất đáng kể chính là chi phí bảo quản tàu bay nằm đất.
"Đối với các doanh nghiệp vận tải hành khách bằng hàng không - đối tượng bị tổn thương nặng nề trong suốt năm 2020 và có thể là cả năm 2021 bởi dịch COVID-19, đây thực sự là đòn giáng mạnh vào tình hình tài chính. Những khoản lỗ lớn chắc chắn sẽ tiếp tục được ghi nhận trong các báo cáo tài chính quý II, quý III/2021. Đó là chưa kể đến việc đời sống, việc làm của hàng vạn lao động trong lĩnh vực này vốn đã khó nay lại càng chông chênh", lãnh đạo một hãng bay lo lắng.
Trong thời gian vừa qua, các hãng bay đã chủ động triển khai hàng loạt giải pháp ứng phó với đại dịch COVID-19 như tổ chức lại sản xuất phù hợp với quy mô thị trường; linh hoạt điều chỉnh tần suất các đường bay dựa trên thực tế thị trường và nhu cầu của hành khách; tìm kiếm cơ hội tăng doanh thu trong bối cảnh lượng khách đi máy bay giảm thông qua đẩy mạnh vận chuyển hàng hóa, bay thuê chuyến chở khách hồi hương và khách chuyên gia; triển khai cho thuê các tàu bay không có nhu cầu sử dụng trong giai đoạn này; thanh lý đội tàu bay cũ...
Tuy nhiên, do tác động của đại dịch kéo dài, kết quả kinh doanh của các hãng bay Việt vẫn ghi nhận những khoản kinh doanh vận tải thua lỗ và thâm hụt dòng tiền lớn trong 6 tháng đầu năm nay.
Chính phủ cần có tầm nhìn dài hạn để hãng bay phục hồi
Để hỗ trợ hàng không vượt qua đại dịch, Chính phủ vừa qua đã nhanh chóng thực hiện một số biện pháp, như: giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa; áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay bằng 70% mức thuế quy định và tiếp tục gia hạn cho đến năm 2021; áp dụng một loạt các chính sách hỗ trợ DN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay, miễn giảm lãi phí vay, tháo gỡ các khó khăn về vốn…
"Trước tình trạng khủng hoảng của ngành hàng không do đại dịch COVID-19, Việt Nam đã có những biện pháp hỗ trợ kịp thời, thiết thực để hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không vượt qua khó khăn trước mắt, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn chưa được khống chế hoàn toàn, trong khi những khó khăn cả về tài chính và hoạt động lại vẫn đang đeo bám ngành hàng không, đòi hỏi Nhà nước cần phải tiếp tục có những quyết sách mới, kịp thời và đủ liều lượng để hỗ trợ, chuẩn bị hướng tới giai đoạn phục hồi nền kinh tế hậu dịch bệnh", Tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhận định trong bài viết mới đây về Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước với ngành hàng không: Một số vấn đề đặt ra từ cuộc khủng hoảng do tác động của đại dịch COVID-19.
Cần phải tiếp tục có những quyết sách mới, kịp thời và đủ liều lượng để hỗ trợ, chuẩn bị hướng tới giai đoạn phục hồi nền kinh tế hậu dịch bệnh
Cụ thể, trước thực trạng dư thừa nguồn lực tàu bay, Chính phủ cần cân nhắc điều chỉnh việc phê duyệt mua tàu bay mới phù hợp với tình hình thị trường trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn, khả năng vận hành của các hãng và hệ thống hạ tầng cơ sở đường lăn, nhà ga, kho bãi, dịch vụ mặt đất.
Đồng thời, để ngăn ngừa cạnh tranh không lành mạnh, cần điều tra, làm rõ việc giảm giá vé để cạnh tranh có phải là hành vi bán phá giá không? Nếu thực tế diễn ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, thì cần phải có những chế tài nghiêm khắc như rút giấy phép kinh doanh để ngăn chặn tư tưởng "ăn thua" giữa các doanh nghiệp.
Hãng hàng không Quốc gia đã có đề xuất với Chính phủ sớm triển khai sử dụng hộ chiếu vắc-xin
Đối với việc khai thác trở lại các đường bay quốc tế, đại diện hãng hàng không Quốc gia đã có đề xuất với Chính phủ sớm triển khai sử dụng hộ chiếu vắc-xin, đồng thời từng bước nới lỏng các quy định nhập cảnh và cách ly đối với khách đã tiêm vắc-xin đầy đủ. "Theo khảo sát vào 3/2021 của IATA, 81% số người được phỏng vấn có nhu cầu đi lại trở lại sau khi tiêm vaccine. Tuy nhiên, 84% số người được phỏng vấn sẽ không đi đến các quốc gia vẫn áp dụng chính sách cách ly. Do vậy, trong bối cảnh dự báo các quốc gia trên thế giới sớm khai thác trở lại các đường bay quốc tế cuối năm 2021, việc hội nhập kịp thời, tạo cơ hội tăng sức cạnh tranh và thu nhập cho các hãng hàng không là rất cấp thiết.", đại diện của Vietnam Airlines cho biết.
Bên cạnh đó, hãng đề xuất được tham gia đầu tư, sớm được giao, cho thuê đất trực tiếp đầu tư xây dựng các cơ sở dịch vụ đồng bộ trong dây chuyền vận tải hàng không tại sân bay Long Thành.
Vietnam Airlines hiện là hãng hàng không có mạng bay dẫn đầu với khoảng 100 đường bay nội địa và quốc tế. Giai đoạn 5 năm trước đại dịch, từ 2015-2019, lợi nhuận hợp nhất của Vietnam Airlines tăng trưởng mạnh mẽ, đạt hơn 13.500 tỷ đồng. Tổng các khoản đóng góp ngân sách nhà nước đạt 30.535 tỷ đồng. Đáng chú ý, năm 2019, doanh thu, lợi nhuận hợp nhất của Vietnam Airlines đạt kỷ lục kể từ khi thành lập, lần lượt là 100.316 tỷ đồng và 3.389 tỷ đồng.
Với đội tàu bay hơn 100 chiếc, hãng bay này thể hiện rõ tham vọng cạnh tranh toàn cầu, khi đặt mục tiêu dịch vụ 5 sao, liên tục mở các đường bay mới và sử dụng tàu thân rộng, hiện đại Airbus A350, Boeing 787 cho nhiều đường bay quốc tế.
Đối với hãng hàng không Quốc gia, TS. Kiên cho rằng, Chính phủ cần thực hiện những giải pháp mang tính chiến lược để gia tăng khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động trong trung và dài hạn.
Trước mắt, Chính phủ cần có đánh giá về hiệu quả gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng và cân nhắc khả năng có thêm gói hỗ trợ trong điều kiện dịch bệnh tiếp tục kéo dài để đảm bảo an toàn vốn Nhà nước – cổ đông nắm giữ 86,19% vốn tại Vietnam Airlines. Sau đó, có thể cân nhắc tăng vốn cho Vietnam Airlines nhằm mở rộng quy mô hoạt động, tăng cường đầu tư vào khoa học công nghệ và cải thiện chất lượng dịch vụ để sớm trở thành hãng hàng không 5 sao, qua đó gia tăng vị thế và nâng cao sức cạnh tranh trên trường quốc tế.
Chính phủ cũng cần xem xét lại quy chế tài chính đối với không chỉ Vietnam Airlines, mà còn đối với cả các doanh nghiệp nhà nước khác theo cơ chế linh hoạt hơn, phù hợp với nhịp độ và cơ chế kinh tế thị trường.
Đối với các hãng hàng không còn lại, một số chuyên gia đánh giá họ cũng đang gặp nhiều khó khăn và trên quan điểm đối xử bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước, Nhà nước có thể xem xét hỗ trợ các hãng bay này, tuy nhiên mức độ hỗ trợ đến đâu, hỗ trợ ra sao... cần được tính toán cẩn trọng.