MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Để lòng thanh thản con à”: Câu nói đã khiến tôi hiểu thế nào mới là lương thiện và may mắn đúng nghĩa

13-12-2023 - 21:35 PM | Lifestyle

Chưa dám chắc liệu sống theo cách này, con người ta có được hạnh phúc mỹ mãn hay không, tôi chỉ biết rằng sự lương thiện của chú đã khiến tôi cũng muốn làm người lương thiện, muốn làm nhiều điều tốt đẹp nhất có thể.

Dưới đây là bài chia sẻ của trên Zhihu (nền tảng hỏi đáp và cung cấp kiến thức) dưới chủ đề: "Theo bạn, thế nào là sự lương thiện đúng nghĩa?".

Có lần, tôi đi xe điện ra ngoài. Gần nhà tôi có một tiệm sửa xe nhỏ. Chủ tiệm là một chú gần bằng tuổi bố tôi.

Lần đầu tiên tôi đến tiệm của chú là để vá lốp xe. Chú làm xong, trên tay đầy vết bẩn, nói với tôi: “Xong rồi!”.

Tôi hỏi: “Chú ơi, bao nhiêu tiền ạ?”.

Chú: “4 đồng”.

Tôi hơi bất ngờ. Ở cái thành phố này, tiền công, tiền thuê mặt bằng, lại tốn biết bao thời gian, tôi ngạc nhiên khi thấy chú lấy rẻ như vậy.

Vợ chú nghe vậy thì đính chính: “5 đồng”.

Chú không vui quay đầu nói với cô: “Tôi nói 4 đồng là 4 đồng”.

Vợ chú: “Ông lúc nào cũng vậy hết!”.

Tôi cảm nhận bầu không khí khá căng thằng, không muốn hai cô chú cãi nhau chỉ vì 1 đồng nên nói lớn: “Cô chú đừng cãi nhau ạ!”, rồi nhanh tay để lại 5 đồng và chạy đi mất.

“Để lòng thanh thản con à”: Câu nói đã khiến tôi hiểu thế nào mới là lương thiện và may mắn đúng nghĩa- Ảnh 1.

Những lần xe hư sau đó, tôi đều đẩy đến sửa ở tiệm chú. Trong lúc ngồi đợi, tôi cũng ngó quanh quan sát một chút. Tiệm rất nhỏ, diện tích chưa đến 10m2, một nhà 3 người vừa sống vừa làm việc ở đây, đến lúc ngủ thì lên tầng nghỉ ngơi.

Có một lần, lúc chú đang sửa xe, tôi ngồi bên cạnh xem chú luôn tay luôn chân. Tôi phát hiện những ngón trên bàn tay trái của chú không được linh hoạt lắm. Nhìn kĩ hơn thì hình như 4 ngón tay của chú từng bị đứt lìa, sau đó được nối lại.

Phải nói! Chú sửa xe lại lấy giá rất rẻ. Vá lốp 5 đồng, cân niềng 5 đồng. Có đợt, trong nhà có cái giá sách nhỏ, tôi ôm xuống nhờ chú cố định một chút, vậy mà chú cũng lấy 5 đồng.

Tôi thường suy nghĩ, một ngày chú phải kiếm được bao nhiêu tiền thì mới đủ trang trải chi phí sinh hoạt? Tôi thật sự muốn đưa cho chú thêm một ít, nhưng chưa bao giờ dám làm.

Có một dịp năm mới, tôi về quê ăn Tết, lúc trở về thì phát hiện chú đã chuyển tiệm đến mặt bằng nhỏ hẹp hơn. Tôi đến tiệm mua đồ sạc điện, mang về dùng được mấy tháng thì bị tôi làm hư mất. Tôi mang cái đồ sạc qua tiệm chú, bảo chú bán cho tôi cái mới, còn cái cũ thì cho chú. Tôi cứ nghĩ là đưa cái hư cho chú thì chú có thể bán được ít tiền.

Không ngờ, chú nhìn dòng chữ trên đồ sạc, sau đó bảo: “Đồ sạc này của cháu bị quá hạn bảo hành mấy ngày rồi, nhưng mà thôi để chú đổi cái khác cho cháu”.

Tôi gửi tiền cho chú. Chú nhất quyết không nhận: “Không cần đưa tiền, để chú đổi cho cháu”.

Giây phút ấy, tôi thật sự cảm động. Vì sao một người chật vật trong cuộc sống như vậy lại có thể tốt với người lạ đến thế?

Chú cho đi mà không hề đắn đo. Rõ ràng là chú cần tiền hơn tôi mà?

Cuối cùng, tôi cũng không thể từ chối ý tốt của chú. Chú không nhận tiền, tôi lại nhận được cái tình của chú, nhận lấy chút thiện ý tuy đơn giản mà to lớn kia.

Từ đó về sau, mỗi lần tôi đến tiệm chú mua thứ gì thì tôi sẽ cố gắng chọn những cái đắt nhất. Thực tế thì giá cả của mấy món đồ chú bán đều rẻ hơn chỗ khác.

“Để lòng thanh thản con à”: Câu nói đã khiến tôi hiểu thế nào mới là lương thiện và may mắn đúng nghĩa- Ảnh 2.

Một ngày nọ, đang đi trên đường thì xe bị nổ lốp. Vì lần này phải thay lốp nên tôi không muốn đến tiệm khác để sửa. Trong đầu nghĩ là lần này chú thay lốp cho mình thì sẽ được nhiều tiền hơn. Thế là thở hồng hộc đẩy xe về tiệm chú. Lết đi cả nửa tiếng đồng hồ, xe nặng trịch, mồ hôi đầy lưng.

Tôi gửi xe ở tiệm chú rồi về nhà tắm một cái cho mát. Đến lúc xuống tiệm thì thấy xe vẫn chưa được thay lốp. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Sao chú chưa sửa cho con?”.

Cô chú cười nói với tôi: “Vì phải thay lốp xe, giá cao hơn, phải được cháu đồng ý mới dám thay chứ!”.

Tôi nghiêm túc nói với chú: “Chú à, con lúc nào cũng tin con người của chú. Chú sửa thế nào cũng được, sửa bao nhiêu tiền thì con sẽ gửi bấy nhiêu”. Đây là lần đầu tiên tôi khen chú như vậy.

Tôi hỏi chú vì sao lại phóng khoáng như vậy, chú trả lời: "Để lòng thanh thản con à. Mình nghèo vật chất, nhưng mình giàu cái tình. Chú tin may mắn sẽ luôn đến với mình".

Tôi đã chuyển nhà đi cũng lâu rồi, không còn đến tiệm sửa xe nữa. Mấy ngày trước có chạy ngang qua thì thấy tiệm vẫn còn đó. Hy vọng người tốt như chú sẽ gặp nhiều điều thuận lợi.

Sự lương thiện đúng nghĩa ở đây được thể hiện trên con người của chú. Chưa dám chắc liệu sống theo cách này, con người ta có được hạnh phúc mỹ mãn hay không tôi chỉ biết rằng sự lương thiện của chú đã khiến tôi cũng muốn làm người lương thiện, muốn làm nhiều điều tốt đẹp nhất có thể.

Theo Trung Hạ

Phụ nữ số

Trở lên trên