MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề nghị Bộ Công an điều tra dự án xơ sợi Đình Vũ

Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho rằng, quá trình thực hiện đầu tư Dự án nhà máy sản xuất Xơ sợi Polyeste Đình Vũ (Hải Phòng) có dấu hiệu cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm trong việc phê duyệt dự án; lựa chọn nhà thầu; ký kết hợp đồng với nhà thầu gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư.

Cùng với kiến nghị xử lý về kinh tế số tiền gần 55 tỷ đồng và hơn 23.000 USD, TTCP đề nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý những dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự xảy ra tại dự án nghìn tỷ này.

Nhà máy 363 triệu đô… “đắp chiếu”

Tháng 5/2007, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) ký thỏa thuận hợp tác đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất Xơ sợi Polyeste tại KCN Đình Vũ, quận Hải An, TP Hải Phòng và thực hiện các thủ tục pháp lý thành lập Cty Cổ phần Hóa dầu Xơ sợi Dầu khí (PVTex).

Theo cơ quan thanh tra, PVTex chính thức hoạt động từ năm 2008 với số vốn điều lệ ban đầu 160 tỷ đồng. Sau nhiều lần tăng vốn điều lệ và thoái vốn của một số cổ đông, đến 31/12/2014, vốn điều lệ của PVTex là 1.996 tỷ đồng, với các cổ đông chính là PVN, Tổng Cty Phân bón và hoá chất Dầu khí (PVFCCo) và ông Phan Anh Tuấn. Sau khi ổn định “nhân sự”, đến tháng 10/2008, HĐQT PVTex đã ban hành quyết định phê duyệt Dự án khả thi với tổng mức đầu tư 324,8 triệu USD (tương đương hơn 5,4 nghìn tỷ đồng theo tỷ giá tại thời điểm đó). Dự án có công suất 500 tấn xơ sợi/ngày và dự kiến thời gian thu hồi vốn chỉ sau 8 năm 8 tháng.

Tuy nhiên, đến khi nghiệm thu sơ bộ (8/2013), giá trị thanh toán tại dự án này đã đội lên thành 363 triệu USD. Và ngay trong giai đoạn chạy thử, chạy nghiệm thu của nhà máy (từ 19/11/2011 - 1/6/2013) đã lỗ hơn 817 tỷ đồng; kết quả sản xuất kinh doanh từ năm 2012 – 31/12/2014 cũng thua lỗ liên tục với tổng số lỗ luỹ kế lên tới 1.400 tỷ đồng. Theo tính toán lại của PVTex, thời gian thu hồi vốn lên tới gần 23 năm. Đến cuối năm 2015, nhà máy xơ sợi trị giá nghìn tỷ đã phải dừng hoạt động vì không cải thiện được tình hoạt động kinh doanh bết bát.

Nhiều sai phạm

Theo TTCP, bên cạnh nguyên nhân khách quan do yếu tố thị trường, thì quá trình thực hiện dự án, các đơn vị đã không thực hiện hết trách nhiệm được giao khiến dự án có hiệu quả yếu kém, trong đó PVTex, PVN, Vinatex và các đơn vị, cá nhân liên quan đã để xảy ra nhiều khuyết điểm vi phạm.

Cơ quan thanh tra cho rằng, việc PVTex không thực hiện thẩm định tổng mức đầu tư theo quy định mà phê duyệt trên cơ sở nghị quyết của PVN dẫn đến làm tăng tổng mức đầu tư một số khoản chi phí với số tiền hơn 38,7 triệu USD. Mặt khác, sau khi có kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu EPC, PVTex không thực hiện đăng tải thông tin; phê duyệt kết quả đấu thầu, giá đề nghị trúng thầu cao hơn giá gói thầu được duyệt 20 triệu USD; Hợp đồng EPC được ký bằng đồng USD nhưng thanh toán lại bằng tiền Việt, dẫn đến chênh lệch tỷ giá ngoại tệ gần 47 tỷ đồng.

Không những vậy, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đã nghiệm thu, thanh toán sai, trùng lắp khối lượng nhiều hạng mục như: cây xanh, nhà bảo vệ, nhà hành chính… với tổng số tiền hơn 23.000 USD và 8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, qua tổng hợp báo của PVTex cho thấy một số khoản thanh toán vượt giá trị tổng mức đầu tư nhưng chưa được phê duyệt bổ sung, gồm: chi phí đào tạo nhân lực 4,4 triệu USD; chi phí chạy thử (khoản lỗ) 41,4 triệu USD và chi phí lãi vay hơn 30 triệu USD.

Đáng chú ý, trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng mua thiết bị, chủ đầu tư và nhà thầu đã thay đổi nguồn gốc, xuất xứ một số thiết bị nhưng không thương thảo trước. Cụ thể, dây chuyền thiết bị kéo sợi dún (DTY) thay đổi nguồn gốc từ Đức sang Trung Quốc trị giá hơn 11,3 triệu USD; hệ thống máy chủ, máy trạm, máy in và thiết bị đóng bao cũng được chuyển từ Đức thành xuất xứ châu Âu với tổng giá trị 1,7 triệu USD.

“Do chủ đầu tư thiếu năng lực, kinh nghiệm, có phần buông lỏng quản lý, dẫn đến việc lập hồ sơ mời thầu, thẩm định, phê duyệt kết quả trúng thầu và ký kết thực hiện hợp đồng không chặt chẽ, chưa rõ ràng, nhiều điều khoản mâu thuẫn và không được thực hiện trong thực tế như: thay đổi xuất xứ, chi phí chạy thử, xử phạt chậm tiến độ, phát sinh tranh chấp khó giải quyết gây thiệt hại về kinh tế chưa thể xác định được” – TTCP đánh giá.

Theo đó, TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân tại bộ, PVN và Vinatex, PVTex. Đồng thời, xử lý về kinh tế gần 55 tỷ đồng và hơn 23.000 USD; xử lý dứt điểm các tranh chấp do thay đổi nguồn gốc xuất xứ thiết bị, vật tư. Đối với dấu hiệu cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm trong việc phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư, TTCP kiến nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

“Dấu ấn” của ông Vũ Đình Duy

Giai đoạn PVTex cũng như Xơ sợi Đình Vũ “chìm” trong thua lỗ được gắn với tên tuổi của ông Vũ Đình Duy (SN 1975, thành viên Hội đồng thành viên Vinachem) - người vừa bị Bộ Công Thương tạm đình chỉ công tác vì vi phạm kỷ luật lao động và quy định quản lý việc đi nước ngoài. Ông Duy không đến cơ quan làm việc từ trung tuần tháng 10 đến nay. Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an cho biết ông Duy đã xuất cảnh từ ngày 22/10.

Trước đó, ông Vũ Đình Duy nắm giữ chức Tổng giám đốc PVTex từ ngày 15/7/2009 đến tháng 2/2014. Sau đó ông Duy được luân chuyển qua nhiều vị trí khác nhau như Phó giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng, Cục phó An toàn kỹ thuật và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) và đến ngày 8/4/2016, ông Duy được điều động, bổ nhiệm giữ chức thành viên Hội đồng thành viên Vinachem.

Theo Dương Lê

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên