MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề nghị Bộ Công an làm rõ căn cước gắn chíp, căn cước điện tử có bị theo dõi?

25-10-2023 - 11:24 AM | Xã hội

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho biết nhiều công dân phản ánh lo ngại căn cước gắn chíp, căn cước điện tử liệu có bị theo dõi hay không và đề nghị Bộ Công an giải thích rõ nội dung này

Sáng 25-10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Căn cước, đây là tên gọi mới của Luật Căn cước công dân theo đề nghị của Chính phủ.

Đề nghị Bộ Công an làm rõ căn cước gắn chíp, căn cước điện tử có bị theo dõi? - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước.

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (cơ quan thẩm tra) nhất trí với đa số ý kiến đại biểu tán thành tên gọi Luật Căn cước và tên thẻ căn cước.

Theo cơ quan thẩm tra, việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước thể hiện rõ tính khoa học. Đồng thời, sẽ bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật, gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch.

Tên gọi này cũng phù hợp với bản chất và mục tiêu quản lý căn cước của Nhà nước; phù hợp với phương thức quản lý trong thời kỳ cách mạng 4.0, xây dựng Chính phủ số, xã hội số.

Việc sử dụng tên gọi thẻ căn cước như dự thảo luật là phù hợp, sẽ bao hàm được đầy đủ thông tin về căn cước của công dân.

Ngoài ra, với việc mở rộng, tích hợp nhiều thông tin vào thẻ căn cước vừa nhằm hướng tới mục tiêu quản lý nhà nước về căn cước toàn diện hơn, đầy đủ hơn, vừa tạo thuận lợi cho người dân trong việc sử dụng thông tin cá nhân.

Việc đổi tên thẻ căn cước như dự thảo luật Chính phủ trình không làm phát sinh thủ tục, chi phí đổi thẻ với người dân. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị cho giữ tên Luật Căn cước và tên thẻ căn cước.

Về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, một số ý kiến đề nghị rà soát để bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật hiện hành, chỉ nên thể hiện những thông tin mang tính chất ổn định, không trùng lắp; cân nhắc một số thông tin chưa phù hợp; đề nghị không nên sử dụng QR code, chỉ nên dùng chip điện tử trên thẻ căn cước.

Cơ quan thẩm tra cho rằng các thông tin thể hiện trên thẻ căn cước đã được đánh giá cụ thể, bảo đảm không trùng lặp giữa các trường thông tin, thống nhất giữa các loại giấy tờ tùy thân phổ biến hiện nay của công dân, tương thích với các quy định của pháp luật có liên quan; đồng thời để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước; việc tích hợp cả QR code và chíp điện tử trên thẻ căn cước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng thông tin công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.

Tuy nhiên, trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu, chỉnh sửa một số trường thông tin tại khoản 2, bổ sung khoản 3 quy định cụ thể về thông tin được mã hoá, lưu trữ trong bộ phận lưu trữ trên thẻ căn cước như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý bảo đảm phù hợp và khả thi.

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy (đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) đánh giá cao nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã giúp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật.

Đề nghị Bộ Công an làm rõ căn cước gắn chíp, căn cước điện tử có bị theo dõi? - Ảnh 3.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thuỷ, đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Phương Thủy cho biết tài liệu dự án luật lần này gửi đến đại biểu Quốc hội còn chậm. Đây là dự án luật có ý nghĩa hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 80 triệu người dân và có nhiều nội dung có ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, với việc gửi tài liệu muộn sẽ gây khó khăn cho các đại biểu trong việc nghiên cứu để tham gia góp ý hoàn thiện dự án luật...

Phát biểu thảo luận, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) thống nhất với sự cần thiết cấp thẻ căn cước điện tử cho công dân mang lại nhiều tiện lợi khi được tích hợp nhiều thông tin. Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết nhiều công dân phản ánh lo ngại căn cước gắn chíp, căn cước điện tử liệu có bị theo dõi. Để công dân an tâm, vị đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ Công an giải thích làm rõ, thông tin tuyên truyền về vấn đề này.

Đề nghị Bộ Công an làm rõ căn cước gắn chíp, căn cước điện tử có bị theo dõi? - Ảnh 4.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp.

Bày tỏ thống nhất với việc đổi tên là thẻ căn cước song đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi trình, tránh trường hợp như trước đây cấp thẻ căn cước không gắn chíp sau 1 tháng lại áp dụng cấp thẻ căn cước gắn chíp gây ra tốn kém.

Đại biểu Phạm Văn Hoài bảo lưu thẩm quyền cấp giấy chứng nhận căn cước và thẻ căn cước do giám đốc công an tỉnh cấp như quy định trước đây, vì nếu để Bộ Công an thực hiện cấp thì sẽ mất nhiều thời gian, tốn kém. Đề nghị nghiên cứu kĩ hơn quy định này.

Cho ý kiến về những nội dung thể hiện trên thẻ căn cược, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng bắt buộc có 7 thông tin chính như: họ tên, năm sinh, quốc tịch, giới tính... Tuy nhiên, những trường hợp còn lại, nên thể hiện là không bắt buộc, khuyến khích người dân cung cấp thêm ngoài những quy định bắt buộc để tích hợp vào thẻ căn cước.

Theo B.H.Thanh - Văn Duẩn. Ảnh: Ngọc Thắng

nld.com.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên