Đề nghị cân nhắc mở rộng đối tượng được hoãn, giãn nợ
Về Thông tư liên quan đến hướng dẫn cơ cấu lại nợ, hoãn, giãn nợ, không chuyển nhóm nợ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hoàn thiện dự thảo theo hướng cân nhắc mở rộng đối tượng và kéo dài thời gian áp dụng phù hợp
Chiều tối nay 22-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã họp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp để rà soát, thúc đẩy việc ban hành ngay 2 thông tư quan trọng.
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước ban hành ngay 2 thông tư quan trọng. Ảnh: Nhật Bắc
Về Thông tư liên quan đến hướng dẫn cơ cấu lại nợ, hoãn giãn nợ, không chuyển nhóm nợ, Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hoàn thiện dự thảo theo hướng cân nhắc mở rộng đối tượng và kéo dài thời gian áp dụng phù hợp, đồng thời thiết kế công cụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát và đẩy mạnh phân cấp để tăng cường trách nhiệm của các tổ chức dụng và phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả.
Về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2021 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải thiết kế hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp để tăng cường niềm tin thị trường và theo hướng cho phép tổ chức tín dụng mua lại ngay trái phiếu doanh nghiệp; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức tín dụng đầu tư, cho vay đối với trái phiếu doanh nghiệp nhằm tăng nguồn cung, tính thanh khoản, phát triển thị trường trên cơ sở an toàn, hiệu quả.
Tại cuộc họp, Thủ tướng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng hạ lãi suất phù hợp để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 33 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; khẩn trương trình phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, nhất là ngân hàng SCB; phối hợp với Bộ Xây dựng triển khai hiệu quả gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đáp ứng mong mỏi của người dân và doanh nghiệp; sớm hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi để tháo gỡ vướng mắc hiện hành, phù hợp với tình hình thực tế, trên cơ sở khả thi, hiệu quả.
Đề xuất cơ cấu cả nợ tín dụng tiêu dùng?
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã công bố dự thảo Thông tư quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, trong đó có nhiều nội dung quan trọng. Đối tượng áp dụng là các khoản nợ phát sinh trước ngày thông tư này có hiệu lực và phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi trong khoản thời gian Thông tư này có hiệu lực cho đến hết 31-12-2023. Thời gian cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ không vượt quá 12 tháng, tuỳ thuộc vào mức độ khó khăn trong sản xuất kinh doanh của từng khách hàng.
Ngân hàng Nhà nước vẫn đang ghi nhận các góp ý về dự thảo thông tư.
Theo thống kê, trong đợt cơ cấu nợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đã có gần 1,1 triệu khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ lũy kế là hơn 722 nghìn tỉ đồng. Vì thế, các doanh nghiệp cũng mong muốn thông tư này sớm được ban hành, để giúp thúc đẩy quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Theo các chuyên gia tài chính, rất cần mở rộng thời hạn và đối tượng được cơ cấu nợ, giãn, hoãn thời gian trả nợ, để hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng từ suy giảm kinh tế, tiêu dùng toàn cầu này.
Đáng chú ý, trong cơ cấu tín dụng hiện nay, đến cuối 2022, tín dụng tiêu dùng chiếm khoảng 20%. Do đó, các chuyên gia cho rằng, rất cần cơ cấu nợ cho cả nhóm khách hàng này bởi tiêu dùng cũng là 1 trong 3 động lực chính thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều và ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021 quy định việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.
NHNN cho biết qua kết quả thanh tra, giám sát hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp của các TCTD cho thấy phát sinh tiềm ẩn rủi ro như: Chưa có quy định điều kiện phát hành trái phiếu về năng lực tài chính, cơ chế kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn của các khoản phát hành trái phiếu chưa chặt chẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thông qua việc phát hành nhằm mục đích đặt cọc, góp vốn, mua cổ phần, hợp tác kinh doanh, bổ sung vốn lưu động. Tỷ lệ trái phiếu có tài sản bảo đảm lớn nhưng thực tế chất lượng tài sản bảo đảm không cao... Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro về khả năng thu hồi nợ của ngân hàng khi doanh nghiệp phát hành mất khả năng thanh toán.
Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2021 là cần thiết và cần được sớm ban hành nhằm phù hợp với tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thực tiễn hoạt động của TCTD, góp phần kiểm soát chặt chẽ rủi ro, đồng thời hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Người lao động