MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề nghị đánh giá tác động của hơn 2.500 dự án sử dụng vốn ODA, ưu đãi

Từ năm 1993 đến năm 2017, cả nước có hơn 2.500 dự án, chương trình sử dụng vốn ODA, vốn ưu đãi...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản gửi các bộ, ngành cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố, Ngân hàng Phát triển việt Nam, Ngân hàng Phát triển Nông thôn và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước về việc báo cáo đánh giá hiệu quả, tác động của các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi giai đoạn 1993-2017.

Văn bản nêu rõ, thực hiện yêu cầu của Uỷ ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội tại phiên họp ngày 30/1/2018 về "Tình hình huy động, phân bổ, sử dụng và quản lý vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài giai đoạn 2016-2020", Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các cơ quan nêu trên lập báo cáo đánh giá các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi các nhà tài trợ thời kỳ từ năm 1993 đến hết ngày 31/12/2017.

Báo cáo đánh giá các chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA và vay vốn ưu đãi bao gồm các chương trình, dự án đã kết thúc và đang triển khai, đề nghị thực hiện theo quy định chung về giám sát, đánh giá và các nội dung quy định tại Điều 21, Thông tư số 12 của Bộ Kế hoạch Đầu tư.

Cụ thể, đối với các chương trình, dự án đã kết thúc, đánh giá các tác động về thực trạng kinh tế, kỹ thuật của chương trình, dự án trong quá trình khai thác, vận hành, sử dụng; tác động cảu chương trình, dự án tới mặt kinh tế, chính trị, xã hội; tác động với các nhóm cư dân hưởng lợi trực tiếp và cư dân bị ảnh hưởng, tính bền vững của dự án…

Đối với chương trình, dự án đang triển khai thực hiện, đề nghị đánh giá sự phù hợp của kết quả thực hiện với mục tiêu chương trình, dự án. Đánh giá khối lượng, giá trị giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn đối ứng và chất lượng công việc đến thời điểm đánh giá so với kế hoạch tổng thể và hàng năm thực hiện. Đề ra giải pháp với những khó khăn, vướng mắc.

Còn đối với các chương trình, dự án đã có báo cáo đánh giá kết thúc và đánh giá giữa kỳ, đề nghị gửi tài liệu báo cáo đánh giá về Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo danh mục tổng hợp, từ năm 1993 đến ngày 31/12/2017, cả nước có khoảng 2.591 chương trình, dự án vay vốn ODA, vay vốn ưu đãi. Trong đó, các bộ, ngành có khoảng 1.279 dự án, chương trình; các địa phương có khoảng 1197 dự án, còn lại là của các ngân hàng, Đài truyền hình Việt Nam…

Bộ Giao thông Vận tải dẫn đầu với khoảng 288 dự án với các dự án tiêu biểu như: Năm 2017 vay vốn ưu đãi từ Trung Quốc 250 triệu USD bổ sung cho dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Trước đó, năm 2008, đã ký kết vay Trung Quốc 175 triệu USD nguồn vốn ODA để làm đường sắt này. Ký kết vay ADB 1,1 tỷ USD vốn ODA xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; Năm 2013, vay Nhật Bản 168 triệu USD bằng nguồn vốn ODA để làm cầu Nhật Tân…

Tại Bộ Công Thương có 152 dự án, chương trình vay vốn ODA, các dự án tiêu biểu như: Nhà máy phân đạm Hà Bắc vay Trung Quốc 32,28 triệu USD, trong đó 21,52 triệu USD là vốn ODA, 10,76 triệu là viện trợ; Vay Trung Quốc 22,9 triệu USD vốn để cải tạo Công ty Gang thép Thái Nguyên, trong đó, 15,31 triệu USD là vốn ODA và 7,66 triệu USA là vốn viện trợ…

Các bộ còn lại như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có 272 dự án và chương trình; Bộ Y tế có 132 dự án và chương trình; Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 51 dự án, chương trình…

Trước đó, tại phiên giải trình hôm 30/1/2018 về tình hình huy động, phân bổ, sử dụng và quản lý vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài giai đoạn 2016-2020, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, vốn vay ODA là cần thiết trong điều kiện đất nước cần vốn để đầu tư phát triển: "So với các khoản vay khác từ thị trường tài chính, vay ODA vẫn có lợi vì lãi suất thấp, thời hạn cho vay và ân hạn tương đối dài. Bên đi vay, cho vay đều có mục tiêu nên việc kiểm soát, đánh giá hiệu quả có thể tốt hơn. Đó là ưu điểm của vay ODA".

Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, mặt trái của ODA là điều kiện cho vay của nhà tài trợ khá khắt khe, thậm chí có những quy định nhằm tạo lợi thế cho nhà đầu tư, nhà thầu của họ.

Theo Kiều Linh

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên