Đề nghị giảm giờ làm từ 48 giờ xuống 44 giờ trong một tuần
Chiều 17/9, Tổng LĐLĐVN nêu quan điểm về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).
- 14-08-2019Giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ, sao lại đề xuất tăng?
- 14-08-201960% doanh nghiệp làm ăn không lãi, chưa phải lúc tăng lương giảm giờ làm?
Ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐVN cho biết, theo khảo sát của tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Việt Nam hiện nay thuộc nhóm nước có thời giờ làm việc cao trên thế giới và khu vực.
Việt Nam là nước thuộc nhóm có số giờ làm việc thực tế cao nhất thế giới
Ông Quảng cung cấp thông tin: Theo số liệu khảo sát của ILO, đối với 154 nước và vùng lãnh thổ, Việt Nam nằm trong nhóm nước có thời giờ làm việc bình thường theo tuần cao nhất thế giới (từ 48 giờ/tuần trở lên), cùng với khoảng 40 nước khác. Về thời gian nghỉ phép, trong số 155 nước khảo sát, trừ 6 quốc gia không có quy định thì Việt Nam nằm trong nhóm nước có số ngày nghỉ phép năm khởi điểm ít nhất thế giới (12 ngày), ngang bằng với 8 nước, nhiều hơn 31 nước và ít hơn 110 nước.
Về giờ làm việc trung bình năm (giờ làm việc thực tế) Việt Nam là nước thuộc nhóm có số giờ làm việc thực tế cao nhất thế giới. Số liệu tổng hợp giờ làm việc thực tế của 63 quốc gia năm 2014 cho thấy: Việt Nam xếp thứ 3 trong số nhóm các quốc gia có giờ làm việc thực tế cao nhất (từ 2.250 – 2.500) với mức giờ làm việc trung bình năm là 2.339,55 giờ, cao hơn 60 nước, chỉ xếp sau Campuchia và Banglades.
Trong 11 nước tham gia Hiệp định CPTPP: Việt Nam là nước có số giờ làm việc thực tế cao nhất (có 1 nước chưa có dữ liệu là Brunei); trong khu vực ASEAN: Việt Nam có số giờ làm việc thực tế cao thứ hai sau Campuchia (có 3 nước chưa có dữ liệu là Miama, Lào, Brunei). Đặc biệt, Trung Quốc là đất nước có tương đồng về chế độ chính trị VỚI Việt Nam nhưng hiện nay, số làm việc bình thường là 40h/tuần, số ngày nghỉ lễ 21 ngày. Hiện nay, số ngày nghỉ lễ, tết của Việt Nam ở mức trung bình thấp so với các quốc gia trên thế giới và khu vực (Camphuchia là 28 ngày; Brunei là 15 ngày; Indonexia là 16 ngày; Malaysia là 13 ngày; Myanmar là 14 ngày; Philippines là 19 ngày; Singapore là 11 ngày; Thái Lan là 16 ngày; Lào 12 ngày; Trung Quốc 21 ngày, Nhật Bản 16 ngày.
Không nên đặt hết gánh nặng tăng trưởng kinh tế lên đôi vai người lao động
Đại diện của Tổng LĐLĐVN cũng đã viện dẫn cơ sở chính trị, pháp lý của đề xuất giảm thời giờ làm việc cho NLĐ.
Theo ông Lê Đình Quảng, Hiến pháp Việt Nam năm 2013 khẳng định: “Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi” (Khoản 2 Điều 35 Chương II). Và trước những vấn đề của giai cấp công nhân và người lao động, tại Đại hội Công đoàn lần thứ XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra “tổ chức công đoàn cũng còn lúng túng trong nghiên cứu, dự báo, đề xuất giải pháp để khắc phục, nhất là những bức xúc về cường độ lao động, việc làm, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của công nhân, lao động”.
Và tại Lễ kỷ niệm 90 năm thành lập tổ chức Công đoàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị: Công đoàn Việt Nam cần chủ động đề xuất giải pháp, kiến nghị chính sách với Nhà nước, tổ chức Đại diện người sử dụng lao động và toàn thể người lao động để cùng thực hiện tốt “Tuyên bố Thế kỷ về Tương lai Việc làm của Tổ chức Lao động Quốc tế năm 2019” với tinh thần là: thực hiện hiệu quả việc học tập suốt đời và giáo dục chất lượng cho mọi người; an sinh xã hội đầy đủ và bền vững; tôn trọng các quyền cơ bản của người lao động; mức lương đủ sống; hạn chế số giờ làm việc tối đa; an toàn - vệ sinh lao động tại nơi làm việc; khả năng đạt được cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt hơn. Ngoài ra, Điều 104, Bộ luật Lao động 2012 đã quy định “Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ”.
Mong muốn của Tổng LĐLĐVN là không nên đặt hết gánh nặng tăng trưởng kinh tế và năng xuất lao động lên đôi vai người lao động mà cần đánh giá đúng hơn trách nhiệm của người sử dụng lao động. Việc giảm thời gian làm việc bình thường sẽ tạo động lực để doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, thích nghi với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đổi mới quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động. Giảm giờ làm sẽ đảm bảo hài hòa với các yếu tố sức khỏe, xã hội, góp phần tăng thu nhập, việc làm cho người lao động có thể tăng số lượng lao động tham gia vào thị trường lao động, tạo điều kiện để người lao động có thêm thời gian tái tạo sức lao động, học tập nâng cao trình độ, kỹ năng, hướng tới việc làm bền vững.
Theo Tổng LĐLĐVN, việc đề nghị xem xét giảm thời giờ làm việc bình thường của người lao động từ “48 giờ trong một tuần” xuống “44 giờ trong một tuần” vào thời điểm hiện nay là cần thiết và có cơ sở.
Về đề xuất tăng thêm một số ngày nghỉ trong năm, đại diện Tổng LĐLĐVN cho rằng với số ngày nghỉ lễ, tết trong năm hiện nay rất thấp, lao động trong nhiều ngành kinh tế chủ yếu là lao động di cư, địa hình đất nước ta lại trải dài theo hình chữ S, nên việc tăng thêm mỗi năm ít nhất 3 ngày nghỉ là cần thiết.
Do đó, Tổng LĐLĐVN đề xuất 2 phương án: Phương án 1: Nghỉ Quốc khánh 4 ngày từ 2-5.9 hàng năm (phương án này ngoài mang lại lợi ích chung cho tất cả mọi người, còn giúp các gia đình trẻ có thời gian, điều kiện chuẩn bị cho con bước vào năm học mới, bố mẹ đưa con đến trường trong ngày khai giảng năm học).
Phương án 2: Nghỉ 1 ngày vào Ngày Gia đình Việt Nam 28.6 và 2 ngày thêm vào ngày nghỉ Tết dương lịch.
Lao động