MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề nghị không hình sự hóa hành vi cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trái phép

24-05-2017 - 10:25 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo UBTVQH, trước mắt chưa nên hình sự hóa loại hành vi trung gian thanh toán mà chỉ cần xử phạt vi phạm hành chính là cũng bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa và phù hợp với chủ trương tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp.

Sáng nay ngày 24/5, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV bước vào phiên họp thứ 3 với các nội dung xoay quanh Luật Hình sự (sửa đổi).

Liên quan đến tội vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quy định tại Điều 206 BLHS năm 2015, có ý kiến đề nghị sửa tên điều luật thành “Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác có liên quan đến hoạt động ngân hàng” để phù hợp với phạm vi quy định tại Điều này. Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết, tiếp thu ý kiến ĐBQH, tên Điều 206 của dự thảo Luật đã được chỉnh lý là “Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.

Cũng có ý kiến đề nghị bổ sung hành vi cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán vào Điều 206 vì hành vi này ảnh hưởng lớn đến hoạt động bình thường của các tổ chức tín dụng cũng như ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Ý kiến khác đề nghị không bổ sung hành vi này.

UBTVQH nhận thấy, hành vi cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là lĩnh vực mới, cho đến nay Ngân hàng Nhà nước mới cấp phép cho khoảng 20 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, chưa có trường hợp nào bị xử phạt vi phạm hành chính và chưa có đánh giá cụ thể về các trường hợp cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trái phép và hậu quả do các đối tượng này gây ra. Do đó, trước mắt chưa nên hình sự hóa loại hành vi này mà chỉ cần xử phạt vi phạm hành chính là cũng bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa và phù hợp với chủ trương tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp.

Có ý kiến đề nghị bổ sung hành vi kinh doanh vàng trái phép, kinh doanh ngoại hối trái phép vì đây cũng là hành vi kinh doanh trái phép liên quan đến hoạt động ngân hàng. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung một điểm (điểm h) vào khoản 1 Điều 206 quy định về “Kinh doanh vàng trái phép hoặc kinh doanh ngoại hối trái phép”.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định “hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về cho vay trong hoạt động tín dụng”. UBTVQH nhận thấy, các hành vi vi phạm pháp luật về cho vay trong hoạt động tín dụng được xác định là nguy hiểm cho xã hội, cần phải xử lý hình sự đã được liệt kê cụ thể trong Điều 206 của BLHS năm 2015. Quy định này đã bảo đảm minh bạch và phù hợp.

Ngoài ra cũng có ý kiến đề nghị không quy định xử lý hình sự đối với hành vi “Cố ý nâng khống giá trị tài sản bảo đảm khi định giá để cấp tín dụng” tại điểm c khoản 1 Điều này vì Luật các tổ chức tín dụng không bắt buộc tổ chức tín dụng chỉ cấp tín dụng khi có tài sản bảo đảm và cũng không quy định định giá tài sản bảo đảm phải cao hơn giá trị khoản cấp tín dụng.

UBTVQH nhận thấy, thực tiễn xử lý tội phạm về hoạt động tín dụng, ngân hàng thời gian qua cho thấy hành vi cố ý nâng khống giá trị tài sản bảo đảm trong các trường hợp quy định phải có tài sản bảo đảm là hành vi nguy hiểm gây hậu quả nghiêm trọng, gây thất thoát tài sản của Nhà nước, tổ chức, cá nhân. Vì vậy, Điều 206 của BLHS năm 2015 quy định xử lý hình sự đối với hành vi này trong trường hợp gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng là phù hợp.

Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ hơn và tiếp thu ý kiến ĐBQH, điểm c khoản 1 Điều 206 của dự thảo Luật đã được chỉnh lý như sau: “...hoặc cố ý nâng khống giá trị tài sản bảo đảm khi thẩm định giá để cấp tín dụng đối với trường hợp phải có tài sản bảo đảm”.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên