MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề nghị tăng vốn dự án quan trọng quốc gia lên 20.000 tỷ

Chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị điều chỉnh mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia tăng so với quy định hiện hành, lên 20.000 tỷ đồng...

Sáng 4/4, hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã khai mạc, sau khi thảo luận các dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) trong ngày làm việc đầu tiên, sáng 5/4 dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) sẽ được cho ý kiến.

Không điều chỉnh tiêu chí môi trường

Thảo luận kỳ họp thứ sáu của Quốc hội, một trong những vấn đề còn nhiều băn khoăn là tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C.

Một số ý kiến đề nghị giữ nguyên các tiêu chí về tổng mức đầu tư trong phân loại các dự án như quy định hiện hành. Một số ý kiến khác cho rằng việc điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 35.000 tỷ đồng và điều chỉnh theo tỷ lệ tương ứng đối với các dự án nhóm A, B, C là mức điều chỉnh quá cao, dẫn tới khó kiểm soát.

Có ý kiến đề nghị xem xét đối với các tiêu chí dự án quan trọng quốc gia liên quan đến môi trường, đất rừng, đất lúa, dân cư để phù hợp với thực tiễn...

Dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, Luật Đầu tư công hiện hành đã quy định tại điều 11 về điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư công thực hiện trong trường hợp chỉ số giá có biến động lớn hoặc có điều chỉnh lớn về phân cấp đầu tư công… Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, chỉ số giá không có biến động lớn và việc phân cấp đầu tư công cơ bản ổn định.

Thực tiễn cho thấy, sau gần 4 năm thực hiện Luật Đầu tư công, chỉ số CPI đã tăng khoảng 15%, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế (GDP) bình quân của giai đoạn 2014-2018 tăng khoảng 6,55%/năm, so với thời điểm năm 2014, GDP năm 2018 tăng khoảng 37%, quy mô các dự án đầu tư công cũng lớn hơn.

Tổng mức tăng thêm của cả tăng trưởng kinh tế và tăng giá là khoảng 52%, theo đó, có thể điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án tăng lên khoảng 1,5 lần mức quy định tại Luật Đầu tư công hiện hành.

Tuy nhiên, để Luật sửa đổi lần này phù hợp với thực tiễn biến động giá cả, phân loại dự án phù hợp với quy mô ngân sách, đồng thời, bảo đảm Luật Đầu tư công (sửa đổi) sau khi được thông qua sẽ có được áp dụng phù hợp trong dài hạn, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị điều chỉnh mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia tăng so với quy định hiện hành, lên 20.000 tỷ đồng. Tương tự đối với các dự án nhóm A, B, C, đề nghị ở mức gấp 2 lần so với quy định hiện hành.

Đối với các tiêu chí dự án quan trọng quốc gia liên quan đến môi trường, đất rừng, đất lúa, dân cư, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, qua rà soát cho thấy, quy định về tiêu chí dự án quan trọng quốc gia liên quan đến môi trường, đất rừng, đất lúa, dân cư... được quy định thống nhất tại 2 luật là Luật Đầu tư công hiện hành và Luật Đầu tư.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các tiêu chí dự án liên quan đến tác động môi trường, sử dụng đất rừng, đất lúa, tác động đến dân cư... nêu trên đều là những vấn đề quan trọng của quốc gia, cần phải được xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời để bảo đảm tính thống nhất về chính sách được quy định ở các luật khác.

Do đó, xin không điều chỉnh các tiêu chí liên quan đến môi trường, diện tích đất rừng, đất lúa, dân cư… đối với phân loại dự án quan trọng quốc gia trong dự thảo luật.

Cũng là tài liệu phục vụ hội nghị đại biểu chuyên trách, báo cáo của cơ quan thẩm tra dự án luật (Uỷ ban Tài chính- ngân sách của Quốc hội phản ánh một số ý kiến cho rằng, chưa cần thiết điều chỉnh tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, đề nghị giữ ở mức vốn 10.000 tỷ đồng vì giai đoạn 2016-2020 chỉ có 2 dự án; tiêu chí dự án nhóm A, B, C cần phân tích kỹ hơn cơ sở điều chỉnh, có thể tăng lên mức 1,5 lần so với Luật Đầu tư công hiện hành để tăng cường phân cấp.

Cấp bù lãi suất cũng là đầu tư công

Giải trình về đối tượng và phân loại dự án đầu tư công, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc bổ sung đối tượng cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý; cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng chính sách, quỹ và hỗ trợ các đối tượng chính sách khác theo quy định của Chính phủ là các dự án đầu tư công, đặc biệt cân nhắc việc hỗ trợ cho Ngân hàng phát triển Việt Nam chưa bảo đảm hiệu quả.

Giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là, thời gian qua, ngân sách Nhà nước vẫn cấp vốn điều lệ và cấp bù chênh lệch lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Đây là trách nhiệm của Nhà nước khi giao trách nhiệm cho các ngân hàng cho vay để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội với lãi suất ưu đãi, phù hợp với định hướng từng thời kỳ.

Do đó, xin được giữ quy định các khoản chi trên là chi đầu tư phát triển như dự thảo luật đã trình Quốc hội. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý, nghiên cứu quy định cụ thể để kiểm soát chặt chẽ, làm rõ trách nhiệm đối với việc quản lý, sử dụng hiệu quả khoản chi này.

Đối với việc cấp vốn điều lệ cho các quỹ,  báo cáo nêu rõ, theo quy định tại khoản 11 điều 8 của Luật Ngân sách nhà nước, ngân sách nhà nước không hỗ trợ cho các quỹ tài chính ngoài ngân sách. Trường hợp được ngân sách nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ theo quy định của pháp luật thì phải đảm bảo với khả năng của ngân sách nhà nước.

Do vậy, để quản lý chặt chẽ nguồn vốn này, dự thảo luật mới vẫn giữ quy định nội dung cấp vốn điều lệ tại dự thảo luật đã trình Quốc hội.

Theo đó, khoản 7 điều 5 về đối tượng đầu tư công quy định: Cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý; cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng chính sách, quỹ và hỗ trợ các đối tượng chính sách khác theo quy định của Chính phủ.

Theo Nguyễn Lê

Vneconomy

Trở lên trên