MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Để nhà băng nội hấp dẫn đối tác ngoại

27-11-2017 - 14:16 PM | Tài chính - ngân hàng

Hệ thống NH vẫn còn rất nhiều việc phải làm, phải cải tổ để có sự chuyển biến tích cực một cách rõ nét trong mắt các nhà đầu tư. Để khi đó không đơn thuần là sự kêu gọi, mà các nhà đầu tư có thể tự tìm tới các NH Việt.

TS. Nguyễn Trí Hiếu
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia tài chính
293 bài viết

Trong báo cáo cuối tháng 10 vừa qua, Moody’s nâng triển vọng đối với hệ thống NH Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực” trong vòng 12-18 tháng tới. Trên thị trường, cổ phiếu NH đang trong xu hướng đi lên, kết quả kinh doanh của nhiều nhà băng công bố tính đến thời điểm này tương đối sáng sủa… cũng là điều kiện để nhà băng Việt thêm sức hút với các nhà đầu tư ngoại.

Gần đây nhất, quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF) của VinaCapital vừa đầu tư khoảng 11 triệu USD vào OCB, đồng nghĩa với việc sở hữu gần 5% cổ phần tại NH này. Lãnh đạo của HDBank cũng cho biết, NH đang lên kế hoạch chào bán cho các nhà đầu tư nước ngoài khoảng 20% vốn điều lệ nhà băng. Qua đó dự kiến thương vụ này sẽ giúp HDBank thu về khoảng 300 triệu USD…


Nỗ lực tự thân của nhà băng là yếu tố quan trọng nâng cao giá trị NH

Nỗ lực tự thân của nhà băng là yếu tố quan trọng nâng cao giá trị NH

Mục tiêu hút vốn ngoại của nhiều NH để nâng cao năng lực tài chính, đẩy mạnh tái cơ cấu. Song công cuộc tìm đối tác ngoại phù hợp theo các chuyên gia đánh giá vẫn cần thời gian mới có thể khẳng định.

Chia sẻ với phóng viên Thời báo Ngân hàng, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng thế nào là “phù hợp” thì chỉ có bản thân các NH mới biết chính xác, tùy theo cách nhìn nhận của họ trong việc lựa chọn đối tác kinh doanh. “Cốt yếu là nhà đầu tư phải có được sự tin cậy. Việc thu hút được nhà đầu tư hay không không nằm ở việc kết quả kinh doanh công bố, mà phụ thuộc vào số liệu công bố đó có mức độ tin cậy tới đâu, phải thông qua kiểm toán để định giá, đánh giá…”, TS. Độ nêu ý kiến.

Chuyên gia này cũng nhận thấy, để mời gọi được các đối tác rót vốn vào NH tập trung nằm ở hai yếu tố. Thứ nhất là quyền kiểm soát NH. Bởi nếu họ góp vốn, nhưng lại chẳng có quyền, thì gần như chẳng ai mặn mà cả. Thứ hai là giá cả hợp lý. Tất nhiên, cũng có những đối tác không quá quan trọng chuyện có thể kiểm soát nhà băng đó không, mà chỉ đơn giản góp phần vốn để hưởng cổ tức, hài lòng với việc làm cổ đông nhỏ giữ 5% hoặc dưới 5% vốn góp. Khi đó lại phụ thuộc vào khả năng sinh lời của NH đó như thế nào. Còn những nhà đầu tư quan tâm nhiều đến quyền điều hành thì tất nhiên họ luôn muốn tăng tỷ lệ sở hữu.

Do đó, để hút vốn ngoại đã có nhiều ý kiến bày tỏ nên xem xét việc mở room cho các nhà đầu tư. Hiện nay, room cho nhà đầu tư nước ngoài ở NH Việt tối đa 30% cổ phần theo quy định, trong đó một nhà đầu tư chiến lược nắm giữ tối đa 20%. Chốt chặn 30% khiến nhiều đối tác chiến lược tầm cỡ không có điều kiện điều hành, quản trị NH theo chuẩn mực của họ. “Phải mạnh dạn hơn trong việc mở cho đối tác ngoại, ít nhất ở thời điểm này nên cho họ quyền kiểm soát mạnh mẽ hơn, ở mức 49%”, một chuyên gia nêu ý kiến.

Thêm nữa, theo chuyên gia, kinh doanh phải cân bằng giữa lợi ích và chi phí. Nhà đầu tư sẽ xét khả năng sinh lời của NH đó trong dài hạn, liệu có thể mở rộng kinh doanh sang những lĩnh vực khác hay không, chứ không thể chỉ nhìn trong ngắn hạn. Thuận mua thì vừa bán, cũng giống như giá cổ phiếu trên sàn. Người bán thì nghĩ là đắt rồi nhưng người mua vẫn nghĩ là rẻ, mỗi người sẽ có những đánh giá khác nhau. Giá cả phải có sự tương đồng với chất lượng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định thị trường chứng khoán có sự tăng điểm, các cổ phiếu NH theo đó cũng chuyển biến tích cực, kết quả kinh doanh tốt hơn nên các NH sẽ thuận lợi hơn trong tìm kiếm đối tác. Nhưng chuyên gia này cho hay việc kêu gọi vốn từ nhà đầu tư nước ngoài không phải chuyện đơn giản.

Theo TS. Hiếu, phải thẳng thắn nhìn nhận các nhà đầu tư nước ngoài lâu nay có phần e ngại nhảy vào thị trường nội địa bởi họ thấy rằng việc huy động vốn hay cho vay còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cần giải quyết như lợi ích nhóm, nợ xấu… Khi có ý định đặt chân vào một nhà băng nào đó, chắc chắn họ sẽ phải tiến hành điều tra sơ khởi. Một trong những trở ngại của nhà đầu tư nước ngoài là nợ xấu, tài sản không sinh lời của các NH. Bên cạnh những vấn đề về tài sản, vấn đề nội bộ ngành NH, về quản lý rủi ro cũng cần thật minh bạch.

“Báo cáo tài chính, thông tin công bố không rõ ràng thì bản thân nhà đầu tư cũng không biết định giá NH Việt Nam như thế nào. Vì giá liên quan chặt chẽ tới mức độ rủi ro. Tài sản của một NH rủi ro ít thì giá phải trả khi tham gia đầu tư sẽ cao và ngược lại. Giá cả tuỳ thuộc vào sự thẩm định tình hình tài chính của các NH Việt Nam”, TS. Hiếu chia sẻ.

Xếp hạng tín nhiệm quốc gia nói chung và xếp hạng tín nhiệm ngân hàng nói riêng cũng là yếu tố để các nhà đầu tư ngoại cân nhắc. Xét về triển vọng, lãnh đạo một NHTM cho rằng năm 2017 có sự tăng trưởng tương đối tốt, môi trường kinh doanh đã có nhiều cải tiến trong khuyến khích thúc đẩy đầu tư. “Tuy vậy, hệ thống NH vẫn còn rất nhiều việc phải làm, phải cải tổ để có sự chuyển biến tích cực một cách rõ nét trong mắt các nhà đầu tư. Để khi đó không đơn thuần là sự kêu gọi, mà các nhà đầu tư có thể tự tìm tới các NH Việt”, vị này cho hay.

Theo Khuê Nguyễn

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên