Để nhận sổ đỏ, 44% người dân tiết lộ từng phải chi “lót tay”
Khảo sát của Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2015 cho thấy, có khoảng 44% số người đã làm thủ tục liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong năm 2015 phải đưa hối lộ mới làm xong được thủ tục. Con số này tăng gần gấp đôi so với tỷ lệ ước tính 24% năm 2014.
Theo kết quả khảo sát mới nhất của PAPI, có sự gia tăng đột biến ở tỷ lệ người dân trong việc phải chi “lót tay” để làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Cụ thể, ước tính có khoảng 44% số người đã làm thủ tục liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong năm vừa qua phải đưa hối lộ mới làm xong được thủ tục trong năm 2015, tăng gần gấp đôi so với tỷ lệ ước tính 24% năm 2014.
Ngược lại, số người sử dụng dịch vụ y tế bệnh viện tuyến huyện/quận phải đưa “lót tay” cho cán bộ để được chăm sóc tốt hơn vẫn ổn định ở tỷ lệ 12% qua hai năm 2014 và 2015.
Về bồi thường thu hồi đất, khảo sát chỉ ra phần lớn những người cho biết họ hoặc gia đình họ bị thu hồi đất trong năm vừa qua đã nhận bồi thường bằng tiền mặt để tự lo nơi ở mới. Tỷ lệ người dân cho biết gia đình họ không nhận được bồi thường tăng từ gần 24% (năm 2014) lên 27,5% (năm 2015), và tỷ lệ này vẫn còn khá cao.
“Rất có thể phần đất bị thu hồi chỉ chiếm một phần nhỏ trong diện tích đất ở người dân đang sử dụng, và do đó không có bồi thường. Một khả năng khác là do người sở hữu mảnh đất không được bồi thường đó không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mặc dù hộ gia đình họ có thể ở trên mảnh đất đó qua nhiều đời”, báo cáo lý giải.
Về mức độ hài lòng với bồi thường đất đai, đa số những người trả lời bị thu hồi đất không hài lòng với việc thực hiện chính sách bồi thường ở địa phương.
Theo đó, chỉ khoảng 30% số người bị thu hồi đất trong năm qua cho biết họ nhận được bồi thường xấp xỉ giá trị thị trường. Trong số những người trả lời cho biết người dân trong cùng xã/phường bị thu hồi đất, 48% nói rằng giá bồi thường xấp xỉ giá thị trường.
Khảo sát của PAPI 2015 cũng nhận định, các nhóm có đặc điểm nhân khẩu khác nhau chịu sự tác động khác nhau của việc thực hiện chính sách đất đai ở địa phương. Phần lớn những người cho rằng các vấn đề liên quan đến đất đai đến từ những hộ gia đình bị thu hồi đất trong thời gian vừa qua.
Đáng lưu ý là có sự khác biệt về quan điểm và trải nghiệm của nhóm dân tộc thiểu số và nhóm người Kinh. Những người là đồng bào thiểu số đã bị thu hồi đất trong thời gian qua có xu hướng cho rằng đất đai là vấn đề đáng quan ngại nhất.
Trong khi đó chỉ có 6% (cả 2 nhóm đa số và thiểu số) không bị thu hồi đất cho rằng đất đai là điều đáng quan ngại nhất. Tỷ lệ này trong nhóm người Kinh đã bị thu hồi đất là 8% và trong nhóm người đồng bào thiểu số đã bị thu hồi đất là 13%.
BizLIVE