'Đệ nhất lừa đảo' từ thiện ở Mỹ: Quyên góp được hàng tỷ USD rồi dùng tiền mua nhà, bao nuôi bồ nhí, kết cục ngồi tù và chết vì ung thư trong đau đớn
Điều hành tổ chức từ thiện trị giá hàng tỷ USD nhưng William Aramony lại dùng tiền để mua nhà, bao nuôi bồ nhí.
Vào năm 2011, giới truyền thông Mỹ có đưa một mẩu tin ngắn về William Aramony, một cụ già 84 tuổi qua đời ở Alexandria-Mỹ. Rất ít người biết rằng người đàn ông này từng tạo nên đế chế United Way of America, một trong những tổ chức từ thiện lớn nhất nước Mỹ và cũng là nhà đi tiên phong cho kiểu áp dụng marketing vào kêu gọi quyên góp.
Thế nhưng việc gọi được quá nhiều tiền đã khiến nhà sáng lập này mờ mắt, lợi dụng lòng tin để dùng số tiền quyên góp chi thú vui xa xỉ, bao nuôi bồ nhí chưa đủ tuổi vị thành niên và phải vào tù.
William Aramony năm 1992
Trong khoảng thời gian 22 năm khi Aramony còn là giám đốc của United Way, từ năm 1970 đến 1992, ông là một trong những người có vị thế khá lớn tại Mỹ. Tổ chức từ thiện do ông điều hành đã xây dựng được hơn 2.100 chi nhánh trên cả nước và tham gia hầu như mọi hoạt động từ thiện.
Trước khi Aramony trở thành CEO của United Way, tổ chức từ thiện này thậm chí còn chẳng có sứ mệnh hay tiêu chí rõ ràng. Thế nhưng bằng sự khôn khéo của mình, Aramony đã áp dụng các chiến lược marketing và trả phí môi giới hoa hồng nhằm biến từ thiện thành ngành kinh doanh béo bở cho bản thân.
Con đường lừa đảo
William Aramony sinh ngày 27/7/1927 tại Jewett City-Mỹ. Gia đình ông vốn nhà những người nhập cư từ Lebanon. Sau khi tốt nghiệp đại học Boston vào năm 1951, Aramony nhập ngũ 2 năm làm chuyên viên tư vấn tâm lý cho các cựu chiến binh. Năm 1954, ông gia nhập "United Community Funds and Council of America" làm nhân viên kế hoạch và chỉ mất 4 năm để leo lên chức CEO.
Thời kỳ đầu khi Aramony mới gia nhập, United Community là một tổ chức từ thiện có cơ cấu hoạt động cũ từ thế kỷ 19. Mối liên kết của tổ chức này với hàng nghìn chi nhánh từ thiện là rất yếu do vẫn vận hành theo phong cách cũ. Để cải tiến, Aramony đã cho đổi tên tổ chức thành United Way of America rồi thuê nhà thiết kế nổi tiếng Saul Bass tạo nên logo cho quỹ nhằm gia tăng danh tiếng.
Vị CEO này đã bay đến từng chi nhánh, thuyết phục mọi người dùng logo thống nhất cũng như triển khai kêu gọi quyên góp theo đường lối mới do ông vạch ra dù không thay đổi nhân sự. Theo đó tổ chức từ thiện sẽ áp dụng các chiến dịch marketing, trả phí hoa hồng cho những nhà môi giới giúp kêu gọi được tiền từ thiện cũng như tạo lợi ích cho nhân viên nhằm khuyến khích tìm kiếm nguồn tiền mới.
Ông Aramony và vợ
Năm 1973, Aramony làm cả giới từ thiện bất ngờ với nước đi tiên phong trong việc hợp tác với giải bóng bầu dục NFL. Bước đi này giúp United Way quảng cáo miễn phí cho các hoạt động từ thiện trong các trận đấu. Tất nhiên để có thể tiết kiệm được khoản tiền nhiều triệu USD quảng cáo kêu gọi từ thiện, United Way cũng phải "vận động hành lang" với các quan chức của giải. Theo những gì tổ chức này công bố, họ trích 1% tiền quyên góp được chi trả phí cho các dịch vụ và đối tác.
Việc áp dụng chiến thuật marketing và trả phí môi giới cho những người giúp kêu gọi tiền từ thiện khiến United Way lớn mạnh nhanh chóng. Năm 1981, Tổng thống Ronald Reagan đắc cử và ông đã bổ nhiệm Aramony vào hội đồng cố vấn tư nhân của mình nhằm đóng góp ý kiến chuyên gia cho vấn đề an sinh xã hội.
Cách làm từ thiện của Aramony cũng trở thành một quy chuẩn mới cho các tổ chức từ thiện khi trả phí môi giới cho các chương trình quyên góp cũng như kích thích các nhà môi giới, nhân viên tìm kiếm nguồn tiền đóng góp.
Trong khoảng thời gian Aramony điều hành United Way, tổ chức này đã nhận được quyên góp tới 3,1 tỷ USD, nhiều gấp 4 lần so với mức 787 triệu USD trước khi ông gia nhập. Mức lương dành cho Aramony thời đó cũng vào khoảng 460.000 USD, thuộc hàng cao nhất thời đó và nhiều người đã chỉ trích vì số tiền này cùng căn hộ sang trọng tại New York của ông không thuyết phục khi dùng tiền từ thiện.
CEO Aramony khi đó đã phản bác rằng mình cũng cần chi phí để xây dựng hình ảnh bản thân cũng như tìm kiếm mối quan hệ xã hội nhằm kêu gọi quyên góp.
Sụp đổ
Năm 1992, hình tượng của Aramony sụp đổ khi ông buộc phải từ chức do những cáo buộc biển thủ, lừa đảo và một cuộc điều tra nội bộ diễn ra. Câu chuyện bắt đầu từ những cáo buộc ông chi nhiều tiền bao nuôi cô bồ nhí mới tốt nghiệp cấp 3 từ năm 1986 cùng hàng loạt những khoản chi xa xỉ khác.
Trong phiên tòa năm 1994, Aramony bị cáo buộc chiếm đoạt 1 triệu USD của những nhà quyên góp với 71 tội danh gồm gian lận, trốn thuế, rửa tiền... Khoảng 80.000 USD được cho là đã bị Aramony dùng để bao nuôi các cô bồ nhí khác nhau với những chuyến du lịch xa xỉ. Ông cũng được cho là vung tiền vào các hoạt động như đánh bạc, thuê xe xịn hay ăn tối trong các nhà hàng sang trọng từ nguồn quỹ từ thiện trên.
Phía Aramony bào chữa rằng những khoản chi xa hoa mà mọi người nhắc đến là để đánh bóng tên tuổi và mở rộng mối quan hệ xã hội trong giới thượng lưu nhằm kêu gọi quyên góp, nhưng Tòa án đã bác bỏ và cho rằng chúng đã cấu thành hành vi gian lận công chúng. Luật sư của Aramony cố cứu vớt bằng luận điểm thân chủ của mình bị chấn thương sọ não và mất trí nhưng chẳng ai tin.
Cuối cùng vị CEO từng được cho là người đi tiên phong trong ngành từ thiện bị phạt 7 năm tù với khoản bồi thường lên đến 300.000 USD. Kể cả khi đã ngồi tù, Aramony vẫn cố kiện United Way số tiền 4,2 triệu USD bồi thường cho những đóng góp của mình với tổ chức và sau hàng loạt vụ kiện tụng, Tòa chấp nhận cho Aramony được nhận một phần tiền bồi thường. Tuy nhiên do phải thanh toán các khoản phí, thuế và bồi thường thiệt hại trước đó nên số tiền ông nhận được thực tế chỉ có 7.781 USD.
Aramony ra tù vào năm 2001 và qua đời tại nhà riêng vào năm 2011 vì ung thư, chấm dứt câu chuyện về kẻ gian lận từng được mệnh danh là người đi tiên phong cho mảng từ thiện của Mỹ.
Doanh nghiệp và tiếp thị