MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Để nông sản Việt giảm phụ thuộc thị trường Trung Quốc – Bài học từ gạo

Khi dịch Covid-19 xảy ra ở Trung Quốc, phần lớn hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này đều sụt giảm, nhất là các mặt hàng nông sản tươi sống, rau củ quả và thủy sản...

Nhưng có một loại nông sản không bị ảnh hưởng mà còn tăng giá và sản lượng xuất khẩu tốt, đó là gạo. Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Intimex đã chia sẻ với BizLIVE về vấn đề này.

Xin ông cho biết tình hình xuất khẩu gạo vào thị trường Trung Quốc trong thời gian qua?

Năm 2017, Trung Quốc nhập khẩu 2,29 triệu tấn gạo của Việt Nam (chiếm 38,2% thị phần), năm 2018 chỉ còn 1,33 triệu tấn, chiếm chưa đến 22%. Năm 2019, quota Trung Quốc dành cho gạo Việt Nam là 400 ngàn tấn, cộng các khoản khác chưa được 500 ngàn tấn, chiếm 7,64%. Con số này không có ý nghĩa gì so với lượng gạo xuất khẩu trên dưới 6,5 triệu tấn/năm của Việt Nam. Năm 2020, Trung Quốc tiếp tục cấp hạn ngạch bằng 2019.

Là thị trường lớn xuất khẩu gạo mỗi khi Trung Quốc thay đổi chính sách, lập tức ảnh hưởng lớn đến thương mại gạo Việt Nam, nhưng từ khi cơ cấu lại thị trường xuất khẩu gạo, trong đó giảm tỷ trọng gạo xuất sang Trung Quốc, thương mại gạo của Việt Nam tăng trưởng rất ổn định và mở được nhiều thị trường mới. Điều đó cho thấy, cơ cấu về mặt thị trường hàng hóa nếu doanh nghiệp chịu khó mở rộng thị trường và có cách bán hàng phù hợp thì cơ hội là hoàn toàn có thể.

Để giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nông sản Việt mở nhiều thị trường, nhưng mở rộng thị trường bằng con đường giá cả hay là bằng con đường chất lượng?

Khi doanh nghiệp quyết định mở rộng thị trường phải bán cái thị trường cần, chứ không phải bán cái doanh nghiệp có. Lâu nay, chúng ta vào thị trường Trung Quốc là bán cái mình có nên thường xuyên bị ép giá.

Doanh nghiệp muốn đưa một sản phẩm nông sản vào thị trường nào, điều trước tiên là phải hiểu thật kỹ thị trường đó, nếu doanh nghiệp bán cái thị trường cần thì chỉ cần sản xuất những sản phẩm mà thị trường đó có nhu cầu và đặt hàng, còn doanh nghiệp thì khuyến khích người sản xuất đầu tư vùng nguyên liệu sản phẩm đó, hay chế biến theo tiêu chuẩn của sản phẩm đó. Tuy nhiên, nếu chỉ bán một sản phẩm độc quyền cho một thị trường thì rủi ro là rất cao.

Ví dụ, các nước đạo hồi người dân chỉ ăn gạo đồ, muốn bán gạo đồ sang thị trường này doanh nghiệp phải đầu tư trang thiết bị phù hợp để chế biến.

Theo ông mặt hàng gạo giảm phụ thuộc vào Trung Quốc thành công phần là nhờ vào yếu tố gì?

Thành công của ngành gạo bên cạnh nỗ lực còn có may mắn, khi gặp khó khăn ở thị trường Trung Quốc chúng ta có thị trường Philippines, và khi thị trường Philippines mở ra thì chúng ta có sản phẩm phù hợp đưa vào ngay, nếu chậm chân sẽ có người khác thay thế vì việc cạnh tranh ở một thị trường mới là rất khó.

Đặc biệt, Philippines là thị trường gần nhất và có chi phí giá thành thấp nhất, người tiêu dùng Philippines cũng rất thích gạo Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng ta bán gạo sang châu Phi khoảng 1,4 tấn/năm, cao gấp 3 lần so với thị trường Trung Quốc.

Như vậy có thể nói chúng ta có đủ ba yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" giúp ngành gạo giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu chúng ta không nỗ lực thì các yếu tố trên sẽ không có và cơ hội sẽ không đến.

Để giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, có phải nông sản Việt Nam phải có sự chuyển mình ngay từ bây giờ? 

Đúng vậy, và đây chính là dịp để chúng ta chuyển mình và đương nhiên doanh nghiệp phải có các chương trình xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ, đánh giá thị trường… thông qua các chương trình thương mại của các hiệp hội ngành hàng để tạo ra cơ hội.

Bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ của Chính phủ cụ thể là Bộ Công Thương và Bộ NN-PTNT thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, định hướng chiến lược kinh doanh… cho từng loại sản phẩm nông sản vào thị trường càng kỹ, càng sâu thì càng tốt.

Một trong những điều kiện quyết định để nông sản Việt vào các thị trường lớn đó là vấn đề truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm, đóng gói, bao bì... cơ sở vật chất cho chúng ta đã có, nhưng để có tiền đầu tư không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng tài chính. Tuy nhiên, nếu có một doanh nghiệp đi tiên phong và thành công thì các đơn vị khác đi theo và cơ hội thuyết phục ngân hàng cũng dễ hơn.

Intimex từng xuất khẩu gạo vào Trung Quốc với khối lượng lớn, từ khi Trung Quốc thay đổi chính sách nhập khẩu Intimex thay đổi thị trường như thế nào?

Cách đây 5 năm, khi mới tham gia thương mại gạo nên khối lượng tương đối nhỏ, nhưng những năm gần đây Intimex là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam.

Chúng tôi nhận thấy rằng, để làm được như vậy điều quan trọng nhất là tìm thị trường và mở rộng thị trường và chúng tôi quan niệm không "gom trứng vào cùng một giỏ", nên khi gặp khó khăn ở thị trường Trung Quốc, Intimex lập tức chuyển đổi thị trường khác, và khi trở lại thị trường này chúng tôi không bị ảnh hưởng mà còn tăng trưởng rất nhanh.

Năm 2018, công ty chỉ xuất 200.000 tấn gạo sang Trung Quốc, khi chuyển đổi cơ cấu và mở rộng thị trường năm 2019 đã tăng trên 500.000 tấn gạo, phấn đấu trong năm 2020 sẽ xuất khẩu 600.000 tấn gạo, chiếm gần 9,23% tổng khối lượng gạo xuất khẩu cả nước (dự trù xuất khẩu 6,5 triệu tấn).

Xin cảm ơn ông!

Để nông sản Việt giảm phụ thuộc thị trường Trung Quốc – Bài học từ gạo - Ảnh 1.

Theo Quang Trí

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên