Để tham gia thương trường, "một nửa" Ấn Độ đã vượt qua định kiến bằng trái tim và khối óc phi thường
Việc khởi nghiệp tại Mumbai, Ấn Độ là điều cực kỳ khó khăn. Với một phụ nữ, đó gần như là điều không tưởng. Nhưng giờ đây, thực tế đó đã ít nhiều thay đổi, chân trời mới cho các doanh nghiệp nữ dường như đang rộng mở hơn chút ít.
Sneha Daftary được coi là nữ doanh nhân tiên phong tại Mumbai trong suốt một thập kỉ qua. Sau khi tốt nghiệp tại Toni&Guy - trung tâm đào tạo công nghiệp làm đẹp hàng đầu tại Singapo - cô quay trở lại Mumbai và tự mở một cửa tiệm tại trung tâm Kemps Corner.
Pooja Dhingra, 29 tuổi, sống tại phía nam quận Colaba của Mumbai, sở hữu thương hiệu cà phê Le 15 cùng một trung tâm nấu ăn. Cô cũng tạo nên dấu ấn riêng trong xã hội với hương vị bánh macarons theo phong cách Ấn Độ. Trả lời phỏng vấn CNN, Pooja Dhingra nói: “Khi bắt đầu khởi nghiệp, tôi phải đối mặt với hai thách thức: thứ nhất, tôi còn quá trẻ. Thứ hai, ngành công nghiệp thực phẩm từ trước đến nay vẫn chỉ dành cho nam giới”.
Những chiếc bánh cupcake do chính tay Pooja Dhingra tạo ra.
Sneha Daftary và Pooja Dhingra là hai đại diện của làn sóng đang diễn ra âm thầm ở Ấn Độ trong suốt một thập kỷ qua: Sự dấn thân vào thương trường của phụ nữ. Nhưng để bước đi trên con đường “được trải hoa hồng” như ngày hôm nay, họ đã phải làm việc với một trái tim và khối óc phi thường để thực hiện mơ ước. Bên cạnh các yếu tố gây trở ngại như sự cạnh tranh khốc liệt, giá thuê mặt bằng đắt đỏ, trở ngại lớn nhất của họ chính là định kiến vẫn tồn tại trong xã hội Ấn Độ bấy lâu nay.
Tuy ngày nay, xã hội Ấn Độ đã có ít nhiều thay đổi nhưng lao động nữ vẫn phải đương đầu với nhiều ánh mắt soi xét cũng như áp lực từ xã hội. Họ mặc định phụ nữ sinh ra phải “chôn chân” trong gian bếp, thân phận như “cỏ dại” không được phép quyết định bất cứ chuyện gì. Với những người phụ nữ Ấn, để có thoát ra ra khỏi hàng trăm thứ phép tắc khắc nghiệt ấy đòi hỏi họ một sức mạnh và ý chí vô cùng kiên cường.
Tuy nhiên, Sneha Daftary và Pooja Dhingra đều tự tin, sự nổi lên của các doanh nhân nữ tại Mumbai đang diễn ra theo chiều hướng tích cực. Theo Sneha Daftary, suy nghĩ thế hệ trẻ ngày nay đã khác trước.
“Ai cũng muốn bước ra khám phá thế giới, khẳng định bản thân và xây dựng doanh nghiệp của chính mình. Với các thế hệ đi trước, chỉ những công việc như bác sĩ, kĩ sư hay luật sư mới giành được sự tôn trọng, nhưng với tôi, dù bạn chỉ là tay thợ ảnh nhưng lao động một cách chân chính, tôi vẫn coi trọng bạn”, cô nói.
Theo báo cáo mới nhất của Tập đoàn Tài chính Quốc tế, hiện Ấn Độ có gần 30 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ, 10% trong số đó do phụ nữ làm chủ. Những doanh nghiệp kiểu này mang lại “miếng cơm manh áo” cho 70 triệu lao động, trong đó có 8 triệu người lao động nữ, đồng thời đóng góp 11,5% nền GDP nước nhà.`