MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Đẻ” thêm rồi... “cắt giảm”: Nhiều doanh nghiệp nông nghiệp bức xúc vì các thủ tục hành chính bất hợp lý

“Đẻ” thêm rồi... “cắt giảm”: Nhiều doanh nghiệp nông nghiệp bức xúc vì các thủ tục hành chính bất hợp lý

Nhiều hiệp hội cho rằng một số cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã “đẻ” thêm thủ tục rồi cắt giảm để báo cáo thành tích...

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) khẳng định đã nỗ lực cắt giảm thủ tục kinh doanh để tạo thông thoáng cho doanh nghiệp, thế nhưng lại đang bị các doanh nghiệp và nhiều hiệp hội kêu ca về sự bất hợp lý trong nhiều thủ tục hành chính, gây tốn thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Thậm chí, nhiều hiệp hội cho rằng một số cơ quan thuộc Bộ đã “đẻ” thêm thủ tục rồi cắt giảm để báo cáo thành tích.

Trong khi đó, Bộ NN&PTNT cho biết những năm qua Bộ này đã nỗ lực thực hiện xây dựng thể chế; cải cách hành chính mà trọng tâm là cắt giảm thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự chuyển biến tích cực trong giải quyết thủ tục; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành, sản phẩm.

DOANH NGHIỆP THỨC ĂN CHĂN NUÔI BỨC XÚC

Giữa tháng 5/2021, Hiệp hội Sản xuất và kinh doanh thuốc thú y Việt Nam gửi Công văn đến Cục Chăn nuôi, kiến nghị dừng yêu cầu thực hiện hợp quy đối với sản phẩm thức ăn chăn nuôi.

Theo đó, Thông tư số 04/2020/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT, đưa ra quy định, trước khi lưu thông trên thị trường, tổ chức, cá nhân kinh doanh thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản trên lãnh thổ Việt Nam phải công bố hợp quy đối với thức ăn chăn nuôi thương mại, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản. Thời gian bắt buộc phải thực hiện hợp quy sẽ bắt đầu từ 1/7/2021.

Ông Hoàng Triều, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và kinh doanh thuốc thú y Việt Nam, cho rằng hiện đã có nhiều quy định đảm bảo chất lượng thức ăn chăn nuôi. Khi đăng ký lưu hành, sản phẩm thức ăn chăn nuôi đã được kiểm nghiệm tại phòng thí nghiệm được chỉ định của Bộ NN&PTNT.

Bên cạnh đó, tất cả thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước đều được sản xuất tại nhà máy đủ điều kiện do Cục Chăn nuôi cấp và đánh giá giám sát định kỳ. Đối với sản phẩm nhập khẩu, phải có GMP, HACCP, FAMI-QS hoặc ISO. Khi nhập về phải kiểm tra chất lượng thông quan.

Ngoài ra, sản phẩm bảo quản trong kho cũng như lưu hành trên thị trường đều được các cơ quan chuyên ngành như: Chi cục Chăn nuôi và thú y địa phương, Chi cục Quản lý thị trường, thanh tra liên ngành... thường xuyên thực hiện kiểm soát chất lượng.

Việc các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi phải làm thêm thủ tục công bố hợp quy sau khi đã làm đầy đủ hàng loạt các thủ tục trên là không cần thiết và gây lãng phí, làm đội giá thành sản phẩm và không ai khác chính bà con nông dân phải gánh khoản chi phí vô lí này.

Ông Hoàng Triều, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và kinh doanh thuốc thú y Việt Nam

Theo Hiệp hội Sản xuất và kinh doanh thuốc thú y Việt Nam, thế giới không có hợp quy thức ăn chăn nuôi. Còn đối với công bố hợp quy an toàn thực phẩm, hiện Bộ Y tế cũng đã bãi bỏ.

Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco Việt Nam, chia sẻ: “Khi chúng tôi làm việc nhiều với cơ quan hải quan, họ bảo không hiểu ngành nông nghiệp quy định nhập khẩu thức ăn chăn nuôi thế nào mà mất nhiều thời gian thế, suốt ngày nợ hồ sơ nhập khẩu, trong khi bên y tế phụ trách thực phẩm cho người cũng không quy định khắt khe đến vậy. Nhà sản xuất đối tác không hiểu tại sao Việt Nam quy định hợp quy để làm gì, trong khi đó họ có đầy đủ giấy tờ chứng nhận, tiêu chuẩn quốc tế như GMP, HACCP, FAMI-QS hoặc ISO và CFS”.

“Chất lượng sản phẩm thức ăn chăn nuôi không phụ thuộc vào cái tem nhãn hợp quy đó nên kiến nghị Bộ NN&PTNT bãi bỏ thủ tục hợp quy sớm ngày nào tốt ngày đó để giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời phù hợp với chủ trương của Nhà nước về việc cắt giảm thủ tục, chi phí hành chính, tạo môi trường lành mạnh cho doanh nghiệp phát triển” ông So kiến nghị.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, việc thực hiện công bố hợp quy sẽ gây lãng phí thời gian, nhân lực đối với doanh nghiệp do phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trùng lặp, phức tạp, làm tăng chi phí sản xuất như chi phí kiểm nghiệm, chi phí in lại bao bì, nhãn mác, thay trục lô...

"Đây là một trong những nguyên nhân làm tăng giá thành sản phẩm thức ăn chăn nuôi trước bối cảnh bệnh dịch hoành hành, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao", ông Sơn bức xúc.

Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Dương Tất Thắng, cho biết đã nhận được Công văn kiến nghị của Hiệp hội Sản xuất và kinh doanh thuốc thú y Việt Nam. Từ ngày 1/7 tới là thời điểm bắt buộc các doanh nghiệp hoàn thành thủ tục hợp quy thức ăn chăn nuôi.

Riêng QCVN 01:190 đối với thức ăn bổ sung đã có hiệu lực từ 1/7/2020. Thông tư số 04/2020 là cụ thể hóa những quy định tại Nghị định 74/2018/NĐ-CP. Cục Chăn nuôi cũng đã nhận thấy một số bất cập nêu trên, nhất là bất cập về quy định lô thức ăn nhập khẩu được miễn giảm kiểm tra nhưng vẫn phải công bố hợp quy.

“Trong thời gian tới, Cục Chăn nuôi tiếp tục lắng nghe góp ý của doanh nghiệp, hiệp hội và người chăn nuôi để tổng hợp đầy đủ, toàn diện những khó khăn, vướng mắc, bất cập liên quan đến quản lý thức ăn chăn nuôi nói chung và công bố hợp quy thức ăn nói riêng để báo cáo, đề xuất Bộ NN&PTNT kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền liên quan sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan”, ông Thắng cho biết.

PHÍA SAU NHỮNG CON SỐ CẮT GIẢM THỦ TỤC

Theo báo cáo năm 2020 của Bộ NN&PTNT, trong 5 năm qua, Bộ đã triển khai đúng tiến độ các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo các Nghị quyết của Chính phủ: số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bộ đã rà soát, bãi bỏ, cắt giảm thủ tục hành chính và các điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành; coi đây là một khâu đột phá thúc đẩy tăng trưởng, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Tính đến hết năm 2020, Bộ NN&PTNT đã ban hành Danh mục thủ tục hành chính lĩnh vực nông nghiêp và phát triển nông thôn với tổng số 379 thủ tục hành chính, trong đó có 253 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết trực tiếp của Bộ. So với thời điểm 1/2016, đã cắt giảm 129 thủ tục hành chính.

Bộ NN&PTNT cũng đã bãi bỏ, sửa đổi theo hướng đơn giản hóa 251 điều kiện kinh doanh, trong đó bãi bỏ 115 điều kiện kinh doanh, sửa đổi 136 điều kiện kinh doanh; thực hiện rà soát, cắt giảm tối đa hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành...

Thế nhưng, trái với những nhận định, khẳng định từ phía Bộ NN&PTNT về việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ngày càng nhiều doanh nghiệp, hiệp hội cho rằng việc cắt giảm thủ tục chính của Bộ chỉ làm theo kiểu nửa vời, cắt chỗ này lại cho “mọc” thêm chỗ khác.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Xuất khẩu và chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP) nêu vấn đề nếu áp dụng đúng theo Luật An toàn vệ sinh thực phẩm, thủy sản nhập khẩu về sơ chế, chế biến cho mục đích xuất khẩu sẽ được miễn kiểm tra.

Thế nhưng Bộ NN&PTNT không áp dụng các tiêu chuẩn đó mà áp dụng quy định kiểm dịch, tức là 100% lô hàng phải kiểm tra. VASEP đã nhiều năm kiến nghị lên Cục Thú y và Bộ NN&PTNT không thực hiện kiểm dịch đối với thủy sản đông lạnh hoặc đã qua chế biến.

“Sau nhiều năm bị doanh nghiệp phản ứng, đến nay Bộ vẫn không bỏ quy định kiểm dịch, mà thay vào đó chỉ là cắt giảm một số mã hàng hóa trong danh mục này. Vừa rồi, Bộ NN&PTNT đưa ra con số: đã cắt giảm 160 mã hàng hóa trong tổng số 450 mã hàng hóa thủy sản so với trước, thì nhiều doanh nghiệp thủy sản cho rằng chính Bộ đã “đẻ” thêm thủ tục rồi cắt giảm để báo cáo thành tích”, ông Nam phàn nàn.

Hiện 80 - 85% thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam hàng năm là các sản phẩm để sản xuất và gia công hàng xuất khẩu. Theo Nghị định 15/2018 về an toàn thực phẩm thì nhóm hàng này được miễn kiểm tra. Nhưng các Thông tư của Bộ NN&PTNT lại đưa nhóm hàng này vào danh mục kiểm dịch nên sẽ không được áp dụng theo Thông tư 15/2018 an toàn thực phẩm nữa mà sẽ áp dụng theo các Thông tư của Bộ NN&PTNT.

VASEP cho rằng cùng với việc ban hành các Thông tư sửa đổi bổ sung về hướng dẫn kiểm dịch thủy sản, “danh mục hàng thủy sản” nhập khẩu phải kiểm dịch ngày càng mở rộng mà không có bất cứ sự thay đổi nào về cơ sở pháp lý hoặc báo cáo nguy cơ, thông lệ quốc tế hay thông tin dịch bệnh.

“Việc kiểm dịch các động vật và sản phẩm động vật sống, tươi, ướp hoặc không ướp đá là cần thiết vì đây là các đối tượng có nguy cơ mang theo các mầm bệnh lây lan ra môi trường và là tác nhân có thể gây bệnh cho vật nuôi. Nhưng mở rộng các đối tượng/danh mục “hàng chế biến” phải kiểm dịch là biện pháp quá mức và không cần thiết, chưa phù hợp với chủ trương cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, với quy định pháp luật cũng như thông lệ quốc tế”, ông Nguyễn Hoài Nam khẳng định.

Theo Chu Khôi

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên