MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Để thị trường chứng khoán là nơi huy động vốn bền vững

Thị trường chứng khoán giờ đây đã trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế. Ảnh Gia Huy.

Thị trường chứng khoán giờ đây đã trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế. Ảnh Gia Huy.

Với quy mô và lượng giao dịch ngày càng lớn, để thị trường chứng khoán trở thành nơi huy động vốn bền vững, đòi hỏi những nỗ lực nâng tầm quản trị doanh nghiệp, tính chuyên nghiệp của cộng đồng nhà đầu tư và khả năng điều hành thị trường của cơ quan quản lý.

Trải qua 22 năm vận hành, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện về cấu trúc, phát triển mạnh mẽ. Nếu như năm 2000, hầu hết vốn của các doanh nghiệp được vay từ hệ thống ngân hàng, dư nợ tín dụng là khoảng 40% GDP, hoạt động huy động vốn trên TTCK hầu như chưa xuất hiện, thì đến nay, thị trường này đã trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Quy mô huy động vốn qua TTCK giai đoạn 2016-2021 tăng trưởng bình quân 28,5%/năm. Riêng năm 2021, dù thị trường chịu nhiều ảnh hưởng bất lợi bởi làn sóng dịch COVID-19, song tổng mức huy động vốn trên TTCK vẫn tăng trưởng tích cực, đạt trên 1,12 triệu tỷ đồng, tương đương 38,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Tuy nhiên, diễn biến tích cực trên không duy trì được lâu khi sang năm 2022, một loạt các sai phạm bị phát giác đã làm lộ diện các lỗ hổng pháp lý và nhiều kiểu biến tướng của các kênh huy động vốn. Thị trường vốn đã có phản ứng ngay lập tức với làn sóng bán tháo đẩy chỉ số VN-Index giảm tới 34%, ảnh hưởng đến hoạt động huy động vốn cho các doanh nghiệp niêm yết. Kênh trái phiếu doanh nghiệp cũng chứng kiến động thái mua lại tăng 37,8% so với cùng kỳ và giảm 63,7% phát hành mới. Trong đó, chiếm đa số là các lô TPDN lãi suất cao dao động từ 8,7%-14% nhưng kỳ hạn ngắn để doanh nghiệp có thể giải quyết thanh khoản trong ngắn hạn. Có thể thấy, tắc nghẽn dòng vốn, áp lực đảo nợ và chất lượng tín dụng giảm sút là các vấn đề đang hiện diện trên thị trường.

Đến đây, sẽ là cần thiết khi đề cập đến Nghị quyết 86/NQ-CP của Chính phủ ban hành vào tháng 7/2022 về phát triển thị trường vốn theo hướng an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững. Một trong những giải pháp thực hiện mục tiêu này chính là phát triển thị trường chứng khoán với các nhiệm vụ trọng tâm như tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, giám sát quá trình phát hành, mua bán trái phiếu doanh nghiệp đồng thời xử lý nghiêm, kịp thời tình trạng thao túng, làm giá cổ phiếu trên sàn.

Đi tìm niềm tin chiến lược

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Môi giới Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset đánh giá Việt Nam đã và đang làm rất hợp lý việc chỉnh đốn các điểm nghẽn, rào cản về tính minh bạch trên thị trường vốn.

"Sự hụt hẫng của thị trường là phản ứng khó tránh nhưng sau đợt tái cấu trúc này, tự thị trường sẽ thích nghi và bình ổn trở lại. Khi thị trường "ấm" lên thì khả năng huy động vốn qua kênh chứng khoán sẽ tốt lên, tuy nhiên trong quá trình đó vẫn cần có sự giám sát chặt chẽ và định hướng từ cơ quan quản lý vận hành", ông Tuấn nói.

Vị chuyên gia này cũng đề xuất thời gian tới HNX nên nhanh chóng đưa vào vận hành hệ thống giao dịch online đối với trái phiếu riêng lẻ, khi đó, những tiêu chuẩn đánh giá sản phẩm tài chính được niêm yết sẽ được nâng cao hơn, củng cố niềm tin nhà đầu tư từ đó tăng tính thanh khoản cho thị trường vốn.

Ở góc nhìn tổng quát, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá từ năm 2016 đến nay quy mô thanh khoản trên thị trường chứng khoán đã tăng mạnh, đặc biệt là năm 2020-2021. Song, nhìn chung, trong hơn 20 năm qua chỉ mới cải thiện được vấn đề thanh khoản và số lượng nhà đầu tư quan tâm mà chưa tạo được điều kiện cho nhà đầu tư gắn bó với thị trường chứng khoán.

"TTCK Việt Nam chưa tạo được kênh đầu tư bền vững và phần lớn vẫn phụ thuộc nhiều vào nhà đầu tư nhỏ lẻ. Ở các nước phát triển, con số nhà đầu tư tổ chức đều chiếm hơn 55%, còn Việt Nam chiếm tới 90%, một con số rất lớn. Dẫn đến việc huy động vốn cho doanh nghiệp niêm yết từ nhà đầu nhỏ lẻ rất khó khăn vì quan điểm chiến lược đầu tư vị thế dài hạn rất ít", chuyên gia Yuanta Việt Nam nói.

Do vậy, ông Minh nhận định để thị trường chứng khoán là nơi huy động vốn bền vững cho doanh nghiệp thì cần cải thiện 2 yếu tố là chất lượng và kỹ thuật.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Thế Minh, số lượng nhà đầu tư mới tham gia ngày càng đông đảo nhưng lại chưa có thêm những lựa chọn mới, chất lượng khiến giao dịch gần như chỉ tập trung vào một số mã quen thuộc. Thị trường cũng đang phụ thuộc quá nhiều vào doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng mà thiếu đi doanh nghiệp không bị ảnh hưởng bởi tính chu kỳ như hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, bán lẻ.

Đồng thời cần có chế tài mạnh về công bố thông tin của doanh nghiệp, cải thiện cơ cấu của các nhà đầu tư bằng cách nâng hạng thị trường để tăng quy mô định chế các quỹ tổ chức. Củng cố niềm tin đến từ những nhà đầu tư chất lượng cao để hướng đến TTCK minh bạch, lành mạnh theo đúng chuẩn mực thế giới. Về kỹ thuật, việc đơn giản hóa thủ tục mở tài khoản cho nhà đầu tư nước ngoài theo ông Minh là vấn đề cần lưu tâm. Đặc biệt cần bổ sung sản phẩm tài chính trên thị trường để đa dạng sản phẩm.

"Việc huy động vốn bền vững trên sàn chứng khoán là bài toán khó, đòi hỏi cơ quan quản lý phải trừng phạt nghiêm minh những hành vi sai phạm trên thị trường, doanh nghiệp phải cải thiện chất lượng hoạt động kinh doanh, nâng tầm quản trị, còn nhà đầu tư cũng cần tăng tính chuyên nghiệp khi lựa chọn danh mục", ông Minh nhận định.

Cùng chung quan điểm, ông Dương Văn Chung, Giám đốc Sở giao dịch 1 tại MBS nhấn mạnh điều đầu tiên cần làm là lấy lại niềm tin của nhà đầu tư bằng cách sàng lọc kỹ các sản phẩm được phát hành trên thị trường.

"Với những động thái trừng phạt nghiêm minh của cơ quan quản lý, thị trường chứng khoán đang dần minh bạch hơn và sẽ sớm trở thành nơi huy động vốn bền vững của nền kinh tế", ông Dương Văn Chung nêu quan điểm.

Niềm tin cũng là vấn đề được TS. Cấn Văn Lực lưu ý. Theo vị chuyên gia này, niềm tin của nhà đầu tư chứng khoán đang giảm bởi những tác động tiêu cực từ bối cảnh kinh tế thế giới cũng như rủi ro, thách thức gia tăng.

TS. Cấn Văn Lực đề xuất nên sớm phát triển các sản phẩm chứng khoán phái sinh mới nhằm đa dạng hóa sản phẩm, khắc phục hạn chế của hợp đồng tương lai chỉ số VN30 hiện tại, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Với việc phát hành trái phiếu, doanh nghiệp nên tiếp tục sẵn sàng bán tài sản với mức chiết khấu có thể lên đến 30-40%; đẩy mạnh cơ cấu lại sản phẩm, hoạt động, tiết giảm chi phí; sớm bắt tay chuẩn bị phát hành mới theo Nghị định 08 để có tiền trả nợ, hoàn thiện các dự án dở dang; đa dạng hóa nguồn vốn và quan tâm hơn đến quản lý rủi ro tài chính (hạn chế dùng đòn bẩy tài chính quá nhiều, hạn chế đầu tư dàn trải…). Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần xem xét các giải pháp khuyến khích phát hành trái phiếu ra công chúng nhiều hơn, có giải pháp phát triển nhà đầu tư tổ chức, thành lập trung tâm giao dịch trái phiếu thứ cấp (để nắm được hoạt động chuyển nhượng, nhà đầu tư…), thúc đẩy phát triển các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, tăng cường giáo dục tài chính nhằm nâng cao chất lượng nhà đầu tư, hoàn thiện thể chế như đề xuất sửa đổi luật chứng khoán, luật doanh nghiệp cho phù hợp…v.v.

"Ngoài ra, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm sớm chủ động phát triển năng lực cung cấp dịch vụ xếp hạng. Các cơ quan quản lý khác như NHNN, Bộ KH-ĐT, Bộ Công An, Bộ Tư pháp….cũng cần vào cuộc, đồng hành, tất cả là vì sự phát triển chung của thị trường vốn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và nhà đầu tư", TS. Cấn Văn Lực nói.

Theo Khánh An

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên