MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Để thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào KCN Việt Nam

01-08-2022 - 06:43 AM | Bất động sản

Để thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào KCN Việt Nam

Nhiều ý kiến cho rằng, để khơi thông làn sóng đầu tư từ nước ngoài vào các Khu công nghiệp (KCN) tại Việt Nam, cần có cơ chế cụ thể và dựa trên nội lực địa phương

Để thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào KCN Việt Nam - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài xem Việt Nam là điểm đến hấp dẫn để phát triển KCN. Ảnh: Gia Huy


Để thu hút "đại bàng"

Trao đổi với phóng viên Nhadautu.vn, lãnh đạo một KCN tại Long Thành Đồng Nai (xin giấu tên) cho biết, họ đang đi tìm quỹ đất mới để phát triển KCN phụ trợ.

"Chính chúng tôi vẫn đang đi tìm quỹ đất để xây dựng KCN thứ hai của mình, sau khi KCN đầu tiên đã được lấp đầy. Với đặc thù công nghiệp phụ trợ, Đồng Nai là địa phương rất phù hợp, chúng tôi đã phát triển ở đây và còn muốn gắn bó tại đây. Nhiều công ty công nghiệp phụ trợ lớn của quốc tế đã chọn KCN của chúng tôi làm điểm dừng chân và chúng tôi còn nhận được đề nghị của nhiều công ty khác. Vậy nên chúng tôi vẫn đang tìm kiếm quỹ đất phát triển thêm", vị lãnh đạo cho biết.

Còn bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Tổng Giám đốc công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ, chủ đầu tư KCN Phú Mỹ 3 (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhận định, nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài là rất lớn. Ngược lại, yêu cầu của họ cũng rất cao, không đơn thuần là đầu tư một lần rồi thôi mà họ thật sự chú trọng đến trình độ và chất lượng lao động, muốn cải thiện đời sống lao động, hạ tầng…

"Các doanh nghiệp nước ngoài rất muốn tìm kiếm các KCN chuyên sâu, mang đậm đặc thù ngành để đầu tư. Họ cũng rất chú ý đến việc quy hoạch KCN, các công trình nâng cao chất lượng đời sống và tay nghề lao động", bà Thảo Nhi phân tích.

Cả lãnh đạo KCN ở Đồng Nai lẫn bà Nguyễn Thị Thảo Nhi đều cho rằng, không thiếu những thương hiệu lớn của quốc tế mong muốn dừng chân đặt một cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Ở một thị trường có nhiều tiềm năng phát triển, có vị trí địa lý thuận lợi cùng mức giá thành lao động thuộc hàng thấp, điều cần làm để thu hút nhiều "đại bàng" hơn, chính là cơ chế phát triển các KCN và nâng cao chất lượng lao động.

Trong khi đó, theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), nửa đầu năm nay, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 14,03 tỷ USD, bằng 91,1% so với cùng kỳ năm 2021.

6 tháng đầu năm chứng kiến số vốn đăng ký đầu tư giảm đến 48,2% so với cùng kỳ năm 2021 khi chỉ cấp giấy chứng nhận cho 752 dự án. Dẫu vậy, về vốn điều chỉnh lại có đến 487 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 6,82 tỷ USD, tăng 65,6% so với cùng kỳ…

Làm thế nào để "cởi trói"?

Theo các chuyên gia, một trong những vấn đề của quy hoạch phát triển KCN ở nước ta hiện tại chính là thiếu chiến lược thực tiễn, mà chủ yếu dựa vào mong muốn của địa phương.

"Nhiều địa phương muốn phát triển KCN để thu hút đầu tư, điều đó dễ hiểu. Tuy nhiên, đặc thù ngành nghề và địa phương còn là yếu tố cần tính tới trong quy hoạch phát triển KCN. Thực trạng hiện tại đang cho thấy sự thiếu đồng bộ", lãnh đạo KCN ở Đồng Nai nhận định và phân tích thêm, muốn phát triển KCN phải xét đến những yếu tố địa chất, môi trường và hạ tầng xung quanh có đáp ứng được không.

"Ví dụ, tại Bà Rịa – Vũng Tàu, địa phương này sở hữu cảng biển lớn, với mật độ hàng hóa thông qua cảng biến lên đến cả nghìn tấn, hạ tầng cũng phù hợp, nên các khu công nghiệp xung quanh sẽ phù hợp với ngành công nghiệp nặng, lọc hóa dầu, luyện kim… còn như Đồng Nai, địa phương này sẽ khó phù hợp với ngành công nghiệp nặng, mà lại rất phù hợp với công nghiệp phụ trợ", vị này đánh giá.

Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Thảo Nhi cho rằng, phát triển KCN chuyên sâu chính là cách thức phù hợp để khai thác tối đa tiềm năng của khu công nghiệp. Điều này giúp tối ưu hóa chi phí sản xuất, dễ dàng vận hành, quản lý và phù hợp với nhu cầu của nhiều doanh nghiệp nước ngoài.

"Dựa trên tiềm năng và lợi thế của địa phương mà phát triển. Như KCN Phú Mỹ 3 có lợi thế nằm liền kề cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải, một trong những cảng biển lớn nhất của đất nước và khu vực, lại sở hữu nguồn tài nguyên, dầu mỏ lớn", Người đứng đầu Ban quản lý KCN có diện tích hơn 1.000ha chia sẻ.

Ngoài ra, điều mà rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm chính là nâng cao đời sống và trình độ lao động. Với các công ty nước ngoài, công nhân lao động cần được cải thiện cuộc sống để tăng năng suất, chất lượng, ngay từ nội tại. Họ rất quan tâm tìm kiếm các KCN chú trọng đến công trình phụ như nhà ở công nhân, công viên cây xanh, trung tâm thể dục thể thao. Và hơn hết, hạ tầng cũng phải được đảm bảo.

Đơn cử như KCN Đức Hòa 3 (tỉnh Long An). Dù có lợi thế địa lý nằm kề TP.HCM, thế nhưng, KCN này đang chưa cho thấy sự tương xứng như kỳ vọng ban đầu khi hạ tầng giao thông kết nối xung quanh chưa được chú trọng, đường bụi bặm, đầy rẫy ổ gà ổ voi, thiếu khoảng không gian xanh và gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Không ít lần, những người dân sống quanh khu vực này khổ sở vì mùi hôi do chất thải từ các nhà máy tỏa ra. Trong khi đa phần những người dân ở đây là công nhân lao động của chính KCN này.

Cả bà Nguyễn Thị Thảo Nhi và lãnh đạo KCN ở Đồng Nai đều cho rằng, bên cạnh tiềm năng tự nhiên của địa phương, việc đẩy mạnh hạ tầng kỹ thuật và lợi thế giao thông là điều cần có để thu hút đầu tư phát triển KCN tại Việt Nam. Ngoài ra còn là cơ chế từ chính quyền địa phương.

Theo số liệu từ Vụ quản lý các khu Kinh tế (Bộ KH&ĐT), trên phạm vi cả nước hiện tại, có 563 KCN đã được quy hoạch tại 61/63 tỉnh thành, với tổng diện tích đất là 210.900ha. Trong số này, có 397 KCN đã thành lập và 291 KCN đã đi vào hoạt động (tổng diện tích đất là 87.100ha).

Theo Liên Phượng

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên