MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Để thúc đẩy kinh tế cần mở rộng tài khóa

Để thúc đẩy kinh tế cần mở rộng tài khóa

Kinh tế quý I tăng trưởng chậm, số doanh nghiệp rời bỏ thị trường rất lớn. Trong bối cảnh lạm phát cũng có xu hướng giảm, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cần mở rộng các giải pháp tài khóa thay vì chỉ tập trung vào chính

Chính sách tiền tệ chuyển sang hỗ trợ tăng trưởng

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, mức thấp nhất trong 6 quý gần đây, theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê.

Nhìn nhận về bức tranh kinh tế hiện nay, TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, khó khăn đang nằm ở cả phía cầu và cung của nền kinh tế.

Với một nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam chịu ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt là từ các đối tác thương mại lớn. Xu hướng chung trên thế giới hiện nay là thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát, chấp nhận giảm tăng trưởng. Các nền kinh tế lớn và là đối tác thương mại chủ yếu của Việt Nam như EU, Mỹ, Nhật Bản… đang được dự báo sẽ có tăng trưởng rất khiêm tốn trong năm nay và cả năm sau. Điều đó cho thấy nhu cầu nhập khẩu của các nền kinh tế này chưa thể sớm cải thiện.

Trên thực tế trong khoảng 6 tháng gần đây, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất của Việt Nam có tới 4 tháng dưới 50 điểm, cho thấy sự thu hẹp của sản xuất do hệ lụy từ đơn hàng giảm.

Để thúc đẩy kinh tế cần mở rộng tài khóa - Ảnh 1.

Nhà nước phải trở thành khách hàng lớn nhất của nền kinh tế

Đối với cầu tiêu dùng nội địa, mặc dù nhân tố này đã phần nào phát huy tác dụng là động lực của tăng trưởng ở giai đoạn trước, song theo PGS-TS. Phạm Thế Anh - Trường Đại học Kinh tế quốc dân, hiện sức cầu trong nước đang yếu đi do thu nhập người dân sụt giảm, đồng thời tăng trưởng kinh tế chậm lại khiến người dân có xu hướng càng tiết kiệm hơn.

Trước tình hình đó, vừa qua NHNN đã chủ động cắt giảm lãi suất điều hành tới hai lần chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng. Theo PGS-TS. Phạm Thế Anh, đây là hành động hợp lý trong bối cảnh lạm phát trong nước đang có xu hướng giảm, sức ép đến tỷ giá, lãi suất từ bên ngoài cũng không còn lớn như thời gian trước. Trong khi nếu duy trì lãi suất cao, điều kiện tín dụng trong nước bị thắt chặt quá lâu, kết hợp với nhu cầu đối với hàng hóa Việt Nam từ bên ngoài đang suy yếu sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực kéo dài đối với doanh nghiệp trong nước.

Vì vậy, có thể nói chính sách tiền tệ đã sớm chuyển hướng sang hỗ trợ vực dậy tăng trưởng, theo PGS-TS. Phạm Thế Anh.

Trong khi đó, đầu tư công được kỳ vọng sẽ trở thành “đầu tàu” cho tăng trưởng cả năm 2023 nhưng trong quý I vừa qua vẫn khởi động chậm chạp. Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, tỷ lệ giải ngân 3 tháng đầu năm 2023 mới đạt 9,69% kế hoạch, thấp hơn so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (10,35%) và cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (11,88%).

Vốn đầu tư công giải ngân chậm khiến vai trò “vốn mồi” tạo sức lan tỏa thu hút đầu tư tư nhân của cấu phần này không thể phát huy tác dụng mạnh mẽ. Điều đó phần nào thể hiện ở con số doanh nghiệp thành lập mới trong quý I năm nay giảm 2% về số lượng, giảm 34,1% về vốn đăng ký. Đáng chú ý là trong quý I năm nay, bình quân một tháng chỉ có gần 19.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, trong khi có gần 20.100 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

“Có thể khó khăn hiện nay đã tới đáy rồi, nhưng đáy này kéo dài hay chạm đáy ở một điểm sau đó bứt phá lên thì chưa thể chắc chắn”, TS. Nguyễn Đình Cung nói.

Tài khóa có thể “rộng tay” hơn

Kinh tế ảm đạm nhưng tình hình thu chi ngân sách tiếp tục trở thành điểm sáng khi chưa đi hết 1/4 thời gian của năm 2023, nhưng thu ngân sách nhà nước đã hoàn thành hơn 30% kế hoạch cả năm; thặng dư ngân sách trong quý I gần 130.000 tỷ đồng.

PGS-TS. Phạm Thế Anh cho rằng đây là thời điểm để thực hiện chính sách tài khóa nghịch chu kỳ, tức là Chính phủ chi tiêu mạnh kết hợp giảm thu khi kinh tế gặp khó khăn và làm ngược lại khi kinh tế tăng trưởng nóng. Tuy nhiên từ mấy năm đại dịch cho tới nay, khi đầu tư công chậm hoặc không thể giải ngân, chức năng hỗ trợ tăng trưởng ở Việt Nam gần như đã dồn hết cho chính sách tiền tệ.

TS. Nguyễn Đức Kiên - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia phân tích, trong bối cảnh nhu cầu quốc tế suy giảm, thực lực doanh nghiệp trong nước hạn chế, Nhà nước phải trở thành khách hàng lớn nhất của nền kinh tế. Điều đó thể hiện ở việc Chính phủ đẩy mạnh các dự án đầu tư công, liên tục tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm.

Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước đã có 2 năm liên tiếp thặng dư và đang tiếp tục thặng dư trong quý đầu năm. Đây là cơ sở để xem xét việc đẩy mạnh thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ tăng trưởng, ngay cả khi bội chi ngân sách ở mức cao hơn con số 4,42% GDP đã đặt ra cũng là chấp nhận được.

“Khi chấp nhận bội chi cao hơn, cơ quan điều hành chính sách tài khóa có thể nới rộng “biên độ” của các chính sách giảm thuế, qua đó chấp nhận giảm nguồn thu để tiếp tục kích thích nền kinh tế phục hồi như đã làm trong năm 2022”, TS. Nguyễn Đức Kiên khuyến nghị.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cũng chia sẻ, hiện một trong những nhóm khó khăn mà doanh nghiệp phản ánh tương đối nhiều là các chính sách liên quan đến thuế hoặc thực thi về thuế. Ví dụ, các doanh nghiệp gỗ hay cao su phản ánh nhiều nghìn tỷ tồn đọng trong khâu hoàn thuế do quy trình này kéo dài và cách thiết kế chính sách chưa hợp lý. Hay các doanh nghiệp ngành giấy, vật liệu xây dựng cũng phản ánh quá trình họ thu mua nguyên liệu đầu vào chưa được hạch toán trong thuế VAT, khiến một nguồn lực lớn bị tồn đọng lại.

Các khó khăn tiếp theo là quy định kỹ thuật, điều kiện kinh doanh lạc hậu, không theo sát diễn biến thực tiễn. Ví dụ, giá bốc xếp ở cảng biển trong hoạt động logistics; hay các quy định liên quan thời gian làm việc, độ tuổi lái xe, đăng kiểm xe cơ giới… đối với hoạt động vận tải. Theo bà Thủy, chỉ cần cắt giảm, cải cách các quy định kỹ thuật, điều kiện kinh doanh này đã tạo ra một nguồn lực lớn để cắt giảm chi phí, hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp trong bối cảnh điều kiện kinh tế nhiều bất định hiện nay.



Theo Ngọc Khanh

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên