MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất áp giá trần khí đốt Nga của EU vấp phản đối, Nga cảnh báo "giá trần thành giá sàn"

10-09-2022 - 10:45 AM | Tài chính quốc tế

Đề xuất áp giá trần khí đốt Nga của EU vấp phản đối, Nga cảnh báo "giá trần thành giá sàn"

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto hôm 9/9 cho biết các bộ trưởng năng lượng EU vẫn chưa thể nhất trí về việc áp giá trần đối với khí đốt Nga sau cuộc họp khẩn.

Hungary: EU chưa thể nhất trí về giá trần khí đốt Nga

Đài RT (Nga) dẫn lời Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết: Trong cuộc họp khẩn hôm 9/9, các bộ trưởng năng lượng của liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa thể đạt được thỏa thuận về việc áp giá trần đối với khí đốt Nga.

"Ngày hôm nay chúng tôi vẫn chưa có được bất kỳ giải pháp nào, mà chỉ có tranh cãi chính trị được coi là điểm tham chiếu cho Ủy ban châu Âu", ông Szijjarto nói với báo giới. "Hiện tại, chúng tôi hy vọng rằng vào tuần sau hoặc tuần sau nữa, không chỉ các quốc gia thành viên, mà cả Ủy ban châu Âu cũng sẽ đưa ra các đề xuất bằng văn bản quan trọng."

Đầy tuần này, Ủy ban châu Âu đã chuẩn bị các đề xuất về các biện pháp nhằm giải quyết tình trạng giá năng lượng tăng cao - điều được đưa ra thảo luận trong cuộc họp của các bộ trưởng năng lượng của khối.

Trong số những đề xuất của Ủy ban châu Âu bao gồm việc giới hạn giá khí đốt Nga. Tuy nhiên, Reuters dẫn lời hai nhà ngoại giao giấu tên cho biết đề xuất của Ủy ban châu Âu đã vấp phải sự phản đối của một số quốc gia thành viên và không nhận được nhiều sự ủng hộ tại cuộc họp hôm 9/9.

Trước đó, một số nguồn tin cho biết một số thành viên EU đã phản đối áp dụng giá trần riêng đối với khí đốt của Nga, mà thay vào đó giá trần nên được áp dụng cho mọi nguồn khí đốt nhập khẩu của khối này.

Trong đoạn video được đăng tải trên mạng xã hội Facebook trước cuộc họp hôm 9/9, ông Szijjarto cho biết giá trần được đề xuất áp dụng đối với khí đốt đi ngược lại lợi ích của cả châu Âu và Hungary.

Vị Ngoại trưởng Hungary cảnh báo: "Nếu các hạn chế về giá được áp dụng riêng đối với khí đốt của Nga, thì rõ ràng điều đó sẽ dẫn đến việc Nga cắt nguồn cung khí đốt ngay lập tức."

Reuters cho biết, theo một thỏa thuận được ký kết giữa Nga và Hungary hồi năm 2021 - trước khi xung đột tạ Ukraine nổ ra, Hungary nhận 3,5 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm qua đường ống trung chuyển qua Bulgaria và Serbia theo thỏa thuận dài hạn với Nga và thêm 1 tỷ mét khối khí đốt nữa qua đường ống trung chuyển qua Áo. Thỏa thuận với Gazprom có ​​thời hạn 15 năm.

 Đề xuất áp giá trần khí đốt Nga của EU vấp phản đối, Nga cảnh báo giá trần thành giá sàn - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: RT

Ít nhất 10 thành viên EU phản đối việc áp giá trần khí đốt Nga

Theo Politico, 5 đề xuất của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen nhằm khắc phục tình trạng khẩn cấp về năng lượng của châu Âu bao gồm:

- Áp giá trần đối với khí đốt của Nga;

- Các biện pháp bắt buộc nhằm giảm nhu cầu sử dụng điện trong giờ cao điểm;

- Áp giới hạn đối với "doanh thu khổng lồ" mà một số công ty đang thu được bằng cách sản xuất điện từ các nguồn có chi phí thấp hơn so với khí đốt. Phần tiền chênh lệch sẽ được sử dụng để hỗ trợ người tiêu dùng;

- Áp dụng một khoản thuế liên đới đối với các công ty sử dụng nhiên liệu hóa thạch thu được lợi nhuận lớn - và số tiền thu được cũng sẽ được sử dụng để hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp;

- Tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí cho các công ty dịch vụ tiện ích (công ty điện, nước...)đang gặp khó khăn trong việc thanh toán cho nguồn cung trên thị trường.

Hai đề xuất sau cùng nhận được hưởng ứng từ các quốc gia thành viên, tuy nhiên đề xuất áp giá trần khí đốt Nga đã khiến các quốc gia EU tranh cãi. Tờ Financial Times (FT) cho biết, Brussels đang phải đối mặt với áp lực từ ít nhất 10 quốc gia thành viên về vấn đề này.

Theo nguồn tin của FT, trong số các quốc gia thành viên phản đối đề xuất của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen về việc chỉ áp giá trần đối với khí đốt nhập khẩu của Nga bao gồm Italy, Ba Lan và Hy Lạp.

Hungary, Áo và Hà Lan đã bày tỏ sự hoài nghi về mức giá trần cao.

Một quan chức cấp cao của EU yêu cầu FT giấu tên cho hay: "Mọi người đều sợ hiệu ứng domino" nếu Nga quyết định cắt nguồn cung khí đốt, bởi các quốc gia EU có đường ống dẫn khí liên kết với nhau.

Italy và Bỉ là hai quốc gia cho rằng giá trần không nên chỉ áp dụng đối với Nga, mà còn cả với những nguồn cung khác. Bộ trưởng Năng lượng Bỉ Tinne Van der Straeten nói rằng việc "chỉ áp giới hạn đối với khí đốt của Nga sẽ không giúp giảm giá [khí đốt].

Chuyên trang oilprice dẫn nguồn nhật báo La Stampa cho hay Hà Lan và các quốc gia thành viên ở phía Đông của EU đã phản đối kế hoạch áp đặt giá trần đối với khí đốt của Nga. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu và là thành viên EU chịu ảnh hưởng lớn nhất do đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 hiện đang bị đình chỉ vô thời hạn.

 Đề xuất áp giá trần khí đốt Nga của EU vấp phản đối, Nga cảnh báo giá trần thành giá sàn - Ảnh 2.

Ảnh minh họa. Nguồn: RT

Lời cảnh báo từ Nga: Giá trần sẽ thành giá sàn

Hôm 7/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đe dọa châu Âu rằng Nga sẽ gừng cung cấp tất cả các sản phẩm năng lượng cho châu Âu nếu EU và các đồng minh phương Tây áp đặt giá trần đối với dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga.

Khi các bộ trưởng năng lượng của EU nhóm họp tại Brussels trong ngày 9/9, thì Nga đã đưa ra lời cảnh báo rằng kế hoạch áp giá trần đối với dầu mỏ và khí đốt xuất khẩu của Nga sẽ thất bại.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, cho rằng phương Tây không hiểu rõ nước cờ của mình sẽ ảnh hưởng thế nào đến quốc gia của họ trong tương lại. Bà Zakharova nói: "Phương Tây không hiểu rằng: việc áp dụng giá trần đối với các nguồn năng lượng của Nga sẽ khiến họ bị trượt chân ngay tại chỗ đứng."

Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin khẳng định: "kế hoạch của phương Tây sẽ thất bại và giá sẽ tăng vượt xa mức giá trần mà họ đang cố gắng đạt được".

"Cái được họ gọi là giá 'trần' sẽ trở thành giá sàn", ông Volodin bình luận trên Telegram.

Theo Reuters, lời cảnh báo của Tổng thống Putin đối với việc định hướng lại các dòng dầu và khí đốt của Nga về phía Đông sẽ trở thành bước ngoặt lớn nhất trong chính sách năng lượng của Nga kể từ khi Liên Xô xây dựng các đường ống dẫn khí đốt từ Siberia về phía Tây từ Siberia vào đầu thập niên 1970.

Nga là quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Ả Rập Saudi. Trước xung đột Ukraine, châu Âu thường nhập khẩu khoảng 40% lượng khí đốt và 30% lượng dầu từ Nga.

Tổng hợp: RT, oilprice, FT, Reuters, Politico


Theo Hồng Anh

Tổ quốc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên