Đề xuất áp thuế VAT 5% với phân bón: Nông dân có chịu thiệt?
Hiện vẫn còn quan điểm khác nhau trước đề xuất đưa phân bón và các máy móc thiết bị nông nghiệp từ diện không chịu thuế sang diện áp dụng thuế suất VAT 5%.
- 13-08-2024Thị trường phân bón trong nước: Giá giảm do nhu cầu tiêu thụ không cao
- 13-08-2024Không phải sầu riêng, loại quả được cho không đầy chợ Việt được Lào, Trung Quốc đua nhau mua về - thu 20 triệu USD từ đầu năm
- 12-08-2024Thái Lan mạnh tay săn lùng ‘vàng đen’ của Việt Nam kể từ đầu năm: Xuất khẩu tăng hơn 1.500% nhưng Campuchia mới là khách hàng lớn nhất
Ngày 14/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
2 quan điểm trong cơ quan thẩm tra
Về ý kiến đề nghị không chuyển phân bón và các máy móc thiết bị nông nghiệp từ diện không chịu thuế sang diện áp dụng thuế suất VAT 5%, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, trong thường trực ủy ban này có 2 luồng quan điểm.
Quan điểm thứ nhất đề nghị giữ như quy định hiện hành vì thuế GTGT là thuế gián thu, người chịu thuế GTGT là người tiêu dùng cuối cùng. Việc chuyển phân bón sang chịu thuế suất 5% thì người nông dân (ngư dân) sẽ chịu tác động lớn do giá phân bón sẽ tăng khi có thuế GTGT, dẫn đến tăng giá thành sản phẩm nông nghiệp, trái tinh thần khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn theo Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Quan điểm thứ hai thống nhất với nội dung dự thảo Luật và Cơ quan soạn thảo, vì Luật số 71/2014/QH13 đưa phân bón đang từ diện chịu thuế 5% sang diện không chịu thuế GTGT đã tạo ra sự bất cập lớn về chính sách, ảnh hưởng bất lợi cho ngành sản xuất phân bón trong nước trong suốt 10 năm qua; các doanh nghiệp đã không được hoàn thuế GTGT đầu vào (bao gồm cả chi phí đầu tư mua sắm tài sản), phải hạch toán vào chi phí, làm tăng chi phí và giá thành sản xuất, giá bán không thể cạnh tranh với phân bón nhập khẩu đang từ chịu thuế chuyển sang được miễn thuế.
Sự bất cập về cơ chế cần được đưa trở lại đúng quỹ đạo của thuế GTGT. Việc quay lại áp dụng thuế suất 5% sẽ có các tác động nhất định đến giá bán phân bón trên thị trường, làm tăng giá thành phân bón nhập khẩu (hiện chỉ chiếm 26,7% thị phần); đồng thời, làm giảm giá thành phân bón sản xuất trong nước (hiện đang chiếm 73,% thị phần); các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được hoàn thuế do thuế đầu ra (5%) thấp hơn đầu vào (10%) và NSNN sẽ không tăng thu do phải bù trừ giữa tăng thu từ khâu nhập khẩu với việc hoàn thuế cho sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp trong nước có dư địa để giảm giá bán nếu giá phân bón và các nguyên liệu đầu vào trên thị trường quốc tế không thay đổi.
Ngoài ra, phân bón hiện là sản phẩm bình ổn giá nên trong trường hợp cần thiết, khi có biến động lớn về giá trên thị trường thì các cơ quan quản lý nhà nước có thể thực hiện các biện pháp quản lý cần thiết để bình ổn ở mức hợp lý.
“Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban TCNS nghiêng về quan điểm thứ nhất. Cơ quan soạn thảo đề nghị giữ như dự thảo luật đã trình tại Kỳ họp thứ 7. Trên cơ sở ý kiến của UBTVQH, Thường trực Ủy ban TCNS sẽ chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật” – ông Lê Quang Mạnh cho biết.
Lo nông dân chịu thiệt
Nêu quan điểm về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, áp mức thuế suất trên sẽ khiến người nông dân chịu thiệt. Bởi đây là thuế gián thu, người nông dân, tiêu dùng cuối cùng phải chịu do giá bán tăng.
"Khi áp thuế VAT với phân bón sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất cạnh tranh với hàng nhập khẩu, nhưng cũng cần bảo vệ người nông dân", ông Vũ Hồng Thanh nói.
Trong khi đó, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dẫn tính toán cho biết hiện chi phí sản xuất bình quân của doanh nghiệp khoảng 6-8%, tức cao hơn mức thuế suất Chính phủ tính áp dụng như dự thảo. Tức là, doanh nghiệp sản xuất phân bón đã có thuế VAT nhưng lại không được hoàn. Chưa kể, hàng nhập khẩu được miễn thuế này, dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh với sản phẩm sản xuất trong nước.
Trước lo ngại áp thuế sẽ khiến giá bán tăng, ông Đậu Anh Tuấn nói không có cơ sở. Bởi, năng lực sản xuất phân bón của doanh nghiệp trong nước lớn, nếu áp thuế 5% thì tác động nhất định tới giá thành sản xuất trong nước (hiện chiếm hơn 73% thị phần). Các doanh nghiệp sản xuất sẽ được hoàn thuế do thuế đầu ra và họ có dư địa giảm giá bán, chiếm lĩnh thị trường.
Ngoài ra, phân bón là mặt hàng trong diện bình ổn giá, nên cơ quan quản lý có thể sử dụng biện pháp bình ổn trong trường hợp cần thiết. "Đây là bài toán căn cơ phải tính toán để vừa tự chủ năng lực, vừa giữ được ngành sản xuất phân bón trong nước", ông Tuấn nêu ý kiến.
Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật dẫn báo cáo đánh giá tác động cho thấy, nếu áp thuế 5% như đề xuất thì mỗi năm Nhà nước sẽ thu khoảng 5.700 tỷ đồng, trong đó hoàn thuế cho doanh nghiệp khoảng 1.500 tỷ đồng, ngân sách nhà nước được 4.200 tỷ đồng.
“Bây giờ thu của người sử dụng phân bón 5.700 tỷ đồng mà bảo giảm được giá bán, tôi thấy không thuyết phục. Đề nghị phải đánh giá rất sát chỗ này. Bởi vì giá thành với giá bán là hoàn toàn khác nhau, giá bán còn phụ thuộc vào thế giới” – ông Nguyễn Trường Giang băn khoăn.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, theo quy định hiện hành thì mặt hàng phân bón không chịu thuế, chứ không phải là thuế suất 0% nên doanh nghiệp không được khấu trừ hoàn thuế đầu vào. Do đó ông đề xuất phương án thuế 0% thì doanh nghiệp sẽ được hoàn thuế và Nhà nước “mất” khoảng 1.500 tỷ/năm, nhưng giá bán cho người nông dân không tăng và ổn định được.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu Bộ Tài chính - cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, thống nhất với cơ quan thẩm tra để hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới.
VOV