Đề xuất bỏ nhiều điều kiện trong gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng
Bộ LĐ-TB&XH vừa chính thức gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tờ trình Ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ và Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
- 29-09-2020Ngành du lịch mong ngóng gói hỗ trợ để giữ chân người lao động
- 16-09-2020Doanh nghiệp thất vọng vì gói hỗ trợ COVID-19 không giúp được nhiều
- 15-09-2020Doanh nghiệp trông chờ gì ở gói hỗ trợ lần 2?
Cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất mở rộng hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương tại “cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông”.
Thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương tính từ ngày 1/2/2020 cho đến tháng 1/6/2020. Thời gian hỗ trợ không quá 3 tháng.
Về gói 16.000 tỷ đồng (nằm trong gói 62.000 tỷ đồng) cho vay lãi suất 0% để trả lương ngừng việc cho người lao động, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất bỏ điều kiện “đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động”, đồng thời bỏ nội dung “trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hằng tháng đến người bị ngừng việc”.
Bộ này cũng đề xuất sửa điều kiện “doanh nghiệp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho người lao động ngừng việc” thành “người sử dụng lao động có doanh thu quý I năm 2020 giảm 20% trở lên so với quý IV năm 2019 hoặc doanh thu của quý liền kề trước thời điểm xét hưởng giảm 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019”.
Thời gian lao động ngừng việc được mở rộng từ tháng 4 đến tháng 12/2020 thay vì đến tháng 6/2020 như trước đó. Tuy nhiên, thời gian hỗ trợ cho vay vẫn không quá 3 tháng.
Đáng chú ý, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất bãi bỏ các thủ tục hành chính phê duyệt bởi cấp huyện và cấp tỉnh khi làm hồ sơ xét duyệt chuyển sang việc doanh nghiệp trực tiếp kê khai hồ sơ vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Hồ sơ vay vốn, người sử dụng lao động tự kê khai, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực về số lao động ngừng việc, số liệu xác định doanh thu đáp ứng điều kiện vay vốn.
Về điều kiện doanh nghiệp được tạm hoãn đóng vào quỹ hưu trí tử tuất, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất thay đổi quy định về số % lao động tham gia bảo hiểm xã hội.
Với phương án này, theo Bộ LĐ-TB&XH, dự kiến có khoảng 70% số doanh nghiệp đủ điều kiện. Trường hợp có từ 30% đến 50% số doanh nghiệp tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất sẽ tương ứng với 120.000 - 200.000 doanh nghiệp được hỗ trợ với khoảng từ 3,2 triệu lao động đến 5,4 triệu lao động được tạm dừng đóng. Số tiền được giảm từ 3.969 tỷ đồng đến 6.618 tỷ đồng/tháng.
Tiền phong