MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất cấm nhập khẩu nội tạng động vật về làm thức ăn

07-12-2017 - 17:47 PM | Thị trường

Việt Nam sẽ không cho phép nhập khẩu gia súc, gia cầm sống già về giết mổ lấy thịt; không cho phép nhập khẩu phủ tạng, nội tạng động vật.

Sáng 7-12, tại TP HCM, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lấy ý kiến doanh nghiệp (DN) về dự án Luật Chăn nuôi.

Đại diện tổ soạn thảo dự án Luật Chăn nuôi, ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết ngành chăn nuôi đang có rất nhiều lỗ hỏng trong quản lý. Dự án Luật Chăn nuôi kỳ vọng sẽ tạo được hành lang quản lý, đáp ứng thực tế sản xuất, phù hợp nền kinh tế thị trường, dễ thực hiện; đáp ứng cải cách hành chính và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Một trong những điểm mới của dự luật được ông Hoàng Thanh Vân nêu trong hội thảo là kiểm soát chặt hơn sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu. Theo đó, việc không cho phép nhập khẩu nội tạng, phủ tạng các loại động vật từ nước ngoài vào Việt Nam dưới bất kỳ hình thức nào; không cho phép nhập gia súc, gia cầm sống già, loại thải từ nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam với mục đích giết mổ lấy thịt. Lý do là các mặt hàng này chất lượng rất thấp, chưa kể mang nhiều nguy cơ chứa chất độc hại.

Nội tạng động vật chứa rất nhiều mối nguy cho sức khỏe người tiêu dùng

Nội tạng động vật chứa rất nhiều mối nguy cho sức khỏe người tiêu dùng

Theo ông Hoàng Thanh Vân, thời gian vừa qua, Việt Nam nhập khẩu rất nhiều sản phẩm chăn nuôi để phục vụ tiêu dùng, trong đó có nhóm nội tạng động vật. Các mặt hàng nhập khẩu chính là tim heo, gan heo, cật heo và tim gà, mề gà... với giá rất rẻ được tiêu thụ ở các điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống. Đối với động vật sống, Việt Nam đã từng nhập khẩu bò già 8 tuổi từ Úc và gà đầu trọc (gà đẻ trứng loại thải) gây áp lực lên chăn nuôi trong nước.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ, hết sức ủng hộ chủ trương cấm nhập khẩu nhóm sản phẩm chăn nuôi trên. Điều này không chỉ bảo vệ sản xuất trong nước mà bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

"Xuất khẩu thịt rất khó, trong khi nhập khẩu lại quá dễ. Cần phải có hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước. Tại sao sản phẩm chăn nuôi trong nước tiêu thụ tại TP HCM phải truy xuất được nguồn gốc mà sản phẩm nhập khẩu lại không thực hiện? Trong khi hàng đông lạnh các nước chỉ bán trong 6 tháng còn Việt Nam thì bán vô tư vì nhãn mác bị thay đổi, thậm chí không cần có bao bì. Nên chăng, cần có chế tài ràng buộc trách nhiệm của các nhà máy giết mổ nước ngoài khi xuất khẩu cho Việt Nam thay vì bán đứt đoạn như hiện nay. Vì sao Nhật Bản chấp nhận mua gà giá cao tại Việt Nam mà không mua gà siêu rẻ của Mỹ. Vấn đề là chất lượng" – ông Ngọc đặt vấn đề.

Theo Ngọc Ánh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên