MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất cơ chế tài chính đặc thù giải cứu doanh nghiệp

Chuyên gia cho rằng những giải pháp hỗ trợ hiện nay chủ yếu dưới hình thức gián tiếp, thông qua chính sách giãn, hoãn, kéo dài thời gian thực hiện các nghĩa vụ thuế, khoản vay của doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp đang cần những chính sách hỗ trợ trực tiếp và mức hỗ trợ cụ thể hơn. Chuyên gia kiến nghị cần có quỹ bảo lãnh đứng bên cạnh ngân hàng để khơi thông nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp trong bối cảnh sản xuất trở lại như hiện nay.

Báo cáo vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy do sự bùng phát mạnh của dịch Covid-19 lần thứ tư cùng với các đợt phong tỏa, giãn cách kéo dài liên tiếp đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt trong quý III vừa qua.

Đề xuất cơ chế tài chính đặc thù giải cứu doanh nghiệp - Ảnh 1.

Thiếu giải pháp đặc thù cho từng ngành, từng loại hình doanh nghiệp

Cũng theo Tổng cục Thống kê, nhiều nhà máy sản xuất phải tạm ngừng hoạt động trong thời gian phong tỏa, doanh nghiệp không tiếp cận được với khách hàng, hoạt động vận tải hàng hóa và chuỗi cung ứng cho sản xuất bị gián đoạn, đứt gãy khiến doanh thu giảm mạnh. Khó khăn liên tiếp làm cho nguồn lực dự trữ của doanh nghiệp bị bào mòn, dần cạn kiện.

Trong tháng 9, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm hơn 62% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 3.899 doanh nghiệp. Đây là tháng có số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký thấp nhất kể từ năm 2016.

Đề xuất cơ chế tài chính đặc thù giải cứu doanh nghiệp - Ảnh 2.

Ảnh: Tổng cục Thống kê.


Quý III vừa qua cũng là thời điểm việc giãn cách xã hội được thực hiện nghiêm ngặt nhất, số doanh nghiệp thành lập mới chỉ đạt 18.400 doanh nghiệp, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 9 tháng, số doanh nghiệp thành lập mới đạt 85.500 doanh nghiệp, giảm gần 14% so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng cục Thống kê nhận định số doanh nghiệp thành lập mới giảm mạnh, trong khi doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể lại tăng đã gây áp lực giải quyết việc làm cho thị trường lao động và làm tăng nguy cơ thất thu ngân sách Nhà nước trong thời gian tới.

Trong thời gian này, các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của Chính phủ được tung ra đúng đắn và kịp thời, nhưng khi triển khai ở các cấp lại vướng nhiều hạn chế, khiến một bộ phận doanh nghiệp tiếp cận khó khăn, không phát huy được hiệu quả. c

Đồng tình với nhận định trêm, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Kinh tế Tư nhân cho rằng những chính sách hỗ trợ hiện nay mới đang tập trung vào những gói giải cứu là giúp đỡ những trường hợp đổ vỡ. Trong khi đó, đồng hành với doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có tính dẫn dắt các ngành, tính toán những cơ hội, bài toán và tìm lời giải cho bài toán mà doanh nghiệp đang gặp phải thì chưa có.

VCCI cũng cho rằng hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước chủ yếu dưới hình thức gián tiếp thông qua chính sách giãn, hoãn, kéo dài thời gian thực hiện các nghĩa vụ thuế, khoản vay đối với doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp lại cần hơn những chính sách hỗ trợ trực tiếp và mức hỗ trợ cụ thể hơn.

Chính sách tài khóa tiền tệ phải đột phá

Chính vì vậy, tại buổi làm việc với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa diễn ra, một trong những kiến nghị được VCCI - đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp - đưa ra là nghiên cứu ban hành một số chính sách tài khóa, tiền tệ có tính chất đột phá cho doanh nghiệp.

Với tình thế sống còn, tình trạng kiệt quệ hiện nay của các doanh nghiệp, VCCI kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét bổ sung gói hỗ trợ cấp bù khoảng 3-5%/năm so với lãi suất thị trường và tập trung vào những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 như du lịch, hàng không, vận tải, y tế và giáo dục & đào tạo.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Vietravel cũng cho biết khi bước vào giai đoạn mở cửa, doanh nghiệp cần một dòng vốn mới. Dòng vốn đó phải rẻ, ở mức 3-3,5% và doanh nghiệp phải tiếp cận được.

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như ngân hàng, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho biết cần có những quỹ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay. Trên thực tế, xét theo tình hình kinh doanh và khó khăn dòng tiền hiện tại của phần lớn doanh nghiệp, sự chần chừ của ngân hàng là có lý. Vì vậy, điều này đòi hỏi quỹ bảo lãnh phải đứng bên cạnh ngân hàng để hỗ trợ tốt hơn hoạt động cho vay doanh nghiệp. Cách thức triển khai là bám sát doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp để đo lường, đánh giá rủi ro và triển vọng phục hồi để đi đến quyết định cho doanh nghiệp vay vốn.

Bên cạnh quỹ bảo lãnh tín dụng, chuyên gia còn cho rằng việc có thêm một tổ hợp tín dụng với sự tham gia của tất các ngân hàng thương mại và cho vay với lãi suất thấp cũng là cách hỗ trợ linh hoạt trong tình hình hiện nay dành cho doanh nghiệp.

Đóng góp thêm ý kiến, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu gợi ý tổ hợp này nên cho vay tín chấp thay vì thế chấp. Điều này phù hợp thực tế khi việc vay thế chấp đòi hỏi tài sản đảm bảo sẽ hạn chế số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện, nhất là sau khi trải qua 4 làn sóng dịch Covid-19 trong 2 năm trở lại đây.

Ông Nguyễn Trí Hiếu đề xuất Tổ hợp tín dụng làm việc với quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp có được nguồn lực tài chính trong giai đoạn phục hồi như bây giờ. Hiện hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương đã có khung quy định tại Nghị định 34/2018 về tổ chức hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo Ngọc Hà

Người đồng hành

Trở lên trên