Đề xuất của Vietnam Airlines lập hãng hàng không mới “bỏ quên” nhiều văn bản pháp lý?
Sau chỉ đạo của Thủ tướng tại công văn 1567/TTg-CN ngày 18/10/2007 được Bộ Giao thông vận tải viện dẫn còn hàng loạt văn bản pháp lý trong đó bao gồm Nghị định 183/2013 về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty hàng không Việt Nam Vietnam Airlines.
- 15-03-2016Hoàn thành cổ phần hóa, VietnamAirlines, Vinatex sẽ không còn được Chính phủ bảo lãnh khi vay vốn kinh doanh
- 11-03-2016VietnamAirlines là thương hiệu Quốc gia đấy, nhưng trang web thì dở tệ
“Đề án đúng quy định, đúng chủ trương”
Mới đây Bộ Giao thông vận tải đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thành lập CTCP hàng không VASCO trong đó, điểm đáng chú ý là Công ty Bay dịch vụ Hàng không (VASCO) – đơn vị trực thuộc của Vietnam Airlines sẽ được chuyển đổi thành một hãng hàng không cổ phần với tên gọi SkyViet.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, VASCO đã được Cục Hàng không Việt Nam cấp chứng chỉ khai thác tàu bay và Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế cấp mã vận chuyển theo quy định. Với cơ cấu là đơn vị hạch toán phụ thuộc Vietnam Airlines, Công ty VASCO được giao đội tàu bay ATR72 để khai thác, cung cấp dịch vụ vận tải hàng không đi, đến sân bay tại các địa phương chưa tiếp nhận được tàu bay phản lực thân hẹp.
Bộ Giao thông vận tải cho biết, cơ sở pháp lý và quá trình thực hiện chuyển đổi VASCO thành công ty cổ phần dựa trên công văn số 1567/TTg-CN ngày 18/10/2007 về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển đội máy bay đến 2015 và 2020, các dự án mua máy bay.
Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo: “Cho phép Tổng công ty hàng không Việt Nam xây dựng đề án thành lập hãng hàng không cổ phần trên cơ sở tổ chức lại Công ty Bay dịch vụ hàng không (VASCO) với sự tham gia của CTCP Cho thuê máy bay Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam và các cổ đông khác”.
Bộ Giao thông vận tải cũng cho biết, ngày 22/9/2008, Thủ tướng tiếp tục có công văn số 1567/TTg-CN về việc phê duyệt các dự án phát triển đội máy bay của Vietnam Airlines và CTCP Cho thuê máy bay Việt Nam trong đó chỉ đạo: “Cho phép Tổng công ty hàng không Việt Nam thuê tư vấn định giá VASCO như một doanh nghiệp thông thường và cho phép chỉ định VietAir (sau khi thành lập) mua lại VASCO theo giá trị đã được tổ chức tư vấn độc lập xác định”.
“Tuy nhiên, VietAir đã không được thành lập như dự kiến do vậy Vietnam Airlines tiếp tục thực hiện phương án phát triển VASCO theo hướng thành lập công ty cổ phần như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn ngày 18/10/2007”, báo cáo của Bộ Giao thông vận tải cho hay.
Tỷ lệ góp vốn cụ thể, Vietnam Airlines góp 51% vốn điều lệ thông qua tài sản hiện hữu do Chi nhánh Tổng công ty hàng không Việt Nam - CTCP - Công ty bay dịch vụ hàng không đang quản lý và khai thác, kho phụ tùng vật tư máy bay ATR72-500, động cơ dự phòng máy bay. Giá trị tài sản được Công ty cổ phần Định giá và dịch vụ tài chính Việt Nam định giá theo quy định.
Trong khi, hai cổ đông còn lại là Công ty TNHH MTV quản lý quỹ Kỹ thương (Techcom Capital) là 48%, Công ty cổ phần Phát triển dự án Techcomdeveloper 1% vốn điều lệ.
Tại báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải đánh giá, việc thành lập VASCO theo hình thức góp vốn cùng 2 cổ đông khác theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp, phù hợp với chiến lược phát triển doanh nghiệp, đảm bảo quá trình tái cơ cấu và hoạt động kinh doanh của VASCO.
“Bộ Giao thông vận tải thấy rằng Đề án được xây dựng theo đúng quy định của pháp luật, đúng chủ trương đã được Thủ tướng phê duyệt, phù hợp với quy hoạch phát triển ngành hàng không do vậy Bộ đã có công văn 352/BGTVT-QLDN ngày 11/1/2016 đồng ý về chủ trương của Vietnam Airlines về việc tham gia góp vốn thành lập CTCP hàng không VASCO theo đề xuất của người đại diện phần vốn Nhà nước tại Vietnam Airlines”, Bộ Giao thông vận tải cho hay.
Đồng thời Bộ Giao thông vận tải tiếp tục dẫn ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản 1567/TTg-CN cho biết, Bộ Giao thông vận tải sẽ xem xét và cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không và kinh doanh hàng không chung cho CTCP hàng không SkyViet theo đúng thẩm quyền quy định”.
Nhiều văn bản pháp lý bị “bỏ quên”?
Thủ tướng đã phê duyệt các dự án phát triển đội tàu bay của Vietnam Airlines và Công ty cổ phần cho thuê máu bay Việt Nam tại công văn số 1567 ngày 22/9/2008 nêu trên, cho phép VNA thuê tư vấn định giá Vasco như một doanh nghiệp thông thường và cho phép chỉ định VietAir (sau khi được thành lập) mua lại Vasco theo giá trị đã được tổ chức tư vấn độc lập xác định.
Quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 có nêu, đến năm 2020, phát triển VASCO theo hướng công ty cổ phần kết hợp giữa cung cấp các dịch vụ bay phục vụ kinh tế quốc dân, chuyển phát nhanh, chở hàng đường ngắn với phát triển dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng hoá thường lệ.
Tuy định hướng về phương án hoạt động của VASCO như trên, đến ngày 20/4/2011 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 586/QĐ-TTg, Phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Vietnam Airlines trong đó quy định VASCO là 1 trong 12 đơn vị trực thuộc Vietnam Airlines, VASCO không trong danh sách các công ty con, công ty liên kết của Vietnam Airlines.
Thủ tướng chỉ đạo tại văn bản phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước của Vietnam Airlines số 2129 ngày 15/11/2011, VASCO không trong danh sách 5 công ty được thực hiện cổ phần hoá là Công ty mẹ Vietnam Airlines, 1 công ty Vietnam Airlines nắm trên 50% vốn điều lệ và 3 công ty Vietnam Airlines được quyết định tỷ lệ cổ phần nắm giữ. Vietnam Airlines báo cáo Thủ tướng tình hình thực hiện tái cơ cấu VASCO đề xuất phương án sắp xếp lại, trình Thủ tướng trong quý IV/2011.
Tiếp đó, Thủ tướng phê duyệt Đề án tái cơ cấu Vietnam Airlines giai đoạn 2012-2015 tại Quyết định 172/QĐ-TTg ngày 16/1/2013 cũng khẳng định VASCO là 1 trong 9 đơn vị phụ thuộc công ty mẹ Vietnam Airlines, không có nội dung cho phép Vietnam Airlines chuyển VASCO thành CTCP và góp trên 50% vốn điều lệ.
Tại Nghị định 183/NĐ-CP ban hành ngày 15/11/2013 có hiệu lực thi hành kể từ 5/1/2014 cũng quy định VASCO là 1 trong 12 đơn vị trực thuộc Vietnam Airlines.
Như vậy, VASCO, một đơn vị phụ thuộc, hạch toán phụ thuộc, nằm trong cơ cấu của Vietnam Airlines doanh nghiệp do Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ, sở hữu nhiều vốn, tài sản của nhà nước đột nhiên được định giá không công khai kế hoạch, không tổ chức đấu thầu, không đưa ra các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư. Và Techcombank lại được tham gia góp vốn để thành lập một hãng hàng không mới với vốn góp 49% vốn điều lệ.
Thêm nữa, con số 300 tỷ đồng vốn điều lệ, trong đó Tổng công ty góp vốn bằng tài sản hiện có do Vasco đang quản lý như đội tàu bay ATR 72, kho phụ tùng vật tư, động cơ dự phòng… chỉ tương đương 153 tỷ đồng hiện cũng gây tranh cãi khi trước đó, một hãng hàng không khác là Jetstar Pacific, Vietnam Arilines hiện đang nắm giữ 70% từng được định giá là 150 triệu USD, tương đương hơn 3.000 tỷ đồng.
BizLIVE