Đề xuất đánh thuế tài sản: “Tại sao là 700 triệu mà không phải 7 tỷ?”
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nêu quan điểm về dự thảo dự án Luật thuế tài sản mà Bộ Tài chính vừa công bố...
-
Nông sản thực phẩm Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm. Đó là thiếu liên kết trong sản xuất, tiêu thụ; thiếu vốn và kinh phí; cơ sở, trang thiết bị chưa đáp ứng...
Đề xuất đánh thuế tài sản có rất nhiều bất cập. Bộ Tài chính đã không giải thích tại sao lại đánh thuế nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên mà không phải là 7 tỷ đồng? - Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói với VnEconomy về dự thảo Dự án Luật thuế tài sản mà Bộ Tài chính vừa công bố.
Vẫn lập luận cũ, "nước khác thu nên phải thu!"
Dự thảo Luật thuế tài sản mà Bộ Tài chính mới công bố đã đề xuất việc đánh thuế với nhà trị giá từ 700 triệu đồng. Xin bà cho biết quan điểm về vấn đề này?
Đầu tiên, tôi cho rằng, khi đưa ra dự thảo Luật thuế tài sản, Bộ Tài chính vẫn nêu một lập luận cũ là các nước khác thu thuế tài sản thì Việt Nam cũng phải thu.
Đây là thực tế có thể đúng, tôi cũng thừa nhận là các nước khác họ có thu, nhưng cách đưa thông tin như vậy là không đầy đủ và không minh bạch.
Bộ Tài chính đã không đề cập đến việc các nước khác thu thuế tài sản như thế nào? Theo nguyên tắc đánh vào người giàu dư thừa tài sản hay là đánh vào tất cả, trong đó có cả người nghèo?
Mức thu nhập của người dân Việt Nam cũng khác các nước, vậy những nước thu nhập cao họ đánh thuế tài sản như thế nào? Những nước cùng mức thu nhập như Việt Nam đánh thuế tài sản ra sao? Tôi nghĩ cần phải cụ thể, chứ không thể buông một câu các nước họ thu thuế thì Việt Nam cũng thu được.
Mỗi lần điều chỉnh giá điện, điều chỉnh giá xăng dầu cũng cùng một lập luận như vậy là không ổn.
Thứ hai, mức thu thuế nhà trị giá 700 triệu đồng trở lên cũng rất buồn cười. Cơ quan soạn thảo không nói tại sao lại là 700 triệu đồng mà không phải là 7 tỷ đồng mới thu? Tại sao mức thu dự kiến là 0,3 - 0,4% chứ không phải là một tỷ lệ khác?
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng không đưa ra được bài toán là thu thuế tài sản như vậy là sắc thuế mới, và là khoản thu thứ bao nhiêu về thuế phí trên mỗi tài sản nhà cửa mà người dân đang có?
Để sở hữu một ngôi nhà, người dân đã phải chịu bao nhiêu thuế phí khác, như thuế quyền sử dụng đất, kể cả thuế xây dựng thu từ các chủ đầu tư, rồi đến người mua cũng phải trả tiền khi mua, thuê nhà. Hay đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì khi xây nhà cũng phải chịu thêm bao nhiêu thứ thuế phí trong quá trình xây dựng nữa.
Nếu minh bạch ra thì phải phân tích đầy đủ, một ngôi nhà 700 triệu hiện nay đã phải cõng bao nhiêu thứ thuế? Và sau này sẽ phải cõng thêm bao nhiêu thuế nữa? Chứ cứ thuế chồng lên thuế thì làm sao có thể chấp nhận được.
Mức nhà bị đánh thuế là 700 triệu đồng, tương đương với nhà ở thu nhập thấp. Theo bà, có hợp lý?
Tôi cho rằng điều này không thuận theo đạo lý nào. Một mặt Nhà nước muốn đảm bảo quyền sở hữu nhà ở như luật pháp quy định, bằng cách cho người dân vay với lãi suất thấp, thời gian trả dài; mặt khác lại đánh thuế tài sản từ những người thu nhập thấp trở đi là một sự mâu thuẫn lớn.
Bên cạnh đó, cách tính thuế nhà đất cũng còn bất cập. Cơ quan soạn thảo chỉ nói cách đánh thuế sẽ dựa trên giá do Nhà nước quy định hoặc giá theo thị trường. Tuy nhiên, một ngôi nhà mới xây thì đắt, nhưng 10 năm sau sẽ xuống cấp thì giá tính thuế sẽ thế nào?
Nếu tính theo giá thị trường, khi nhà đất có những cơn sốt bất chợt do giới đầu cơ đẩy lên thì lại bắt người dân trả thuế cao lên?
Chưa kể, một ngôi nhà 700 triệu có 3 thế hệ cùng sống với ngôi nhà chỉ có 2 người sống sẽ tính thuế như nhau hay là như thế nào?
Cuối cùng, nếu so sánh với các nước khác thì thấy thu nhập của họ hơn chúng ta gấp nhiều lần, trong khi đó nhà đất ở Việt Nam lại đắt đỏ hơn hoặc bằng các nước khác.
Nhiều nghiên cứu đưa ra cho thấy, giá nhà đất ở Hà Nội, Tp.HCM cao hơn Bangkok và nhiều nước trong khu vực. Còn thuế thì cũng muốn người dân phải chịu giống như các nước khác là điều không hợp lý.
Bà Phạm Chi Lan.
Dồn dập đề xuất tăng thuế
Nhiều chuyên gia lý giải, Bộ Tài chính đưa ra nhiều đề xuất thu thuế là để bù thu cho ngân sách trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, nên điều này có thể hiểu được. Quan điểm của bà về vấn đề này thế nào?
Thứ nhất, từ cuối năm ngoái đến nay, Bộ Tài chính đã liên tục đưa ra đề xuất tăng thuế, điều chỉnh 5 sắc thuế cũ, tăng thêm thuế môi trường đánh vào xăng dầu, và giờ là thuế tài sản.
Các đề xuất này xuất phát từ bối cảnh chung là ngân sách thiếu hụt do giá của dầu thô giảm xuống, giảm thuế nhập khẩu ở các mặt hàng mà chúng ta ký Hiệp định thương mại tự do với các nước.
Tuy nhiên, việc tăng thuế không đi cùng bất cứ tuyên bố nào của Bộ Tài chính là bên cạnh việc tăng thu thì tiết kiệm chi tiêu ngân sách như thế nào? Khắc phục việc thiếu hụt ngân sách không phải chỉ có một công cụ là tăng thu mà còn phải giảm chi.
Chi thường xuyên của ngân sách hiện rất cao, lên tới 70% của tổng nguồn thu. Mặc dù chi đầu tư phát triển đã giảm xuống nhưng vẫn còn nhiều dự án lãng phí và kiểm soát chi tiêu đầu tư công nói chung vẫn chưa giảm được nhiều. Vì vậy, gánh nặng về chi ngân sách vẫn rất lớn.
Nhà nước cần phải tính đến cả hai mặt, một mặt là tăng những nguồn thu có thể được, hai là phải giảm chi tiêu. Nếu giảm được chi tiêu thì sẽ tạo được sự cân bằng mà không cần phải tăng nguồn thu.
Thứ hai, thu ngân sách lâu nay vẫn xảy ra hiện tượng có doanh nghiệp trốn thuế, nợ thuế, chuyển giá... và cách thu của Bộ Tài chính, của ngành thuế còn nhiều bất cập.
Nên tôi cho rằng nếu cải thiện được công tác thu thuế thì sẽ tăng được nguồn thu mà không cần phải điều chỉnh các sắc thuế, hoặc tạo thêm sắc thuế mới như thuế tài sản mà Bộ Tài chính đang đưa ra.
Thứ ba, việc dồn dập đưa ra các đề xuất về thuế như hiện nay hoàn toàn không tính đến tác động đối với nền kinh tế, với doanh nghiệp, và với người dân.
Làm bất cứ chính sách gì thì Bộ Tài chính phải tính đến tác động kinh tế, xã hội. Tại sao có thể đưa ra dồn dập các loại thuế như thế mà không tính đến gánh nặng đang đè lên người dân?
Tôi mong rằng Chính phủ, Quốc hội cần phải phê bình Bộ Tài chính về cách làm, ý tưởng, bởi sẽ làm tăng thêm bất bình của người dân về ngành thuế.
Vneconomy