MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất đẩy nhanh hoàn thiện chính sách thuế bất động sản

10-11-2023 - 15:15 PM | Bất động sản

Đề xuất đẩy nhanh hoàn thiện chính sách thuế bất động sản

Để phát triển bền vững đô thị, nhiều nhiệm vụ được đặt ra và triển khai. Các chuyên gia cho rằng, đẩy nhanh hoàn thiện chính sách thuế bất động sản là phương án để khuyến khích sử dụng nhà đất có hiệu quả.

Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển đô thị

Tại diễn đàn “Phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2023” tổ chức chiều 8/11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã dẫn số liệu đáng chú ý, đó là tỷ lệ đô thị hóa đến tháng 9/2023 là 42,6%. “Chúng ta còn rất nhiều dư địa để phát triển đô thị”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhận định.

Đề xuất đẩy nhanh hoàn thiện chính sách thuế bất động sản - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng dẫn thêm số liệu, đến tháng 9/2023, toàn quốc có 902 đô thị, trong đó có 02 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 35 đô thị loại II, 46 đô thị loại III, 94 đô thị loại IV. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước ước đạt trên 42,6%.

Theo Bộ trưởng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 148/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW trên cơ sở bám sát quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm xây dựng và phát triển đô thị Việt Nam.

Theo đó, đến năm 2030: “Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới. Thể chế hóa chính sách về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững cơ bản được hoàn thiện. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Chất lượng sống tại khu vực đô thị ở mức cao, đảm bảo đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị. Phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy”.

Trong khi đó, tầm nhìn đến năm 2045 được xác định: “Tỷ lệ đô thị hóa thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và Châu Á. Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh. Xây dựng được ít nhất 05 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế. Cơ cấu kinh tế khu vực đô thị phát triển theo hướng hiện địa với các ngành kinh tế xanh, kinh tế số chiếm tỷ trọng lớn”.

Để phát triển bền vững đô thị Việt Nam

Cũng tại diễn đàn, đánh giá về quá trình đô thị hoá ở Việt Nam, TS.KTS Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam (VUPDA) thẳng thắn chỉ ra những vấn đề còn tồn đọng hiện nay. Điển hình như sự phát triển nhà ở, đất ở quá nóng, nhưng không có các công cụ tài chính hữu hiệu đi kèm đã làm cho việc phát triển đô thị bị biến tướng, không phục vụ cho nhu cầu nhà ở mà chủ yếu phục vụ cho nhu cầu đầu cơ, tích tụ đất của một bộ phận nhỏ người giàu trong xã hội. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này đó là tính xơ cứng của sản phẩm quy hoạch không đủ linh hoạt để có thể đáp ứng các thay đổi của thực tiễn nên thường xuyên điều chỉnh. Ông Quảng cũng cho rằng, một số nguyên nhân khác có thể kể tới đó là sự phối hợp đa ngành trong quá trình lập quy hoạch hạn chế, thiếu tính tổng thể, hay việc “hợp thức hoá” một số vấn đề, một số việc “đã rồi” tại địa phương theo tư duy “nhiệm kì”.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng ban Kinh tế Trung Ương cho rằng, để công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam, nhiều nhiệm vụ cần đặt ra và triển khai. Cụ thể, cần tiếp tục đổi mới tư duy thống nhất nhận thức về đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững theo tinh thần của Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị hơn nữa. Đồng thời, đẩy nhanh hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hoá, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững; trong đó, trọng tâm là xây dựng Luật để quản lý phát triển đô thị bền vững và Luật điều chỉnh Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Một số biện pháp khác mà ông Hiển đề xuất, đó là hoàn thiện chính sách thuế, phí liên quan đến bất động sản cũng cần được quan tâm nhằm khuyến khích sử dụng nhà, đất có hiệu quả; thực hiện phân quyền mạnh mẽ cho các chính quyền đô thị các khoản thu từ các loại thuế, phí; thí điểm, tiến tới mở rộng phân cấp cho các thành phố trực thuộc Trung ương và các đô thị khác đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện được quyết định một số khoản thu đặc thù gắn với yêu cầu tăng cường trách nhiệm cung cấp dịch vụ đô thị.

Triệu Vương

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên