Đề xuất đẩy nhanh hoàn thuế GTGT cho gỗ xuất khẩu
Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng chủ lực, mới đây ngành gỗ đề xuất thúc đẩy thời gian hoàn thuế GTGT để doanh nghiệp có thêm vốn quay vòng sản xuất, xuất khẩu.
- 27-02-2023Địa phương vừa được đầu tư hơn 2 tỷ USD có tiềm năng gì đặc biệt?
- 27-02-2023Hơn 2 tỷ USD vốn đầu tư vào tỉnh miền núi, riêng Tập đoàn Xuân Thiện rót 1,2 tỷ USD
Những ngày đầu năm nay, các mặt hàng dăm gỗ, viên nén, gỗ dán - nhóm sản phẩm phụ ngành gỗ đang là động lực xuất khẩu của ngành này, khi lượng đơn hàng xuất khẩu có tín hiệu tích cực.
Tại cảng Cái Lân, Quảng Ninh, các phương tiện để xuất khẩu mặt hàng dăm gỗ như xe xúc, xe múc đang đình trệ hoạt động trong một vài tháng nay do các doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ tại Quảng Ninh đang chờ được hoàn số thuế giá trị gia tăng (GTGT) lên đến khoảng 760 tỷ đồng trong khoảng thời gian từ đầu năm 2022 đến nay. Do khoản thuế GTGT chậm được hoàn lại, nên doanh nghiệp đang rất khó khăn về vốn và tạm đình trệ hoạt động xuất khẩu.
130 tỷ đồng là giá trị số thuế GTGT doanh nghiệp đang chờ được hoàn kể từ tháng 1/2021. "Số tiền 130 tỷ chưa được hoàn, vì vậy ảnh hưởng đến tiền vốn vay ngân hàng, chúng tôi không luân chuyển trả nợ được vì tất cả kẹt hết vào tiền hoàn thuế chờ", ông Nguyễn Thế Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Tân Tiến Thành, cho biết.
Quá trình làm hồ sơ, doanh nghiệp của ông Tiến cũng như các doanh nghiệp khác đáp ứng được yêu cầu hồ sơ gồm các giấy tờ, hóa đơn đầu vào. Tuy nhiên, kể từ tháng 5/2020, Tổng cục Thuế đã yêu cầu chặt chẽ hơn về quản lý gỗ rủi ro, yêu cầu xác minh nguồn gốc gỗ đến tận từng hộ nông dân trồng rừng, trong khi doanh nghiệp chưa thể đáp ứng được.
Lợi nhuận ngành gỗ chỉ từ 5 - 10% nên việc chậm hoàn 10% thuế GTGT khiến không ít doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
"Cục thuế các địa phương yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu phải chứng minh nguồn gốc gỗ rừng trồng này thì hiện tại mỗi doanh nghiệp xuất ít cũng hàng trăm hộ dân, xuất nhiều thì cũng hàng nghìn hộ dân. Dân người ta trồng trên vùng dân tộc có người có sổ, có người không có sổ nên không thể xác nhận cả thời gian dài như thế. Số lượng quá lớn nên không doanh nghiệp nào làm được", bà Phạm Thị Vinh, Giám đốc Công ty cổ phần 12-1 Hạ Long, cho hay.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng cơ quan thuế phát hiện có nguy cơ rủi ro về gian lận hoàn thuế GTGT chỉ ở một số doanh nghiệp gỗ dán. Tuy nhiên hiện nay, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đồ gỗ nội thất, viên nén, dăm gỗ bị vạ lây, vì vậy đề xuất cơ quan thuế cần có đánh giá kỹ lưỡng hơn trong việc phân loại rủi ro.
"Không thể để 1 hoặc 2 doanh nghiệp làm sai mà để hàng nghìn doanh nghiệp với hàng nghìn tỷ đồng bị tồn đọng làm chậm tình hình tài chính của doanh nghiệp", ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nhận định.
Theo đại diện theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gỗ có nguồn gốc từ vườn và rừng trồng trong nước đảm bảo về nguồn gốc hợp pháp. Người dân tự khai thác và lập bảng kê lâm sản, tự do lưu thông và không phải xác nhận về nguồn gốc của cơ quan quản lý nhà nước.
"Việc xác minh chi tiết đến từng hộ gia đình, xã, theo yêu cầu của cơ quan thuế là chưa phù hợp với quy định của pháp luật về hồ sơ lâm sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Cái thứ hai là thời hạn xử lý hồ sơ hoàn thuế GTGT. Theo chúng tôi được biết, Luật Quản lý thuế 2019 quy định thời hạn hoàn thuế là 40 ngày, vì vậy chúng tôi cũng kiến nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét để xử lý đúng thời hạn, đảm bảo đúng quy định pháp luật và ổn định tâm lý cho doanh nghiệp", ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề xuất.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, 3 mặt hàng gỗ dán, dăm gỗ, viên nén đang khó khăn trong việc hoàn thuế GTGT chiếm tỷ trọng gần 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ. Lợi nhuận ngành gỗ chỉ từ 5 - 10% nên việc chậm hoàn 10% thuế GTGT khiến không ít doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn, rất cần được tháo gỡ sớm.
VTV