Đề xuất dịch tả lợn châu Phi vào danh mục bệnh động vật trên cạn phải công bố dịch
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn.
- 02-03-2019Đề nghị nâng mức hỗ trợ lợn bị dịch tả châu Phi ngang giá thị trường
- 01-03-2019Xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi tại Long Biên, Hà Nội dồn lực dập dịch
- 01-03-2019Dịch tả lợn châu Phi đã lây lan trên 6 tỉnh và Hà Nội
Trong đó, Bộ đề xuất đưa bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào Danh mục bệnh động vật trên cạn phải công bố dịch.
Dự thảo cũng đề xuất bổ sung hướng dẫn phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Trong đó nêu rõ, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (tên tiếng Anh là African swine fever - ASF) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh và xảy ra ở mọi loài lợn (cả lợn nhà và lợn hoang dã); bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn. Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao lên đến 100%. Vi rút gây ra bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (ASFV) có sức đề kháng cao trong môi trường. Lợn khỏi bệnh có khả năng mang vi rút trong thời gian dài, có thể là vật chủ mang trùng suốt đời, do vậy khó có thể loại trừ được bệnh nếu để xảy ra bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
Hóa chất để diệt vi rút Dịch tả lợn Châu Phi bao gồm ether, chloroform và hợp chất iodine hoặc sử dụng sodium hydroxide với tỉ lệ 8/1.000 hoặc formalin với tỉ lệ 3/1.000 hoặc chất tẩy trắng hypochlorite chứa chlorine 2,3% hoặc chất ortho-phenylphenol 3% nhưng phải duy trì thời gian 30 phút.
Dự thảo cũng nêu rõ phương pháp xử lý và chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi như khoanh vùng ổ dịch; dừng vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn: quản lý chăn nuôi, an toàn sinh học, tái đàn sau khi hết dịch; chủ động giám sát và cảnh báo dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi...
Được biết, Dịch tả lợn Châu Phi đã chính thức có mặt tại 7 tỉnh, thành của nước ta (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương và Hà Nam) và đang có nguy cơ lây lan ra nhiều địa phương khác. Dịch tả lợn châu Phi không lây sang người, nhưng về chăn nuôi rất tổn thất. Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành các tỉnh, thành trên cả nước đã có những chỉ đạo và hành động quyết liệt nhằm phòng chống có hiệu quả dịch bệnh này.
Nhịp sống kinh tế