MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu: Bỏ mức giá trần?

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị Bộ Công thương cân nhắc 2 phương án để quản lý giá bán xăng dầu. Một trong số này là cho phép doanh nghiệp tự quyết định giá bán, không có giá trần.

VCCI vừa có góp ý dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu gửi Bộ Công thương . Theo cơ chế mới được đề xuất tại dự thảo, cơ quan nhà nước sẽ công bố các chi phí thành phần. Doanh nghiệp tự tính giá trần, thay vì như hiện nay, cơ quan nhà nước công bố giá trần.

VCCI cho biết doanh nghiệp đánh giá cơ chế này chỉ thay đổi về hình thức, chứ không thay đổi về bản chất việc quản lý giá xăng dầu. Công thức tính giá và các chi phí thành phần cũng không có sự thay đổi đáng kể so với hiện hành.

Nếu thực hiện theo cơ chế này, giá trần sẽ rất sát với giá thành toàn bộ của việc cung ứng xăng dầu. Đại đa số doanh nghiệp vẫn phải bán theo giá trần, chứ khó có khả năng bán với giá thấp hơn để cạnh tranh với doanh nghiệp khác.

Như vậy, cơ chế mới không khác biệt so với hiện hành.

Đề xuất doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu: Bỏ mức giá trần?- Ảnh 1.

VCCI vừa có góp ý dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu gửi Bộ Công thương.

Dự thảo còn bổ sung quy định doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục kê khai giá bán xăng dầu với cơ quan nhà nước.

Theo VCCI, trong trường hợp đại đa số các doanh nghiệp bán xăng dầu với giá trần, thủ tục kê khai giá này không mang lại ý nghĩa quản lý. Nhiều doanh nghiệp lo ngại cơ chế này sẽ tăng thêm thủ tục hành chính. Mỗi doanh nghiệp phải kê khai giá từng tuần khi cơ quan nhà nước công bố chi phí tạo nguồn mới.

Theo đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc hai phương án. Một là cho phép doanh nghiệp tự quyết định giá bán, không có giá trần , đi kèm với các quy định về công khai, minh bạch giá để người tiêu dùng lựa chọn.

Phương án 2 bỏ thủ tục kê khai giá, hoặc miễn thủ tục này khi doanh nghiệp bán hàng đúng bằng giá trần theo quy định.

Về việc dự thảo không cho phép thương nhân phân phối mua bán xăng dầu với nhau vì lo ngại dẫn đến mua bán lòng vòng, theo VCCI, lập luận này không có cơ sở và đi ngược lại quy luật thị trường.

Các bên trên thị trường có xu hướng ưu tiên mua của những thương nhân phân phối có giá thấp hơn. Thương nhân phân phối nào bán giá cao sẽ bị đào thải khỏi thị trường do không thể cạnh tranh với các thương nhân đầu mối và phân phối khác có giá rẻ hơn. Cơ quan này đề nghị sửa đổi dự thảo theo hướng cho phép các thương nhân phân phối mua bán xăng dầu với nhau.

VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ các nội dung về kinh doanh dịch vụ xăng dầu ra khỏi nghị định này, cân nhắc cơ chế Nhà nước điều hành lượng dự trữ lưu thông cũng như cân nhắc bổ sung thêm một số khu vực cách xa nhà máy hoặc cảng nhập khẩu vào diện được tăng giá thêm 2%.

Theo Việt Linh

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên