Đề xuất 'đổi giờ làm, không nghỉ bù dịp Tết Âm lịch' gây tranh cãi
Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, phương án nghỉ Tết Âm lịch 'không hoán đổi, nghỉ bù' không sửa đổi vì hiện đang thực hiện ổn định. Bên cạnh đó về thống nhất một khung giờ làm các cơ quan nhà nước cũng... không nên bàn tới nữa.
Tại Hội thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 14/5, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, bổ sung thêm 1 ngày nghỉ lễ là Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) chưa chắc tốt, nên cần lấy ý kiến nhân dân; còn thống nhất giờ làm của các cơ quan nhà nước nên giữ như hiện nay, không nên bàn tới việc thống nhất 1 khung giờ làm. Đây cũng là quan điểm của đại diện các doanh nghiệp.
Các ý kiến góp ý đều cho rằng không nên sửa đổi quy định về nghỉ Tết, thêm ngày nghỉ Lễ là ngày 27/7, thống nhất giờ làm.
Về đề xuất bổ sung thêm 1 ngày nghỉ lễ trong năm là Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7), Bộ LĐ-TB&XH đưa ra đề xuất này để người dân tri ân người có công.
Theo ông Lợi, việc thêm 1 ngày nghỉ lễ cũng phù hợp, vì có thêm ngày thì tổng ngày nghỉ lễ trong năm của Việt Nam cũng chỉ 11 ngày, vẫn thấp hơn các nước trong khu vực.
“Thường vụ Quốc hội đã họp bàn về điều này, và vẫn có 2 luồng ý kiến. Tuy vậy, thêm ngày nghỉ lễ phải xin ý kiến nhân dân, đánh giá các yếu tố xã hội, vì có thể làm việc mới là hoạt động tri ân tốt, còn nghỉ chưa chắc đã là tri ân tốt”, ông Lợi nói.
Về phương án nghỉ Tết Âm lịch không hoán đổi, nghỉ bù, theo ông Lợi, hiện đang thực hiện ổn định, không nên bàn tới sửa đổi nữa.
Về thống nhất giờ làm các cơ quan nhà nước về 1 khung giờ (8h30 tới 17h30 mỗi ngày), theo ông Lợi, quy định hiện hành để các cơ quan, địa phương linh động quy định giờ làm theo điều kiện khí hậu, tập quán tại địa phương mình. Do đó, vị này đề nghị cũng không nên bàn tới nữa.
Tổng Thư ký Hiệp hội Diệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm cho rằng, không nên thay đổi quy định về thời gian nghỉ Tết Âm lịch. Vì hiện có nhiều người lao động làm xa nhà, nên doanh nghiệp cho người lao động nghỉ Tết thêm, thậm chí nghỉ tới hết ngày 15 tháng giêng. Qua đó người lao động thêm động lực làm việc.
Về chọn ngày nghỉ lễ là Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7), theo ông Cẩm, không nên chọn ngày này, vì “không nên xoáy sâu thêm những chuyện đã qua. Sẽ ý nghĩa hơn nếu người lao động vẫn đi làm, nhà nước khuyến khích người lao động sử dụng tiền ngày công đó để tri ân người có công, thay vì nghỉ”, ông Cẩm nói.
Góp ý trên cũng là qua điểm của đại diện Hiệp hội Điện tử Việt Nam.
Phó Vụ trưởng Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) Mai Đức Thiện cho biết, đề xuất sửa đổi quy định nghỉ Tết âm lịch với bỏ hoán đổi và nghỉ bù, vì hiện có nhiều ý kiến nghỉ Tết Âm của Việt Nam lệch với thế giới, thời gian nghỉ lại quá dài. Điều này ảnh hưởng tới công việc và các đơn hàng xuất khẩu.
Về bổ sung thêm ngày nghỉ lễ 27/7, theo ông Thiện, hiện vào ngày này cả nước vẫn có nhiều hoạt động tri ân người có công, nên nghỉ ngày này sẽ là biểu tượng tri ân. Ngoài ra, các ngày nghỉ lễ hiện rơi chủ yếu vào nửa đầu năm, trong khi nửa cuối năm chỉ có ngày nghỉ 2/9.
Về thống nhất giờ làm, theo ông Thiện, hiện đa phần doanh nghiệp không có giờ nghỉ trưa vì sản xuất theo cả, còn cơ quan hành chính nhà nước lại có giờ nghỉ trưa, thậm chí giờ nghỉ trưa dài.
“Điều này đặt ra vấn đề liệu có phân biệt đối xử giữa cơ quan và doanh nghiệp không, nên đưa vào dự thảo để lấy ý kiến. Đề xuất đang lấy ý kiến, nên sẽ xem xét tiếp thu chỉnh sửa cho hợp lý”, ông Thiện nói.
Bộ LĐ-TB&XH vừa đưa ra lấy ý kiến Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi, dự kiến sẽ trình Quốc hội tài kỳ họp cuối tháng 5, với đề xuất phương án nghỉ Tết Âm lịch nếu trung ngày nghỉ hàng tuần sẽ không được nghỉ bù, và thêm 1 ngày nghỉ Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7).
Theo đó, đề xuất ngày nghỉ lễ tết trong năm là phần khá mới được đưa vào bản Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi mới nhất của Bộ LĐ-TB&XH.
Cụ thể, về thời gian nghỉ Tết Âm lịch, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, có ý kiến về nghỉ Tết Âm lịch của Việt Nam dài hơn các nước trong khu vực, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Do đó, ban soạn thảo đưa ra 2 phương án về thời gian nghỉ Tết Âm lịch dự thảo Bộ luật Lao động để lấy ý kiến.
Phương án 1 (giữ nguyên quy định hiện hành): Người lao động được nghỉ 5 ngày Tết Âm lịch, nếu ngày nghỉ Tết Âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.
Phương án 2: Người lao động được nghỉ 5 ngày Tết Âm lịch, nhưng nếu ngày nghỉ Tết Âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì không được nghỉ bù.
Tiền Phong