ĐỀ XUẤT GIẢM BẬC THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN: Người làm công ăn lương có nhẹ gánh?
Làm thủ tục quyết toán thuế thu nhập cá nhân tại Cục Thuế TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Người làm công ăn lương chỉ thực sự nhẹ gánh nếu điều chỉnh thuế suất phù hợp giữa các bậc; nếu không, việc giảm bậc thuế thu nhập cá nhân chỉ làm cho cách tính thuế đơn giản và thuận lợi hơn cho cơ quan thuế
- 30-01-2023Quyền lợi BHYT 5 năm liên tục mới nhất 2023
- 30-01-2023Hà Nội: Dệt may thiếu đơn hàng, chỉ gần 70% doanh nghiệp hoạt động sau Tết
- 30-01-2023Nửa đầu tháng 1-2023, thu ngân sách ước đạt 42,7 nghìn tỷ đồng
Dự thảo xây dựng luật, Pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023 đang được Bộ Tư pháp tổng hợp lấy ý kiến. Một trong những nội dung đề cập tại dự thảo này là sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), với đề xuất giảm bậc tính thuế TNCN từ 7 bậc xuống 5 bậc đối với người làm công ăn lương.
Cân nhắc giữ khoảng cách các bậc
Theo quy định hiện nay, sau khi được khấu trừ một số thu nhập miễn thuế, giảm trừ gia cảnh, giảm trừ cho người phụ thuộc…, thu nhập tính thuế đối với một cá nhân bao gồm 7 bậc với thuế suất từ 5% đến 35%.
Cụ thể, thuế suất của người có thu nhập 5 triệu đồng/tháng là 5% (bậc 1), trên 5 triệu đến 10 triệu đồng/tháng là 10% (bậc 2), trên 10 triệu đến 18 triệu đồng/tháng là 15% (bậc 3), trên 18 triệu đến 32 triệu đồng/tháng là 20% (bậc 4), trên 32 triệu đến 52 triệu đồng/tháng là 25% (bậc 5), trên 52 triệu đến 80 triệu đồng/tháng là 30% (bậc 6) và trên 80 triệu đồng/tháng là 35% (bậc 7).
Như vậy, với đề xuất giảm từ 7 bậc xuống còn 5 bậc thì người làm công ăn lương có giảm được số tiền thuế phải nộp hay không?
Một số chuyên gia về thuế bình luận việc giảm bậc thuế chỉ làm cho cách tính thuế đơn giản và thuận lợi hơn cho cơ quan thuế lẫn người nộp thuế, từ đó tránh được những phát sinh phức tạp trong việc thu thuế TNCN. Cốt lõi của giảm bậc thuế là cần tính đến việc giữ nguyên khoảng cách giữa các bậc thuế. Bởi hiện nay, thuế suất của mỗi bậc thuế cách nhau 5%, tương ứng với 7 bậc là 35%. Nhưng nếu bậc thuế giảm còn 5 bậc và không thay đổi khoảng cách giữa các bậc là 5% thì thuế suất của 5 bậc sẽ giảm còn 25%. Khi đó, toàn bộ người nộp thuế TNCN mới được hưởng lợi.
Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, thành viên Hội Tư vấn và Đại lý thuế TP HCM, cho rằng người làm công ăn lương sẽ giảm được rất nhiều số tiền thuế phải nộp nếu Luật Thuế TNCN được điều chỉnh theo hướng tăng thêm mức tính thuế tối đa.
"Chẳng hạn, mức tính thuế tối đa hiện nay của bậc 1 là 5 triệu đồng, thuế suất 5%. Nếu mức tính thuế này tăng lên 10 triệu đồng thì người có thu nhập chịu thuế dưới 10 triệu đồng sẽ được miễn thuế. Còn với mức tính thuế của bậc 7 là trên 80 triệu đồng, nếu được tăng lên trên 100 triệu đồng, đồng thời giữ nguyên thuế suất 35% thì người có thu nhập chịu thuế trên 80 triệu đến 100 triệu đồng sẽ rơi vào mức tính thuế tối đa của bậc 6, thuế suất 30%. Tức là người nộp thuế đã giảm được thuế suất từ 35% xuống 30%" - ông Nghĩa phân tích.
Trong khi đó, theo ông Đồng Minh Hồng, Giám đốc Công ty Đại lý thuế và Tư vấn doanh nghiệp DVL, người làm công ăn lương sẽ giảm thêm áp lực nộp thuế nếu mức giảm trừ gia cảnh và người phụ thuộc được tăng từ 15,4 triệu đồng lên 20 triệu đồng. Khi đó, số tiền này và các khoản thu nhập miễn thuế khác sẽ được cấn trừ vào tổng thu nhập, giúp mỗi cá nhân giảm thu nhập tính thuế, từ đó giảm số tiền thuế phải nộp.
Cần giảm trừ chi phí phát sinh
Liên quan thuế TNCN, bà Trần Thị Diễm, viên chức của một cơ quan hành chính sự nghiệp tự thu tự chi, cho biết mỗi tháng bà được giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng là quá thấp vì chi phí ăn uống, đi lại, điện thoại, tiền điện - nước… đã tiêu hết số tiền này. Trong khi đó, các chi phí phát sinh như khám chữa bệnh (ngoài phạm vi BHYT), học tập nâng cao nghiệp vụ, rèn luyện sức khỏe… lại lên tới 10 triệu đồng/tháng và không được tính vào các khoản được giảm trừ khi tính thu nhập chịu thuế.
Mặt khác, con của bà Diễm là sinh viên và là người phụ thuộc chỉ được giảm trừ 4,4 triệu đồng/tháng cũng quá thấp so với 10 triệu đồng/tháng mà bà thường xuyên chi trả học phí cùng nhiều chi phí khác. "Nếu toàn bộ chi phí phát sinh của hai mẹ con được giảm trừ thì thu nhập tính thuế sẽ giảm rất nhiều. Khi đó, tôi sẽ giảm được đáng kể số tiền thuế phải nộp hoặc rơi vào đối tượng có thu nhập chưa đến mức tính thuế" - bà Diễm nói.
Trường hợp của bà Diễm giống với số đông người làm công ăn lương hiện nay, mà theo luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, những bất cập từ Luật Thuế TNCN cần sửa đổi nhằm tránh thiệt thòi cho nhiều đối tượng nộp thuế. Theo đó, luật này cần tính đến việc chấp nhận khấu trừ cho người nộp thuế một phần các chi phí học tập, chữa bệnh hiểm nghèo, rèn luyện sức khỏe, tiền vay ngân hàng mua căn nhà đầu tiên… Có như vậy, người làm công ăn lương mới có thể tái tạo, nâng cao năng lực làm việc, tăng thu nhập và sẽ nộp thuế nhiều hơn.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một lãnh đạo Cục Thuế TP HCM cho biết việc giảm bậc thuế, tăng thêm mức tính thuế, tăng mức giảm trừ gia cảnh và các chi phí phát sinh của người làm công ăn lương đã được ngành thuế kiến nghị từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, đến nay các bộ, ngành chỉ mới đề xuất giảm bậc thuế. Còn việc tăng thêm mức tính thuế tối đa cho mỗi bậc thuế sẽ tùy thuộc tình hình phát triển kinh tế - xã hội, thu nhập của người lao động… để các cơ quan có thẩm quyền tính đến trong thời gian tới.
Số thu thuế thu nhập cá nhân tăng mạnh
Theo Bộ Tài chính, số thu thuế TNCN trong tổng thu ngân sách nhà nước đều tăng qua các năm. Năm 2011, số thu thuế này đạt 38.458 tỉ đồng, chiếm 5,33% tổng số thu ngân sách; năm 2018 đạt trên 94.364 tỉ đồng, chiếm 6,59% tổng số thu ngân sách. Năm 2021, số thu thuế TNCN tăng vọt, lên 127.655 tỉ đồng, chiếm 8,14% tổng số thu ngân sách. Trong 3 năm 2019, 2020 và 2021, thuế TNCN thu được đều trên 100.000 tỉ đồng.
M.Chiến
Bộ Tư pháp: Sẽ ảnh hưởng đến số thu ngân sách
Bộ Tư pháp vừa có báo cáo kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5-11-2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Tại báo cáo này, Bộ Tư pháp đã nêu kết quả đánh giá, rà soát về Luật Thuế TNCN và một số định hướng sửa đổi để phù hợp thực tiễn.
Theo đó, đối với biểu thuế lũy tiến từng phần, Bộ Tư pháp cho rằng qua rà soát cơ cấu biểu thuế hiện nay và nghiên cứu xu hướng cải thiện về mức sống dân cư trong thời gian tới, cũng như kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam có thể nghiên cứu để cắt giảm số bậc từ 7 bậc xuống 5 bậc. Cùng với việc xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế, bảo đảm điều tiết ở mức cao hơn vào những người có thu nhập ở bậc thuế cao. Theo hướng này sẽ góp phần đơn giản hóa, giảm số bậc thuế nhằm tạo thuận lợi cho công tác kê khai, nộp thuế.
Bộ Tư pháp cũng cho rằng có thể xem xét điều chỉnh độ giãn cách giữa các bậc thuế cho phù hợp với những thay đổi gần đây về mức sống dân cư, đồng thời khuyến khích nỗ lực lao động, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế trong việc thu hút những chuyên gia, lao động có tay nghề cao của nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, trong bối cảnh cạnh tranh về nguồn nhân lực trên thế giới ngày càng gay gắt, đặc biệt là giữa các nước đang phát triển.
Bộ Tư pháp khẳng định việc cắt giảm số bậc từ 7 bậc xuống 5 bậc là phù hợp với xu thế thế giới để cải thiện quản lý và tuân thủ thuế. Tuy nhiên, việc điều chỉnh cơ cấu biểu thuế có thể sẽ có những ảnh hưởng đến số thu ngân sách.
Về việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, Bộ Tư pháp nêu quan điểm chưa cần thiết vào lúc này. Bởi lẽ, nhu cầu sống của cá nhân người nộp thuế rất khác nhau nên việc đưa ra mức giảm trừ thường ít có sự đồng thuận do xung đột về lợi ích cũng như quan điểm. Mức giảm trừ quá cao sẽ làm mờ vai trò của chính sách thuế TNCN trong việc thực hiện các chức năng công bằng xã hội và điều tiết thu nhập, gây ra nhiều khó khăn cho các lần cải cách tiếp theo, vô hình trung sẽ đưa chính sách thuế TNCN trở lại chính sách thuế đối với người có thu nhập cao như giai đoạn trước đây.
M.Chiến - Th.Thơ
. Ông PHẠM HOÀNG NAM, Giám đốc Công ty Tư vấn thuế VINASC:
Khuyến khích người nộp thuế tái tạo sức lao động
Theo tôi, cần phải điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người làm công ăn lương theo thực tế chi trả như: tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước, viện phí… Hiện nay ngành thuế đã áp dụng thành công việc xuất hóa đơn điện tử nên việc thu thập, xác minh chứng từ thanh toán của người nộp thuế là không khó.
Ngoài ra, các khoản được miễn thuế nên được nâng lên để phù hợp với tình hình thực tế. Ví dụ, với mức phụ cấp ăn trưa, ăn giữa ca chi bằng tiền được miễn thuế cố định hiện nay là 730.000 đồng/người/tháng thì chất lượng bữa ăn rất kém, người nộp thuế không thể tái tạo sức lao động, tiếp tục tạo ra của cải cho xã hội để được nộp thuế nhiều hơn.
. PGS-TS NGÔ TRÍ LONG, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả - Bộ Tài chính:
Cần sớm sửa đổi bất cập
Quy định biểu thuế lũy tiến với 7 bậc và khoảng cách giữa các bậc thuế quá dày, cộng với thuế suất cao tạo gánh nặng không nhỏ đối với người nộp thuế, bởi thu nhập vừa mới nhích lên đã rơi vào bậc thuế cao hơn.
Vì vậy, việc đề xuất sửa đổi giảm bậc chịu thuế xuống còn 5 bậc và hạ thuế suất của các bậc xuống là phù hợp và cần triển khai sớm. Trong đó, cần nghiên cứu mức khởi điểm chịu thuế là bao nhiêu để phù hợp với thu nhập của người dân. Đặc biệt, đối với người có thu nhập cao, mức thuế suất cũng cần xem xét để hạ thấp hơn bởi đó là những người lao động có trí tuệ, đổi mới sáng tạo, hiệu quả công việc cao và đóng góp cho xã hội lớn.
Những bất cập của Luật Thuế TNCN đã bộc lộ suốt thời gian qua, đã quá lỗi thời nên việc sửa đổi cần được xem xét kịp thời hơn, sớm hơn, thay vì phải chờ đến cuối năm 2025 mới trình ra kỳ họp của Quốc hội.
. Luật sư DIỆP NĂNG BÌNH, Đoàn Luật sư TP HCM:
Nên nâng mức giảm trừ gia cảnh
Tôi đồng tình với việc giảm bậc thuế trong biểu thuế lũy tiến và hạ thuế suất các bậc. Khi hạ số bậc, khoảng cách giữa các bậc thuế cũng nên giãn ra, có thể nghiên cứu mức thuế suất 5% áp dụng đối với thu nhập chịu thuế từ 5 - 10 triệu đồng, 10% áp dụng cho phần thu nhập từ 10 - 30 triệu đồng…
Về giảm trừ gia cảnh, cần nâng cao hơn mức áp dụng hiện nay (11 triệu đồng với người lao động và 4,4 triệu đồng với người phụ thuộc). Trong bối cảnh giá cả leo thang, cuộc sống người dân đối mặt với nhiều khoản chi tiêu tăng cao, việc tăng mức giảm trừ là việc cần làm ngay, để chính sách bám sát với thực tiễn.
C.Minh -C.Tống ghi
Người Lao Động