Đề xuất giao 14 trên 16 dự án thuộc chương trình phục hồi, phát triển kinh tế cho địa phương quản lý
Bộ Kế hoạch & Đầu tư kiến nghị phân cấp 14 trên 16 dự án thuộc chương trình phục hồi - phát triển kinh tế cho địa phương và 2 dự án còn lại giao Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản. Ảnh: Báo Đầu Tư.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư kiến nghị phân cấp 14 trên 16 dự án thuộc chương trình phục hồi - phát triển kinh tế cho địa phương và 2 dự án còn lại giao Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản.
- 21-07-2022PGS. TS Trần Đình Thiên: Trong điều kiện bất thường, có thể chấp nhận lạm phát ở mức 5-6% để bơm tiền cứu nền kinh tế
- 21-07-2022Top 10 tỉnh, thành có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước trong 6 tháng đầu năm 2022
- 21-07-2022Thu nhập của nhóm người giàu nhất ở TP.HCM và Hà Nội đã thay đổi ra sao trong 10 năm?
Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa có Tờ trình gửi Thủ tướng về việc ban hành Quyết định của Thủ tướng phân cấp thực hiện 16 dự án, dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Tờ trình, Bộ Kế hoạch & Đầu tư kiến nghị phân cấp 14 trên 16 dự án cho địa phương và 2 dự án còn lại giao Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản. Trước đó, Bộ đề xuất giao 11 dự án giao cho địa phương quản lý và 5 dự án giao cho Bộ Giao thông vận tải.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng việc giao 14 dự án thành phần cho các địa phương làm cơ quan chủ quản thì trách nhiệm của UBND cấp tỉnh rất nặng nề. Cùng với việc phải kiện toàn nhân sự, đảm bảo đủ năng lực, kinh nghiệm của ban quản lý dự án trực thuộc hoặc tư vấn quản lý dự án, UBND cấp tỉnh còn phải bố trí đủ phần vốn ngân sách địa phương để thực hiện. Trong trường hợp tổng mức đầu tư dự án tăng, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương và nguồn vốn hợp pháp để triển khai thực hiện dự án.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch & Đầy tư cũng cho rằng việc giao địa phương làm cơ quan chủ quản thể hiện sự phân cấp tối đa cho địa phương. Mặt khác, 2 dự án thành phần giao Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản đều là những đoạn tuyến có tính chất phức tạp về mặt kỹ thuật hoặc nằm trên địa bàn 2 tỉnh, thành phố.
Hiện 14 địa phương có dự án nằm trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đều chưa có kinh nghiệm trong quản lý đầu tư xây dựng đường cao tốc, trừ UBND tỉnh Tuyên Quang đang triển khai thi công đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai (quy mô cao tốc chưa hoàn chỉnh) và tỉnh Tiền Giang là cơ quan có thẩm quyền đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT đối với dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Trong 14 tỉnh, thành vừa nêu có 11 địa phương tự đánh giá ban quản lý dự án (bao gồm tổ chức và nhân sự) thuộc địa phương đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện các dự án, dự án thành phần khi được phân cấp và đồng ý nhận làm cơ quan chủ quản; cam kết đảm bảo tiến độ, chất lượng.
Ba địa phương còn lại là Đắk Lắk, An Giang, Hậu Giang, không tự đánh giá rõ việc đáp ứng đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm của ban quản lý dự án (bao gồm nhân sự, bộ máy) tại thời điểm hiện tại, nhưng vẫn thống nhất làm cơ quan chủ quản khi được giao. 3 địa phương cam kết kiện toàn nhân sự, thành lập ban quản lý dự án mới, đảm bảo đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý để thực hiện dự án thành phần phân đoạn qua địa phận tỉnh hoặc lựa chọn tư vấn quản lý dự án để triển khai đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ và các quy định hiện hành.
Để khắc phục sự thiếu hụt kinh nghiệm trong giai đoạn đầu triển khai các dự án, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề xuất Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải thực hiện chức năng quản lý Nhà nước theo pháp luật về xây dựng và pháp luật khác có liên quan; hỗ trợ kỹ thuật, phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tăng cường năng lực chuyên môn kinh nghiệm chung của tổ chức, kinh nghiệm riêng của cá nhân và chứng chỉ cần thiết... cho các địa phương.
Trong vai trò quản lý chuyên ngành, Bộ Giao thông vận tải sẽ hướng dẫn, kiểm tra giám sát và đôn đốc các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản kiện toàn năng lực quản trị, chuyên môn. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng sẽ hướng dẫn cơ quan chủ quản đảm bảo đủ các điều kiện về hoạt động xây dựng trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, dự án thành phần.
Người đồng hành